Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ gửi tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV
Ngày 14/7, tại Trung tâm Hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029 chính thức khai mạc với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”. Gửi gắm tình cảm, niềm tin tới Đại hội, các đại biểu đã có những ý kiến tâm huyết với nhiều thông điệp khác nhau nhưng đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, trí tuệ cá nhân để MTTQ tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới quê hương, đất nước. Báo Thanh Hóa xin lược ghi một số ý kiến của các đại biểu bên lề Đại hội.
Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội.
Phát huy vai trò của người uy tín tiêu biểu, già làng, trưởng bản trong đồng bào dân tộc thiểu số
Bà Cầm Thị Phượng, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thường Xuân.
Hiện nay, đội ngũ người uy tín tiêu biểu, già làng, trưởng bản trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Thường Xuân có 112 người. Người uy tín trên địa bàn huyện đa số là những người lớn tuổi đã nghỉ hưu hoặc đang công tác tại các thôn, tổ dân cư, già làng, trưởng dòng họ, người có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế; có nhận thức và đa số được rèn luyện qua quá trình công tác, là những người tích cực tham gia các phong trào của địa phương, có uy tín và khả năng tập hợp Nhân dân.
Người có uy tín với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, vận động cộng đồng tích cực tăng gia, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người uy tín tích cực tham gia phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”; tuyên truyền, vận động thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia. Nhờ đó, kinh tế và các hoạt động xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số có những bước phát triển mới bền vững hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, diện mạo nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được cải thiện.
Đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), người uy tín tiêu biểu, già làng, trưởng bản trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Thường Xuân tích cực tiên phong, gương mẫu và vận động Nhân dân tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi. Đến nay, toàn huyện đã có 4 xã và 25 khu dân cư vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn NTM (trong đó 1 xã được công nhận NTM nâng cao, 2 khu dân cư được công nhận NTM kiểu mẫu); 2 khu phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được công nhận đô thị văn minh.
—
Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ
Bà Trịnh Thị Đào, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân).
Những năm qua, Ủy ban MTTQ thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân) xác định hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận. Trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ thị trấn Sao Vàng đã tổ chức giám sát 10 cuộc tại 18 đơn vị; tham gia với HĐND giám sát 13 cuộc; tham gia với các đoàn thể 19 cuộc. Ban Thanh tra Nhân dân đã tổ chức thanh tra 8 cuộc với các nội dung liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 13 công trình, dự án trên địa bàn; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua các hình thức như: Hội nghị Nhân dân, hội nghị đối thoại... Những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban trong việc giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của Nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị văn minh.
Để hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng trong thời gian tới ngày càng hoạt động có hiệu quả hơn, tôi xin đề xuất một số giải pháp như:
Các cấp, MTTQ các cấp cần quan tâm chỉ đạo sâu sát và tạo điều kiện hơn nữa để các Ban hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động theo quy định mới, phát huy tốt vai trò trong công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc.
Tiếp tục hướng dẫn, triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân...
Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp đối với Ban thanh tra Nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng; chú trọng khâu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, có chế độ, chính sách phù hợp cho thành viên các ban.
Tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hoạt động theo hướng tăng cường về cơ sở, bám sát cơ sở, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân trên địa bàn chủ động thực hiện quyền giám sát của Nhân dân. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trên các lĩnh vực.
—
MTTQ các cấp tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, gắn với xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu
Ông Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Định.
Chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài, không có điểm dừng và đòi hỏi phải thực hiện đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch, do đó, Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Yên Định đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mỗi người dân hiểu sâu sắc về ý nghĩa, mục đích, có nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình để góp công, góp sức xây dựng NTM.
Huyện đã huy động đóng góp trong dân gần 500 tỷ đồng, vận động Nhân dân hiến hơn 42.000m2 đất mở rộng đường, tham gia trên 70.000 ngày công lao động trồng, chăm sóc đường hoa, vệ sinh môi trường, trát tường rào, khơi thông cống rãnh, chỉnh trang nhà cửa... Các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, thực hiện các phong trào thi đua phù hợp với đặc thù của tổ chức mình, nhiều mô hình đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức thành viên, sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, đến nay toàn huyện có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 20 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo tiêu chí của tỉnh, bình quân tiêu chí NTM nâng cao của các xã trên địa bàn huyện đạt từ 15 đến 18/19 tiêu chí; đạt 5/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, phấn đấu đạt huyện NTM nâng cao năm 2024.
Từ thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu, MTTQ huyện Yên định rút ra một số kinh nghiệm, như: Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, kịp thời các cấp ủy Đảng đối với Cuộc vận động. Quán triệt sâu sắc quan điểm và phương châm thực hiện nhất quán: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, tránh tư tưởng nóng vội chạy thành tích; MTTQ chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên phân công, hiệp thương thống nhất hành động một cách hiệu quả. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng, thực hiện tốt Luật dân chủ ở cơ sở; đa dạng các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư; thường xuyên, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, nhân rộng điển hình trong quá trình thực hiện.
