Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái
Khi cây lúa bắt đầu ngả màu vàng là các gia đình trong bản của người Thái tính chuyện chọn ngày lành để tổ chức lễ mừng cơm mới. Mỗi người một việc, từng thành viên phân công nhau thực hiện những yêu cầu của bà máy, ông mo để có một mâm cỗ đủ đầy thờ cúng tổ tiên.
Đồng bào dân tộc Thái ở bản Páng, xã Phú Thanh làm bánh ú cho lễ mừng cơm mới.
Như thường lệ, cứ vào độ cuối tháng 5 và cuối tháng 10 âm lịch, sau khi đã thu hoạch xong mùa màng, đồng bào dân tộc Thái xứ Thanh lại hân hoan tổ chức Lễ mừng cơm mới. Chuyện xưa kể rằng, nhờ trời, nhờ đất ban tặng cho người Thái những ưu đãi về thiên nhiên, khí hậu, đất đai và lâm sản... cùng một cuộc sống ấm no, bản làng trù phú, những mùa màng bội thu. Vì thế, dù nghèo hay giàu, nhà nào cũng phải làm mâm cơm như một nghi lễ, một lời cảm tạ tổ tiên, thần linh ban phước lành.
Gần 5 giờ sáng, chị Hà Thị Ngơi, bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa), đã thức dậy, ra khoảnh ruộng gần nhà, chọn những bông lúa thật đẹp, hạt mẩy cắt một khoanh to để chuẩn bị cho ngày cúng cơm mới.
“Trước đó, để mâm cỗ đủ đầy thịt gà, thịt lợn, cá, cua suối, ốc dài, trứng và nấm (nấm theo lời mo là thể hiện sự vươn lên của lớp trẻ) gia đình mