(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, xã Nguyệt Ấn luôn quan tâm đến công tác gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng.

Nguyệt Ấn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Thời gian qua, xã Nguyệt Ấn luôn quan tâm đến công tác gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng.

Nguyệt Ấn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Di tích lịch sử đền thờ Lê Lâm được Nhân dân gìn giữ.

Thôn Phùng Sơn có 85 hộ, với 413 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc người Dao. Theo các cụ cao niên trong thôn kể lại, nghề thêu gắn liền với đời sống của người dân tộc Dao. Phụ nữ dân tộc Dao trước đây hầu hết ai cũng biết thêu, từ 12 đến 16 tuổi các cô gái đã học thêu và đến tuổi đôi mươi đã thêu thành thạo. Những năm gần đây, do tác động của kinh tế thị trường, nghề thêu của đồng bào dân tộc Dao thôn Phùng Sơn đang dần bị lãng quên. Để bảo tồn và phát huy nghề thêu, những năm qua thôn đã tăng cường công tác vận động người dân gìn giữ và phát huy nghề thêu truyền thống. Đồng thời, khuyến khích các nghệ nhân tích cực truyền nghề cho thế hệ con cháu để tiếp tục lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Nhờ đó, nhiều phụ nữ trẻ tuổi trong thôn đã tích cực hơn trong việc học thêu trang phục truyền thống của dân tộc.

Bà Triệu Thị Hà là một trong số những người đam mê với nghề thêu truyền thống của dân tộc Dao, thôn Phùng Sơn, cho biết: “Từ nhỏ, tôi luôn được mẹ căn dặn là con gái Dao phải biết thêu. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực học nghề và 16 tuổi tôi đã tự tay thêu trang phục cho mình và các thành viên trong gia đình. Nhưng hiện nay một bộ phận giới trẻ trong thôn không mặn mà với nghề thêu truyền thống của dân tộc. Đây là điều khiến tôi lo lắng, trăn trở. Vì vậy, tôi luôn tích cực vận động những người trẻ tuổi tham gia học nghề thêu, vừa dạy nghề, vừa tuyên truyền cho họ hiểu giá trị nghề truyền thống của ông cha để lại. Hiện nay, nhiều chị em trong thôn đã biết thêu, đây là những người kế cận, gìn giữ nghề thêu của đồng bào dân tộc Dao”.

“Thời gian qua, thôn Phùng Sơn luôn động viên các nghệ nhân truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ trong thôn. Khuyến khích các hộ dân duy trì và phát huy 3 cái tết trong năm (gồm Tết thanh minh, rằm tháng bảy, Tết năm cùng) và mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết, ngày hội lớn của thôn, xã. Đồng thời, vận động người dân tham gia học chữ Nôm Dao để gìn giữ bản sắc văn hóa”, ông Triệu Văn Bích, trưởng thôn Phùng Sơn cho biết.

Để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hằng năm xã Nguyệt Ấn đã xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vận động Nhân dân, đặc biệt là những nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa. Tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, tạo động lực lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng sâu rộng trong các khu dân cư.

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các giá trị văn hóa truyền thống được Nhân dân trên địa bàn xã Nguyệt Ấn gìn giữ và phát huy. Tiếng Mường, tiếng Dao được dùng trong giao tiếp hằng ngày, trang phục của phụ nữ các dân tộc Mường, Dao được sử dụng thường xuyên vào các dịp lễ, tết, Nhân dân trên địa bàn xã luôn có ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, các giá trị của những di sản vật thể trên địa bàn xã được bảo tồn, phát huy. Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, gồm: Đền thờ bà chúa Chầm và Đền thờ Lê Lâm. Hằng năm, tại các di tích này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống của quê hương.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nguyệt Ấn, cho biết: Hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống được đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã gìn giữ, phát huy trong đời sống và được trao truyền cho các thế hệ mai sau. Phát huy những kết quả đạt được, xã Nguyệt Ấn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Chú trọng phát triển du lịch tâm linh bằng việc kết nối di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã, nhất là các địa danh lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV, như: Bãi tập của nghĩa quân Lam Sơn (xã Lam Sơn), hang Bàn Bù (xã Ngọc Lặc), núi Chí Linh (xã Linh Sơn)... để thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng kiến trúc và cầu phúc, cầu bình an. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tôn vinh, giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc Mường, để người dân biết và tự hào về bản sắc của dân tộc. Qua đó, có những hoạt động thiết thực gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Bài và ảnh: Hải Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]