Nâng cao trình độ của người dân ở các vùng sản xuất VietGAP
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về thực phẩm an toàn, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã không ngừng mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, chú trọng công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đồng hành, hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người dân.
Diện tích sản xuất dưa chuột baby tại thị trấn Yên Cát (Như Xuân).
Tại cánh đồng sản xuất lúa xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa), HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phúc đã trồng khảo nghiệm thành công lúa giống chất lượng cao Q5 và đưa vào sản xuất diện rộng. Để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân, trước mỗi vụ, HTX thường tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với các nội dung như cách phòng trừ sâu bệnh gây hại, cách quản lý đồng ruộng, ghi chép nhật ký để theo dõi nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, thời gian sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Đồng thời, giải đáp thắc mắc, các khó khăn thường gặp trong quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của người dân.
Ông Hoàng Xuân Thế, thôn Vỹ Thôn, cho biết: “Ban đầu, khi mới tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP chúng tôi gặp nhiều khó khăn do đã quen với tư duy sản xuất truyền thống, chưa quen với việc áp dụng quy trình nghiêm ngặt về kỹ thuật, thời gian... Tuy nhiên, nhờ có sự đồng hành của cán bộ nông nghiệp xã, HTX nên hiện nay chúng tôi đã được trang bị những kiến thức cơ bản về yêu cầu khắt khe trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hình thành thói quen ghi chép sổ nhật ký, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và đạt hiệu quả, cách phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại, kỹ thuật bón phân theo chu kỳ sinh trưởng phát triển cây lúa...”.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phúc, cho biết: "Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất giảm từ 25 - 30%; năng suất tăng từ 10 đến 15% so với sản xuất theo hướng truyền thống. Bên cạnh đó, tham gia liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân đã có ý thức hơn trong việc thu gom bao, bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường".
Được xem là cây trồng chủ lực, những năm qua, huyện Như Xuân không ngừng được mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả. Bên cạnh đó, huyện luôn chú trọng phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây ăn quả, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân: "Trong quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chọn đất trồng không tồn dư hóa chất, giống cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mang lại năng suất, chất lượng cao; sử dụng bột đậu tương, nước thải của cá và phân bón hữu cơ để thay thế phân bón vô cơ, dùng bẫy thủ công và các loại dược liệu để phòng trừ sâu bệnh cho cây thay thế thuốc trừ sâu hóa học... Năm 2017, từ 70ha diện tích tập trung ban đầu được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay đã nhân rộng lên hơn 400ha, chủ yếu là các loại cây như cam Đường Canh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn... Bên cạnh cây ăn quả, huyện còn chú trọng hướng dẫn người dân mở rộng diện tích sản xuất rau, quả an toàn trong nhà màng, nhà lưới với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa Kim Hoàng Hậu, bắp cải, dưa chuột baby...".
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4.500ha rau màu được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, 481ha cây ăn quả đã được chứng nhận VietGAP, hàng trăm mô hình nuôi trồng thủy sản, 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ, khoảng 60% các hộ chăn nuôi đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà thả vườn, con nuôi đặc sản... theo hướng an toàn sinh học và hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn... Thực tế đó đã chứng minh, người dân tại các địa phương đã dần thay đổi tư duy sản xuất, không ngừng nâng cao năng lực, có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch sản xuất và đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi được hướng dẫn; xem đó là hướng đi tất yếu, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và cả người tiêu dùng; bảo vệ môi trường, tăng sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các đơn vị, địa phương phải trở thành người bạn tin cậy, đồng hành của người dân trong sản xuất; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người dân. Đồng thời, tăng cường đào tạo tập huấn kiến thức, quy trình kỹ thuật cho cán bộ địa phương để tư vấn, hướng dẫn người dân sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, từng bước mở rộng diện tích sản xuất được chứng nhận VietGAP, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-06-29 14:54:00
Số hóa hoạt động quản lý và khai thác hải sản
Thọ Xuân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả sản xuất
Vực dậy sau lũ!
Công ty Điện lực Thanh Hóa đảm bảo cung ứng điện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Bản tin Tài chính ngày 29/6: Giá vàng nhẫn tăng nhẹ, USD hạ nhiệt
Phó Thủ tướng: Xử lý trường hợp cố tình đưa hồ sơ mời thầu để hạn chế nhà thầu
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng hợp vốn lên đến 80 triệu USD giữa Sao Mai Group và Ngân hàng First Commercial Bank
Trạm Kiểm lâm Pá Quăn thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng
Thu ngân sách Thanh Hóa đạt mốc lịch sử
Cẩm Thủy tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng