Lời giải nào cho hiện tượng cá sông Mã chết hàng loạt? (Bài 3): Đi tìm lời giải
Một lần nữa các địa phương nơi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt cùng cơ quan chức năng không phát hiện được nguồn xả thải. Những kết luận có tính “chung chung” khiến người nuôi cá chưa hoàn toàn thuyết phục. Yêu cầu đặt ra là phải tìm được tận gốc nguyên nhân để ngăn chặn, tránh tình trạng nghi ngờ lẫn nhau, rồi cứ ít năm lại xuất hiện một đợt cá chết trên diện rộng...
Hệ thống xử lý nước thải của một nhà máy sản xuất giấy và vàng mã ở xã Thiết Kế (Bá Thước) có hệ thống bể chứa và đường ống nằm sát mép sông Mã.
Còn đó những mối nghi
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Bá Thước hiện có 4 nhà máy chế biến lâm sản quy mô khá lớn nằm sát sông Mã, trong đó 3 nhà máy ở xã Thiết Kế và 1 ở xã Lâm Xa. Tất cả đều nằm phía thượng nguồn nhưng rất gần các điểm có cá lồng chết vừa qua. 3 trong 4 công ty này từng bị xử phạt và đình chỉ hoạt động vào năm 2021 vì vi phạm các quy định bảo vệ môi trường, trong đó có cả hành vi lắp ống ngầm xả chất thải ra sông.
Dòng sông Mã qua các huyện miền núi xứ Thanh với vẻ thơ mộng nhưng luôn có nguy cơ bị xả thải gây ảnh hưởng môi trường sinh thái, nhất là hoạt động nuôi cá lồng.
Trên chiếc thuyền của ngư dân, phóng viên đi chuyển dọc sông nhưng không phát hiện hệ thống ống xả hay dấu hiệu của việc xả thải. Trực tiếp ghi nhận tại các công ty sản xuất giấy cuộn và đũa ăn này, hiện đều đã có hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn. Tại đây, những dòng nước màu nâu sánh có mùi hóa chất và xút để tẩy trắng luồng gỗ theo quy trình vẫn phun trào. Qua từng hệ thống bể lắng lọc và xử lý, nước trong dần và được tái sử dụng. Các cơ sở cũng xuất trình được các giấy phép liên quan đến bảo đảm an toàn cho môi trường và đều đã cam kết không xả ra môi trường. Các công ty này đều có hệ thống ống nhựa hoặc kim loại cỡ lớn cắm xuống nước sông, nhưng theo lý giải đây là những ống lấy nước cho sản xuất chứ không phải đường xả. Hệ thống xử lý và các bể chứa chất thải dạng lỏng của các công ty đều cách mép sông khoảng từ hàng chục đến hàng trăm mét, duy có Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành ở thôn Chảy Kế, xã Thiết Kế có hệ thống đường ống và bể xử lý nước thải nằm ngay sát mép sông.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bá Thước Tống Minh Hóa, khẳng định: “Cả 4 nhà máy giấy và chế biến lâm sản dọc sông Mã trên địa bàn đều đã hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn và cam kết không xả ra môi trường. Những cơ sở này còn được lắp camera theo dõi nên khá yên tâm”.
Nhiều cán bộ của các phòng ban huyện Bá Thước cũng nhận định rằng, nếu có xả thải, khả năng cao không phải từ Bá Thước mà từ phía trên thượng nguồn.
Tại huyện Quan Hóa, tính từ thị trấn Hồi Xuân đến giáp huyện Bá Thước, chỉ khoảng chục km nhưng có tới 9 nhà máy sản xuất vàng mã, giấy đế và các sản phẩm từ tre luồng phân bổ dọc bờ sông Mã. Trên thực tế, đa phần đều phải dùng hóa chất và xút tẩy trắng, xử lý làm mềm tre luồng trong các khâu sản xuất.
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Hóa Trịnh Tuấn Anh, thông tin: “Công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên, hiện các nhà máy đều đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải tuần hoàn, tái sử dụng nguồn nước và cam kết không xả ra môi trường”.
