Nhiều khó khăn trong nâng hạng sản phẩm OCOP
Sau gần 6 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm được gắn sao và hàng chục sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng lại khi hết hạn 36 tháng công nhận. Song, đến nay toàn tỉnh mới có 1 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 1 sản phẩm đã đăng ký nâng hạng, đang chờ thẩm định
Các sản phẩm từ yến của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào Xứ Thanh được đánh giá có tiềm năng nâng hạng sao OCOP trong thời gian tới.
Năm 2021, sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi của Công ty TNHH Thảo Ngọc Việt (thị xã Nghi Sơn) được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Đây là chủ thể duy nhất trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại có sản phẩm OCOP được nâng hạng sao. Giám đốc Công ty CP Thảo Ngọc Việt Trịnh Đức Trọng cho biết: "Năm 2020, sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi của công ty được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao. Không bằng lòng với những gì đã đạt được, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nuôi cấy, thu hoạch, bảo quản và đầu tư máy móc, chuyển đổi công nghệ... để cho sản phẩm tốt nhất. Đến đầu năm 2021 nhận thấy quy trình, chất lượng và khả năng mở rộng thị trường của sản phẩm tương đối tốt, đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định để nâng hạng sao, nên công ty đã trình hồ sơ lên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh “nâng” chất lượng sản phẩm lên 4 sao".
Được biết, sau khi nâng hạng sao cho sản phẩm, đông trùng hạ thảo tươi Thảo Ngọc Việt được tiêu thụ rộng rãi, trở thành một “thương hiệu mạnh” trên thị trường. Doanh thu của sản phẩm sau khi được nâng lên 4 sao cũng tăng khoảng 30%.
Ưu việt của việc nâng sao cho sản phẩm đã được minh chứng trong thực tế. Tuy nhiên, đã gần 4 năm trôi qua kể từ khi nâng sao cho sản phẩm đầu tiên, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có thêm bất cứ sản phẩm nào được nâng hạng sao. Lý giải nguyên nhân của việc số lượng sản phẩm nâng hạng còn quá ít, Tổ trưởng Tổ quản lý OCOP thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Phan Xuân Hùng, cho biết: "Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP rất khắt khe. Trong đó, để nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như xúc tiến thương mại gắn với chỉ dẫn địa lý; liên kết chuỗi, khả năng tiếp cận thị trường, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm... Những yêu cầu này không dễ thực hiện với các chủ thể, bởi phần lớn các sản phẩm OCOP của tỉnh có nét tương đồng, sản xuất theo quy mô nhỏ, chủ yếu là tiêu thụ tự do trên thị trường... Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn hơn, sản phẩm ngoài các tiêu chuẩn của 4 sao, còn phải có thị trường xuất khẩu thường xuyên"...
Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long (Nông Cống) Trương Hữu Hoa cho biết: "Sau 3 năm được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm miến gạo đã có sự phát triển vượt trội về quy mô sản xuất, thương hiệu và giá trị kinh tế. Nhận thấy, việc nâng hạng sao cho sản phẩm là điều cần thiết để nâng sức cạnh tranh, giá trị của sản phẩm trên thị trường, nên HTX đã đầu tư đồng bộ quy trình sản xuất, bổ sung các tiêu chí còn thiếu so với tiêu chuẩn 4 sao và hoàn thành hồ sơ đăng ký nâng sao cho sản phẩm Miến gạo Thăng Long từ 3 sao lên 4 sao. Hiện đề xuất nâng sao của HTX đang đợi hội đồng cấp tỉnh xét, thẩm định".
Sản phẩm 4 sao Đông trùng hạ thảo tươi của Công ty CP Thảo Ngọc Việt được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Tìm hiểu tại các chủ thể sản xuất cho thấy, ngoài khắt khe trong tiêu chí đánh giá, còn khó khăn từ nội tại các chủ thể, như: Hầu hết chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đều ở quy mô nhỏ nên việc đầu tư, nâng cấp dây chuyền, máy móc mở rộng sản xuất theo chuẩn hàng hóa cần nguồn kinh phí tương đối lớn. Ngoài ra, Điều 78 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài Chính về Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 quy định: Mức chi thưởng cho các sản phẩm OCOP 5 sao, 4 sao, 3 sao lần lượt là 15 triệu đồng, 10 triệu đồng và 8 triệu đồng; Mỗi sản phẩm OCOP chỉ được nhận thưởng 1 lần ở cùng mức độ sao công nhận. Trường hợp nâng sao chỉ được hưởng thêm mức chênh lệch giữa 2 mức độ sao. Tức là nếu nâng từ 3 sao lên 4 sao, sản phẩm được hưởng mức chênh là 2 triệu đồng, từ 4 sao lên 5 sao được hưởng 5 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định mới, thủ tục, hồ sơ đăng ký nâng sao cho sản phẩm khá phức tạp không khác sản phẩm đăng ký xây dựng mới... Dù hiểu được lợi ích từ nâng sao OCOP, nhưng nhiều chủ thể chưa đủ điều kiện để đầu tư, trở nên “hờ hững” với việc nâng sao cho sản phẩm OCOP.
Nhận diện rõ những khó khăn trong nâng sao cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp và các ngành liên quan, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tiếp cận những thị trường mới thông qua nền tảng số và tham gia nhiều hội chợ, triển lãm... Cùng với đó, tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025. Trong đó, hỗ trợ một lần với mức 75 triệu đồng/sản phẩm OCOP để hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền; thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thêm cơ chế, chính sách nào hỗ trợ các chủ thể nâng sao cho sản phẩm OCOP.
Do đó, muốn gia tăng số lượng sản phẩm OCOP đăng ký nâng hạng sao, bên cạnh sự chủ động, linh hoạt, mạnh dạn đầu tư, đổi mới quy trình sản xuất của các chủ thể, cần sự vào cuộc của Nhà nước trong việc ban hành thêm cơ chế, chính sách để trợ lực, đồng hành góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-12-15 16:15:00
Hoằng Phượng đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
-
2024-12-15 13:23:00
Quả ngọt trên cát bỏng
-
2024-03-29 11:31:00
Kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước
Bản tin tài chính 29/3/2024: Giá vàng tăng điên cuồng lập kỷ lục mới
Hà Trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông
Thọ Xuân phát triển doanh nghiệp tạo nhiều việc làm cho người lao động
Như Xuân quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Thanh Hóa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024
Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động xây dựng
Triển khai thực hiện hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định
Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh
Lọc hóa dầu Nghi Sơn vượt mốc 15 triệu giờ công an toàn