(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, cố gắng, những kết quả đạt được trong phát triển cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vẫn còn những “rào cản” cần được tháo gỡ...

Mở ra “không gian” phát triển dược liệu dưới tán rừng

Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, cố gắng, những kết quả đạt được trong phát triển cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vẫn còn những “rào cản” cần được tháo gỡ...

Mở ra “không gian” phát triển dược liệu dưới tán rừng

Vườn lưu giống cây dược liệu ngải đen tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Những kết quả bước đầu

Trên địa bàn toàn tỉnh có gần 1 nghìn loài cây dược liệu, trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như: sa nhân tím, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, ngải đen, giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, huyền sâm, xuyên tâm liên,... Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loài cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông ghi nhận được 590 loài cây dược liệu tự nhiên; trong đó có khoảng 33 loài cây thuốc quý hiếm, nguy cấp có tên trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm; sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam năm 2007 như: bảy lá một hoa, lan kim tuyến đá vôi, lá khôi...

Nhằm bảo tồn các loài cây dược liệu, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông đã triển khai một số dự án, đề tài khoa học, như: Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài cây thuốc quý hiếm bảy lá một hoa”; Dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ các loài dược liệu giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm Việt Nam tại 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa (cũ), tỉnh Thanh Hóa (2016-2020)”; Đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thử nghiệm loài dược liệu la hán quả (Siraitia siamensis) tại Khu BTTN Pù Luông”...

Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông, cho biết: “Việc phát triển dược liệu dưới tán rừng tại Pù Luông bước đầu đã ghi nhận một số kết quả, góp phần quan trọng duy trì hệ sinh thái tự nhiên, tạo sinh kế bền vững, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập từ việc trồng và khai thác dược liệu, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng từ đó giảm áp lực vào rừng, giảm thiểu tình trạng phá rừng để lấy đất canh tác, ngăn chặn xói mòn đất, bảo vệ nguồn nước, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, một trong những hướng đi mới gắn với lợi thế của địa phương là hình thành dịch vụ du lịch gắn với các hoạt động chăm sóc sức khỏe ở Pù Luông được phát triển dựa trên các sản phẩm từ cây thuốc, đáp ứng nhu cầu của du khách muốn tìm kiếm sự cân bằng và phục hồi sức khỏe”.

Trước đây, diện tích cây dược liệu tỉnh Thanh Hóa phân bố tập trung chủ yếu ở các xã miền núi cao. Thời gian qua, nhận thấy hiệu quả kinh tế cây dược liệu mang lại, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng phát triển diện tích tại các xã trung du và đồng bằng có đất bãi, đất đồi núi thấp. Nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai các dự án, giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững các loài cây dược liệu, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Thanh Hóa hiện có khoảng 2.000ha dược liệu đang được gây trồng trên đất nông nghiệp và khoảng 94.550ha dược liệu dưới tán rừng được khai thác bền vững và phân bố chủ yếu tại các xã miền núi (sản lượng khai thác 550 tấn/năm).

Biến tiềm năng, thế mạnh thành lợi thế, động lực phát triển

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung, việc phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn ở mức quy mô nhỏ, mang tính chất manh mún, thiếu sự đầu tư thâm canh.

Một trong những nguyên nhân đầu tiên được đưa ra là do những rào cản về cơ chế, chính sách. Các quy định pháp luật hiện nay chưa đa dạng hóa các hình thức sử dụng rừng khác để thu hút, khuyến khích được nhiều nhà đầu tư gây trồng và phát triển cây dược liệu, đặc biệt gây trồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Việc tích tụ đất đai để tạo diện tích lớn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và các cơ chế, chính sách liên quan đến thuê môi trường rừng, liên doanh, liên kết,... cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Phần lớn khu vực có tiềm năng phát triển nuôi trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng chủ yếu là rừng đặc dụng, phòng hộ do các tổ chức quản lý rừng của Nhà nước quản lý (ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng). Tuy nhiên, các tổ chức này không có tiềm lực về tài chính để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như cơ chế, chính sách thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm quản lý đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

Kết cấu hạ tầng giao thông tại vùng trồng cây dược liệu ở vùng sâu, vùng xa chưa hoàn thiện; cơ sở vật chất, hạ tầng của các địa phương chưa phát triển, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận, triển khai đầu tư các dự án nuôi trồng, phát triển cây dược liệu.

Kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực dược liệu vẫn còn hạn chế dẫn đến năng suất, chất lượng dược liệu chưa cao.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, ngày 1/7/2025, Chính phủ đã ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Theo đó, nghị định đã bổ sung các thuật ngữ chuyên ngành như “cây dược liệu”, “thu hoạch cây dược liệu”; bổ sung mục 4a sau mục 4 chương II quy định chi tiết về việc nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, nguyên tắc, hình thức, phương thức, nội dung phương án, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án nuôi trồng, thu hoạch dược liệu trong rừng.

Các nội dung của nghị định đảm bảo tính cụ thể, chặt chẽ, khoa học, luật hóa các hoạt động nuôi, trồng, thu hoạch dược liệu trong rừng, tránh tình trạng “nhập nhằng”, đánh tráo khái niệm, lợi dụng hoạt động nuôi, trồng phát triển cây dược liệu để thu hoạch cây dược liệu tự nhiên trong rừng.

Với nghị định, các chủ rừng được trao quyền tự chủ nhiều hơn, từ đó tạo động lực, cơ hội phát triển. Vấn đề cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đối với chủ rừng là tổ chức được quy định rõ ràng. Cụ thể như: Giá cho thuê môi trường rừng trong hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh thu và phải quy ra giá trị tuyệt đối để chủ rừng đánh giá, được ghi rõ trong hợp đồng cho thuê môi trường rừng.

Trường hợp chỉ có một tổ chức, cá nhân đủ điều kiện, chủ rừng tiến hành đàm phán, ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng, bảo đảm giá cho thuê môi trường rừng không thấp hơn 5% tổng doanh thu thực hiện trong năm thuộc phạm vi diện tích cho thuê môi trường rừng.

Nếu hai tổ chức, cá nhân trở lên đủ điều kiện thì chủ rừng lựa chọn tổ chức, cá nhân có số điểm đánh giá hồ sơ cao nhất; trong đó, yếu tố giá là một tiêu chí trong hồ sơ kỹ thuật, bảo đảm không thấp hơn 5% tổng doanh thu thực hiện trong năm, thuộc phạm vi diện tích cho thuê môi trường rừng.

Tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng thì không phải thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích thuê môi trường rừng theo quy định tại nghị định này. Tiền thuê môi trường rừng là nguồn thu của chủ rừng được sử dụng phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống cho chủ rừng.

Nghị định cũng quy định thời gian thuê môi trường rừng tối đa là 10 năm theo chu kỳ cây trồng. Nếu bên thuê thực hiện tốt và có nhu cầu gia hạn, chủ rừng có thể xem xét kéo dài không quá 2/3 thời gian ban đầu. Tiền thuê môi trường rừng là nguồn thu hợp pháp của chủ rừng, được sử dụng cho hoạt động quản lý, bảo vệ và nâng cao đời sống người dân.

Những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý, cùng với sự chủ động, sáng tạo, tâm thế “nhập cuộc” hăng hái, tích cực của chính quyền địa phương, chủ rừng và cộng đồng sống gần rừng hứa hẹn sẽ mở ra không gian, bước tiến mới cho hoạt động khai thác tiềm năng phát triển dược liệu dưới tán rừng, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Bài và ảnh: Ánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]