Qua thị sát dọc bờ sông và kiểm tra tại một số xưởng, phóng viên cũng ghi nhận các hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động.
Hệ thống xử lý nước thải của một nhà máy chế biến lâm sản sát sông Mã ở bản Chăm, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) mới hoạt động trở lại do năm 2021 bị đình chỉ vì vi phạm.
Có thể nhận thấy, nếu kiểm tra các giấy tờ theo quy định và các khâu xử lý nước thải, các nhà máy chế biến lâm sản lớn tại các huyện Bá Thước và Quan Hóa hiện đã đầy đủ. Trên thực tế, việc xử lý chất thải phải dùng các hóa chất khá tốn kém. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, liệu có tình trạng doanh nghiệp dựa vào những trận mưa hay thủy điện xả nước để lén lút xả thải trong đêm hay không? Điều này trên lý thuyết hoàn toàn có thể bởi chỉ cần những máy bơm cơ động, xong cũng hết luôn bằng chứng chứ không cần đường ống ngầm xả trộm như trước kia.
Một nghi vấn khác cũng có thể được đặt ra là có nhà máy thủy điện xả đáy không thông báo. Bởi trên thực tế, đáy các hồ tại vị trí sát đập ngăn có nhiều chất hữu cơ, rác rưởi lâu ngày phân hủy, đọng lại thành bùn và chất độc, nếu xả sẽ có màu đen và mùi hôi thối giống như người dân từng ghi nhận trong các đợt cá chết vừa qua.
Phát hiện nguồn thải nguy hiểm
Ngược sông Mã từ thị trấn Hồi Xuân hơn 20 km, chúng tôi phát hiện tại khu vực tỉnh Hòa Bình giáp ranh với Thanh Hóa có một nhà máy giấy thường xuyên xả ra sông. Đây chính là nơi dòng suối Xia nhập vào sông Mã đoạn giáp ranh với một bên là xã Vạn Mai, huyện Mai Châu (Hòa Bình) và một bên là xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).
Nhiều thời điểm, đứng trên cầu Co Lương, có thể quan sát dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc tuôn chảy. Trên mặt nước có nhiều bọt trắng như xà phòng, xộc mùi hóa chất. Từ điểm giao với sông Mã, lần theo dòng nước đen của suối Xia chừng hơn 1 km là Nhà máy sản xuất giấy cuộn của Công ty TNHH Hapaco Đông Bắc, đóng tại Km 18, Quốc lộ 15A, thuộc xóm Khán, xã Vạn Mai.
Đường ống xả dẫn ra suối Xia của Công ty TNHH Hapaco Đông Bắc.
Được người dân địa phương dẫn đường đi qua các rừng luồng, chúng tôi tiếp cận một đường ống nhựa dẻo loại đường kính phi 200 dẫn ra từ hệ thống chứa nước thải vẫn chảy thẳng ra suối Xia rồi ra sông Mã. Những hộ dân sống gần khu vực nhà máy đều bày tỏ nỗi bức xúc bởi tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây.
Anh Khà Văn Nội, người dân xóm Khán, xã Vạn Mai, bày tỏ: “Cả chục năm qua, cứ mỗi đợt mùa khô ít mưa là khu vực này thối không chịu nổi. Hệ thống nước thải của nhà máy còn có mùi nồng nặc hóa chất, hít vào đau xộc lên đỉnh đầu. Những gia đình xung quanh đây phải đóng cửa cả ngày, ngủ cũng phải đeo khẩu trang, thậm chí không ngủ nổi. Đợt gần đây nhất là cuối tháng 4, đầu tháng 5. Kèm với đó là hoạt động xả thải ra suối Xia, họ thường xả lúc 6-7 giờ tối, ban đêm hoặc gần trưa”.
