(Baothanhhoa.vn) - Ngày 13/6, thí sinh tỉnh Thanh Hóa chính thức bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Trong lòng nhiều cha, mẹ nặng trĩu ưu tư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nếu lỡ mai con thi trượt

Ngày 13/6, thí sinh tỉnh Thanh Hóa chính thức bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Trong lòng nhiều cha, mẹ nặng trĩu ưu tư.

Nếu lỡ mai con thi trượt

Chuyện thi cử ngày càng trở nên nặng nề, nhất là ở đô thị, khi mà số dư hồ sơ đăng ký dự thi ngày càng lớn hơn chỉ tiêu được tuyển.

Mà không chỉ ở thành phố. Trên một fanpage cộng đồng ở huyện Nga Sơn cách đây vài hôm một tài khoản đăng status rằng: Nếu có lỡ hẹn với dòng Hưng Long thì xin các sĩ tử cũng đừng buồn. Bên bờ dòng Hưng Long có Trường THPT Ba Đình nổi tiếng. Người đăng status có sự lạc quan, nhưng bình luận bên dưới thì chất chứa nỗi lòng.

Cách đây hai tuần, sau khi con thi trượt Trường THPT chuyên Lam Sơn, một phụ huynh đã lên mạng xã hội viết những lời như là trời vừa sụp xuống. Sự kỳ vọng quá lớn vào con đã khiến người mẹ bị sốc tâm lý, mất kiểm soát tạm thời.

Một học sinh cũng thi trượt Trường THPT chuyên Lam Sơn đã nói rằng bây giờ chỉ còn một con đường là phải thành thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở ngôi trường mà mình đăng ký, may ra mới giúp cậu có thể trở lại trạng thái cân bằng.

Áp lực thi cử gắn với thành tích, lòng sĩ diện đang khiến cho kỳ thi vào 10 ngày càng trở nên nóng rực.

Trên nhiều diễn đàn phụ huynh, chỉ chuyện thi thôi mà các bố, mẹ tâm sự với nhau cả đêm. Cách đây 4 hôm, là ngày học sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng thi, các nhóm chat trở nên sục sôi, thông tin về số hồ sơ của các trường liên tục được cập nhật. Nhiều giáo viên xuất hiện chia lửa với phụ huynh. Phụ huynh mong con đậu, giáo viên cũng mong học sinh đậu. Mà còn phải đậu cao để thương hiệu của thầy, cô ngày càng được biết đến.

Người ta tìm đủ cách để có được một suất vào trường công, trường điểm, sau đó là lớp học ưng ý. Thậm chí nhiều gia đình đã phải cậy nhờ đến liệu pháp tâm linh.

Suốt một tháng qua, không chỉ ngày lễ, mà ngày thường ở nhiều chùa, phủ ở TP Thanh Hóa luôn có nhiều người đến xin chuyện đỗ đạt. Các lớp học thêm thì tăng ca mà vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh. Những đứa trẻ thật khổ sở, bị vắt kiệt sức, xoay tua trong quay cuồng chuyện học. Câu chuyện thi cử nóng lên cho thấy tinh thần hiếu học. Nhưng đằng sau đó cũng mang theo một ý chí có phần cực đoan. Hành trình của các em còn rất dài. Là 3 năm THPT và 4 đến 5 năm đại học. Vì sao cứ nhất thiết phải là trường chuyên, nhất thiết phải đậu cao, thậm chí phải là thủ khoa? Mục tiêu quá lớn sẽ là quả bom, nó sẽ nổ tung khi mục đích không đạt được.

Những con số khảo sát cho thấy, có hơn 60% sinh viên năm thứ nhất không hiểu mục đích của ngành mình theo học; 30% muốn thi lại. Thậm chí, 20% sinh viên sau khi ra trường cảm thấy mình đã chọn sai nghề... So với những vấn đề lớn hơn ở những bậc học cao hơn, thì việc học sinh đậu nguyện vọng 1 trong kỳ thi vào THPT chẳng nghĩa lý gì. Đâu cứ phải học sinh trường chuyên hay đầu vào THPT tốt mới có đầu ra như ý. Mà thật ra cũng đâu chỉ trường công mới trang bị kiến thức để các em vào đại học? Vậy nên ngày mai nếu có thi trượt trường công lập, thì cũng không có vấn đề gì quá lớn cả. Xin cha mẹ đừng dằn vặt con. Không vào trường công thì vào trường tư. Mà không vào trường tư thì cũng có rất nhiều nơi để đón các em. Sẽ chẳng có đứa trẻ nào không được học cả, quan trọng là có xác định tâm thế để học hay không. Người lớn hãy bao dung, đừng lấy kết quả của chúng để phục vụ sự sĩ diện của mình. Cả học sinh và phụ huynh phải chuẩn bị mọi tình huống để bước vào tương lai bằng một hành trình dài, khắc nghiệt mới là điều quan trọng hơn cả trong lúc này.

Thái Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]