—
Vận động Nhân dân giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Bà Hà Thị Thuận, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quan Hóa.
Luôn xác định giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những nội dung quan trọng của phong trào xây dựng đời sống văn hóa, những năm qua, MTTQ các cấp huyện Quan Hóa đã chủ động phối hợp với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các tổ chức thành viên thực hiện và vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ứng xử, có trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, cơ quan, đơn vị văn hóa...; tham mưu cho cấp ủy, phối hợp tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm... được đông đảo các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh; sinh hoạt cộng đồng được quan tâm tổ chức thường xuyên qua các dịp Lễ, Tết của địa phương, tại các bản du lịch cộng đồng và qua Lễ hội Mường Ca Da (Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia); lưu giữ và trao truyền các nghề thủ công truyền thống, như: đan lát, dệt thổ cẩm, rượu cần; rượu men lá, bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, các bài mo, chữ viết dân tộc Thái; các trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc...
Sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở ngày càng chặt chẽ, đã góp phần vào xây dựng danh hiệu văn hóa ở các cơ quan, đơn vị. Đến nay, toàn huyện đã có 83 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 143 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bản, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 1 xã đạt chuẩn NTM, có 64,5% hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: kiến trúc dân gian của đồng bào các dân tộc ở một số xã đang mất dần; nghề thủ công truyền thống của đồng bào đang dần bị mai một; một bộ phận thế hệ trẻ không tha thiết với sinh hoạt văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống, có nguy cơ phai nhòa bản sắc...
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, MTTQ phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền hướng về cơ sở để nâng cao nhận thức trong Nhân dân; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong đó trọng tâm về các việc mới, việc khó, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn xây dựng khu dân cư văn hóa sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và trong phát triển du lịch cộng đồng; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng như chấn chỉnh các vi phạm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại địa phương.
—
“Sứ mệnh của doanh nhân là tạo ra của cải vật chất, bổn phận của doanh nhân là sẻ chia”
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông.
Xác định “sứ mệnh của doanh nhân là tạo ra của cải vật chất, bổn phận của doanh nhân là sẻ chia”, hàng năm, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã dành nguồn lực từ 2 đến 3 tỷ đồng thực hiện công tác an ninh xã hội, hướng đến đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong cuộc sống.
Đặc biệt là đối tượng trẻ mồ côi và sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gắn với công tác khuyến học, nhằm tạo cơ hội, điều kiện cho các cháu - chủ nhân tương lai của đất nước được học tập, cống hiến trí tuệ, tài năng xây dựng quê hương, đất nước. Hiện nay, công ty đang nhận đỡ đầu, hỗ trợ 206 trẻ mồ côi và sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Đối với trẻ mồ côi, hiện công ty nhận đỡ đầu 198 cháu đến hết năm 18 tuổi, những cháu tiếp tục học đại học, công ty nhận hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình học tập và tìm kiếm việc làm. Đối với công tác khuyến học, công ty hiện đang nâng đỡ hỗ trợ học phí 10 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh và tỉnh ngoài. Từ nhiều năm trước đã có những cháu được Công ty quan tâm, giúp đỡ đã ra trường và có việc làm ổn định, là công dân tốt truyền lửa, truyền nhiệt huyết cho bạn bè, cộng đồng. Ngoài 2 đối tượng trẻ mồ côi và sinh viên khó khăn, công ty còn luôn quan tâm tặng quà đối với các hộ khó khăn khác là hội viên, phụ nữ; tặng quà tri ân gia đình chính sách, người có công với cách mạng...
Thời gian tới, Công ty tiếp tục đồng hành cùng MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên quan tâm hơn nữa công tác an sinh xã hội. Trong đó phát động toàn thể cán bộ, người lao động trong toàn thể công ty thi đua lao động, tạo ra giá trị sản xuất để có nguồn lực để sẻ chia với các đối tượng khó khăn, những mảnh đời bất hạnh; quan tâm mở rộng sự sẻ chia đến những đối tượng khác... để những chủ nhân tương lai của đất nước có cơ hội, điều kiện phát triển bản thân, đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
Thanh Huê - Lê Hà - Lê Hợi
{name} - {time}
-
2024-11-21 20:00:00
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 21/11
-
2024-11-21 18:23:00
Thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa năm 2024 đạt hơn 50.000 tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ
-
2024-07-14 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 14/7/2024
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
Điểm nóng 14/7: Kỷ luật một loạt cán bộ vì đất đai mà đánh mất phẩm chất
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 14/7
Bế mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI tại Thanh Hóa: Kỳ liên hoan đầy ấn tượng
Kết nối giá trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hoá
Phiên thứ nhất, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV
Điểm nóng 13/7: Tranh luận cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn hay đã chết?
Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hợp phần Dự án hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1
Khai mạc Triển lãm chuyên đề “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh”