(Baothanhhoa.vn) - Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2021) và các văn bản pháp lý có liên quan, trong quá trình sử dụng lao động nữ, người sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với lao động nữ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc thực thi pháp luật về sử dụng lao động nữ vẫn chưa thật sự đảm bảo.

Nhiều khó khăn khi thực hiện một số quy định của Bộ luật Lao động đối với lao động nữ

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2021) và các văn bản pháp lý có liên quan, trong quá trình sử dụng lao động nữ, người sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với lao động nữ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc thực thi pháp luật về sử dụng lao động nữ vẫn chưa thật sự đảm bảo.

Nhiều khó khăn khi thực hiện một số quy định của Bộ luật Lao động đối với lao động nữLao động nữ làm việc tại Công ty TNHH 888, xã Quảng Hợp (Quảng Xương).

Thực hiện một số quy định riêng của Bộ luật Lao động đối với lao động nữ, huyện Thọ Xuân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo bình đẳng giới và các chính sách đối với lao động nữ. Cụ thể, Hội LHPN huyện đã phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo dạy nghề cho lao động nữ, quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thành lập mô hình hỗ trợ công nhân nữ trong các đơn vị, doanh nghiệp. Từ năm 2021 đến hết quý I/2024, cơ quan BHXH huyện đã chi trả chế độ cho 13.657 lượt lao động nữ với số tiền hơn 71 tỷ đồng. Việc tạo điều kiện cho lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ, chế độ thai sản, điều kiện vệ sinh, chế độ ăn ca tại các doanh nghiệp được đảm bảo. Các đơn vị liên quan cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa cho lao động nữ dưới nhiều hình thức, chế độ chăm sóc lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 37.000 tổ chức công đoàn cơ sở với khoảng 330.000 đoàn viên, trong đó nữ chiếm trên 74%. Một số ngành nghề, lao động nữ chiếm tỷ lệ cao như giáo dục, y tế, ngân hàng, bưu điện và một số doanh nghiệp may mặc, giày da. Nhằm bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp tại địa phương luôn đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các chính sách về lao động nữ với nhiều hoạt động truyền thông linh hoạt, đa dạng và phù hợp. Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người lao động nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến lao động nữ. Một số địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lao động nữ theo quy định pháp luật như chế độ nghỉ ngơi, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, xây dựng các trường mầm non cho công nhân lao động, hỗ trợ kinh phí gửi trẻ...; góp phần tạo điều kiện cho lao động nữ yên tâm công tác, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện một số quy định riêng đối với lao động nữ của Bộ luật Lao động tại một số xã, phường, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh chưa thực hiện đúng quy định đối với các chính sách dành riêng cho lao động nữ, như: chưa khám chuyên khoa phụ sản khi khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ; chưa thực hiện theo đúng quy định “lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi”... Công ty TNHH giầy Adiana Việt Nam - Chi nhánh Thọ Xuân xây dựng phòng vắt, trữ sữa xa nơi sản xuất, gây bất tiện cho người lao động. Đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo vì thiếu quỹ đất, không có kinh phí thực hiện... Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vi phạm quy định BHXH như: đến thời điểm người lao động mang thai mới đóng BHXH cho người lao động; chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ảnh hưởng tới quyền lợi và thời gian thanh toán các chế độ BHXH của lao động nữ.

Ngoài những khó khăn nêu trên, tại một số doanh nghiệp, điều kiện làm việc của lao động nữ còn khó khăn như: phân xưởng làm việc nóng, ồn, hầu hết lao động nữ phải đứng suốt thời gian làm việc do phải làm việc theo dây chuyền; lao động nữ sau khi sinh con ngoài chế độ quy định của Nhà nước, hầu như không có chế độ bồi dưỡng thêm. Một bộ phận các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp dân doanh chưa quan tâm chú trọng đến việc thực hiện các chính sách đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng... Việc kiểm tra, giám sát đôn đốc triển khai thực hiện Bộ luật Lao động còn hạn chế, nhất là cấp cơ sở. Chưa có nội dung kiểm tra, giám sát riêng về việc thực hiện các nội dung quy định lao động đối với lao động nữ.

Nhiều khó khăn khi thực hiện một số quy định của Bộ luật Lao động đối với lao động nữLao động nữ làm việc tại Công ty TNHH JaSan Việt Nam, xã Định Liên (Yên Định).

Theo bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Hiện trên địa bàn toàn tỉnh, một số cấp ủy, chính quyền vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Bộ luật Lao động; chưa có chế tài xử phạt vi phạm đối với các doanh nghiệp trong việc nợ, chậm, đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH cho người lao động dẫn đến các chế độ cho người lao động không được giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ không thực hiện các thủ tục để hưởng chính sách giảm thuế vì thủ tục phức tạp, trong khi mức giảm thuế không nhiều. Số doanh nghiệp được kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp trong việc thực hiện pháp luật lao động chưa nhiều so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Để thực hiện hiệu quả một số quy định riêng đối với lao động nữ của Bộ luật Lao động, thời gian tới các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người lao động. Chú trọng công tác tuyên truyền, triển khai các chế độ chính sách và đặc quyền đối với lao động nữ; thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ “Nữ công nhân khu dân cư”, “Nữ lãnh đạo quản lý” thực hiện hiệu quả quy định riêng đối với lao động nữ của Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ chính sách, quy hoạch, kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với người dân, lực lượng lao động nữ trong diện thu hồi đất, học sinh, sinh viên tốt nghiệp có nhu cầu trở về địa phương làm việc; vấn đề việc làm của lao động nữ sau tuổi 35. Đặc biệt, quy hoạch 20% quỹ đất tại các địa phương để xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, nhà ở xã hội cho công nhân, công trình phúc lợi, an sinh khác (khu vui chơi, giải trí, thể dục - thể thao...) cho người lao động tại những nơi có nhiều doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp để người lao động yên tâm lao động sản xuất cũng như đảm bảo môi trường an toàn, phát triển toàn diện của trẻ - bà Hảo cho biết thêm.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]