Nhà máy gạch Long Thành (Bỉm Sơn) hoạt động trở lại sau 13 tháng bị “phong tỏa”
Từ ngày 24/11/2023, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, Công ty CP Sản xuất xây dựng và Thương mại Long Thành (tỉnh Hà Nam) đã tiến hành mở cửa, khôi phục hoạt động Nhà máy gạch Long Thành, đóng trên địa bàn xóm Trường Sơn, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn sau hơn 13 tháng bị “tê liệt”.
Xe tải vào Nhà máy gạch Long Thành vận chuyển hàng hoá ngày 25/11.
Trước đó, Báo Thanh Hóa liên tục nhận được đơn cầu cứu của tập thể người lao động Nhà máy gạch Long Thành về việc nhà máy nhiều lần bị đóng cửa làm cho hàng trăm người lao động không có việc làm. Nguyên nhân của sự việc là do mâu thuẫn, tranh chấp cổ phần, quyền lợi kinh tế, quyền điều hành nhà máy giữa 2 cổ đông công ty là Lã Văn Duyến và Đặng Thị Hồng Lý.
Trong thời gian chờ các cơ quan chức năng thụ lý hồ sơ, điều tra để xem xét, xử lý, cổ đông Đặng Thị Hồng Lý đã nhiều lần đưa người lạ mặt tới Nhà máy gạch Long Thành ngăn chặn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, liên tục từ ngày 10/10/2022 đến 23/11/2023, cổ đông Đặng Thị Hồng Lý thuê lực lượng vệ sĩ chắn cổng nhà máy, ngăn cản toàn bộ hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hoá khiến nhà máy buộc phải ngừng hoạt động.
Công an thị xã Bỉm Sơn và Công an phường Đông Sơn giải toả tụ tập đông người tại khu vực cổng nhà máy (Ảnh cắt từ video ngày 17/11).
Trước tình hình phức tạp về an ninh trật tự tại khu vực nhà máy và để giải quyết dứt điểm nội dung tranh cấp, khiếu nại; đồng thời, để ổn định hoạt động sản xuất tại Nhà máy gạch Long Thành, UBND thị xã Bỉm Sơn đã hướng dẫn các bên liên quan gửi đơn đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.
Sau quá trình xác minh, điều tra, ngày 30/10/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã ban hành văn bản số 1185/CSKT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam “về việc yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” đã cấp lần thứ 4, lần thứ 5 cho Công ty CP Sản xuất xây dựng và Thương mại Long Thành.
Theo văn bản này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam nêu rõ: “Căn cứ các chứng cứ, tài liệu đã thu thập; văn bản hướng dẫn số 2295/CV-CSKT-P10 ngày 7/7/2023 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; văn bản hướng dẫn số 730/C01-P3 ngày 18/9/2023 của Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an; kết quả họp liên ngành tư pháp ngày 20/10/2023 giữa Cơ quan CSĐT, Viện kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân tỉnh Hà Nam xác định: Đặng Thị Hồng Lý đã có hành vi gian dối trong việc làm thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần thứ 4 vì tại thời điểm này ông Lã Văn Duyến vẫn còn sở hữu 60% cổ phần. Đặng Thị Hồng Lý đã lập biên bản Đại hội đồng cổ đông ngày 23/4/2022 trong đó xác định Lã Văn Duyến không còn là cổ đông, đồng thời đưa ông Lê Thanh Hương chưa là cổ đông của công ty vào danh sách cổ đông để làm thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 4, lần thứ 5". (Trong các Giấy chứng nhận này, bà Đặng Thị Hồng Lý trở thành người đại diện theo pháp luật thứ 2 của công ty với tư cách Chủ tịch HĐQT).
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng xác định hợp đồng chuyển nhượng ngày 10/11/2018 với giá trị 30% cổ phần từ ông Lã Văn Duyến cho bà Đặng Thị Hồng Lý còn bị thay trang.
Trên cơ sở đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam, Viện kiểm sát Nhân dân và Toà án Nhân dân tỉnh Hà Nam yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 4, lần thứ 5 của Công ty CP Sản xuất xây dựng và Thương mại Long Thành.
Ngay sau đó, ngày 3/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam đã ban hành văn bản số 70/SKH-ĐKKD. Trong văn bản này, trên cơ sở căn cứ và yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam thông báo về việc 2 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (cấp thay đổi lần thứ 4, lần thứ 5) được chấp thuận trên cơ sở hồ sơ đăng ký doanh nghiệp ngày 10/6/2022 và 7/10/2022 tại Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam là không có hiệu lực.
Tiếp theo đó, ngày 8/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 6 cho Công ty CP Sản xuất Xây dựng và Thương mại Long Thành do ông Lã Văn Duyến là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty.