Đứng từ triền sông Mã phía xã Phú Thanh (Quan Hóa) nhìn sang, nước suối nhập vào sông Mã với 2 màu khác nhau hoàn toàn, đoạn giao hòa có nhiều bọt trắng nổi lên. Ông Hà Văn Nghi, người dân bản Páng, xã Phú Thanh, cho biết: “Tôi làm nghề thả lưới đánh bắt cá trên sông Mã hơn chục năm qua, cứ ít ngày lại chứng kiến dòng nước đen kịt kèm mùi hóa chất và hôi thối chảy từ suối Xia vào sông Mã. Nhiều lần thủy sản tự nhiên chết trôi về phía hạ nguồn sau khi dòng nước bẩn hòa vào. Nước màu đen nâu, nổi lớp bọt trắng thành dòng, mang theo cả chất nhầy như dầu nhờn, bám cả vào lưới không rửa nổi”.
Ông Hà Văn Nghi, người dân bản Páng, xã Phú Thanh (Quan Hóa) khẳng định nhiều lần phát hiện dòng nước đen kịt, có mùi hôi thối chảy từ phía công ty giấy ở xã Vạn Mai xả ra sông Mã về phía xã Phú Thanh.
Nhiều người dân bản Páng cũng khẳng định, trước đây địa phương có nghề nuôi cá lồng với các con nuôi chủ lực là cá lăng, cá ké và cá trắm, nhưng gần chục năm trở lại đây, tất cả đã bỏ nghề bởi cá thường xuyên chết mỗi khi có dòng thải màu đen chảy ra từ suối Xia. Thời điểm có dòng nước đen thường là trong đợt mưa, nước suối chảy xiết.
Một sự trùng hợp là, khi phóng viên cùng người dân địa phương phối hợp quay được những clip về đợt xả thải chất bẩn màu nâu đen, thì những ngày sau, phía hạ nguồn cá lồng ở Bá Thước và Cẩm Thủy bị chết hàng loạt.
“Trước đây gia đình tôi và nhiều hộ dân bản Chă nuôi cá lồng để phát triển kinh tế, nhưng từ những năm 2019-2020 đến nay bỏ nghề vì thỉnh thoảng lại có đợt cá chết do ô nhiễm”. Ngân Văn Quân Người dân bản Chăm, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) |
Trong buổi làm việc với phóng viên, Giám đốc Công ty TNHH Hapaco Đông Bắc Đặng Văn Hậu khẳng định, bình thường việc xả thải của nhà máy vẫn diễn ra hằng ngày bởi đã được tỉnh Hòa Bình cấp phép, miễn là nước thải được xử lý, bảo đảm các chỉ tiêu theo quy định.
Tại khuôn viên nhà máy, chúng tôi ghi nhận hệ thống nước thải màu nâu đặc được bơm trung chuyển qua các bể xử lý. Tuy nhiên ở khâu cuối cùng, nước còn màu nâu nhạt khi xả ra môi trường, khác hoàn toàn với màu nước mà nhiều thời điểm được người dân quay các clip. Tại đây, còn có một đường ống cũ loại phi 40 dẫn ra phía bờ suối, nhưng không thấy đấu nối vào đâu...
Dòng nước thải đoạn suối Xia đổ vào sông Mã có màu đen kịt, bọt trắng và mùi hóa chất nồng nặc.
Chưa thể khẳng định việc xả thải của Công ty TNHH Hapaco Đông Bắc có liên quan đến các đợt cá chết trên sông Mã phía hạ nguồn thời gian qua hay không, bởi đây là thẩm quyền của các cơ quan chức năng của 2 tỉnh. Song việc nhiều năm, thỉnh thoảng vẫn có đợt xả chất thải màu đen, có mùi hôi thối ra sông làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái thì cần phải ngăn chặn.
Bài và ảnh: Nhóm PV
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-05-31 23:56:00
Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em
Đông Sơn ra quân chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2024
Lời giải nào cho hiện tượng cá sông Mã chết hàng loạt? (Bài 2): Hoài nghi và những kết luận chưa hoàn toàn thuyết phục
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp Quốc tế thiếu nhi
Hội thao công chức, viên chức, người lao động TP Sầm Sơn
“Nâng bước em tới trường” xuyên biên giới
Nhiều hoạt động hè bổ ích cho trẻ em
Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá
8 kỹ năng thoát hiểm cần biết khi xảy ra hỏa hoạn