Trên cơ sở đó, ngày 9/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh cho công ty này với thông tin người đứng đầu là ông Lã Văn Duyến.
Tuy nhiên, từ ngày 9/11 đến 23/11, mặc dù đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý chứng minh ông Lã Văn Duyến là Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc công ty và người đứng đầu chi nhánh Thanh Hóa, có nhiệm vụ đứng ra điều hành và khôi phục lại hoạt động của nhà máy nhưng cổ đông Đặng Thị Hồng Lý vẫn tiếp tục đưa lực lượng vệ sĩ trực 24/24h tại cổng nhà máy, ngăn cản không cho cán bộ, công nhân của nhà máy ra vào làm việc tại công ty.
Lực lượng vệ sĩ dựng lán trực 24/24h tại khu vực cổng nhà máy ngăn cản vận chuyển vật tư và người lao động ra vào nhà máy làm việc ngày 19/11.
Trước yêu cầu của UBND thị xã Bỉm Sơn về việc giải quyết tranh chấp, sớm đưa nhà máy hoạt động trở lại, ngày 20/11, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Long Thành đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bàn bạc, thống nhất kế hoạch khôi phục hoạt động. Cổ đông Đặng Thị Hồng Lý đã nhận giấy triệu tập nhưng vắng mặt không lý do; đồng thời tiếp tục thuê lực lượng vệ sĩ cản trở xe chở vật tư và người lao động ra vào nhà máy.
Trước đơn đề nghị về việc hỗ trợ nhà máy hoạt động trở lại của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Long Thành; đồng thời ổn định an ninh trật tự và bảo đảm việc làm cho người lao động tại Nhà máy gạch Long Thành, UBND thị xã Bỉm Sơn đã chỉ đạo Công an thị xã Bỉm Sơn, Công an phường Đông Sơn tăng cường nắm bắt tình hình, xử lý các tình huống phát sinh về an ninh trật tự tại khu vực cổng và đường vào nhà máy.
Lực lượng chức năng giải toả phương tiện chắn cổng nhà máy.
Đến ngày 24/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, Công an phường Đông Sơn đã giải tỏa phương tiện chắn cổng và lực lượng vệ sĩ cản trở hoạt động ra vào tại nhà máy gạch Long Thành. Từ sáng ngày 25/11, Nhà máy gạch Long Thành đã bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhà máy gạch Long Thành tiến hành tiêu thụ hàng tồn kho.
Ông Trịnh Tuấn Thành, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn cho biết: “Trong quá trình xử lý sự việc, UBND thị xã đã đề nghị cổ đông công ty nếu có tranh chấp tài sản thì thực hiện khởi kiện tại toà án để được giải quyết, không được tổ chức các hoạt động gây mất an ninh trật tự tại khu vực nhà máy. UBND thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an thị xã Bỉm Sơn, Công an phường Đông Sơn thường xuyên nắm bắt tình hình, kiên quyết xử lý các hành vi gây rối, cản trở hoạt động sản xuất tại Nhà máy gạch Long Thành”.
Một số hạng mục hư hỏng sẽ được công ty lên kế hoạch sửa chữa để khôi phục sản xuất.
Theo ông Lã Văn Duyến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất xây dựng và Thương mại Long Thành, từ ngày 25/11, có hơn 30 lao động đã quay trở lại làm việc. Công ty đang tiếp tục thông tin, động viên để người lao động yên tâm trở lại làm việc tại nhà máy. “Hiện nhà máy còn tồn kho khoảng 2 triệu viên gạch; nhiều hạng mục như mái nhà, lò nung, rô-bốt, xe goòng... bị hư hỏng sau hơn 1 năm không hoạt động và bảo dưỡng. Công ty sẽ tiến hành thuê đơn vị lập dự toán sửa chữa để sớm khôi phục các dây chuyền sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động; đồng thời sớm thực hiện việc thanh toán công nợ với khách hàng, nợ lương người lao động cũng như các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, ông Lã Văn Duyến cho biết thêm.
PV
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 14:38:00
Sát hạch kỹ năng vận hành tại Nhà máy thủy điện Trung Sơn
-
2023-11-24 14:18:00
Từ khởi nghiệp đến nâng tầm sản vật địa phương
Như Thanh thu hút doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm
Giải pháp giám sát an ninh mạng 24/7 của Việt Nam cho doanh nghiệp
Nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu thầu
Những quyền lợi mà khách hàng nhận được khi mua sắm tại Skycomputer
BIDV - Chi nhánh Bỉm Sơn đẩy nhanh chuyển đổi số, lấy khách hàng là trung tâm
Nỗ lực vì trách nhiệm với cộng đồng
Khẳng định vai trò của HTX trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
Vượt khó để duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định
Nhiều thách thức khi dịch chuyển phương thức sản xuất FOB trong ngành dệt may, giày da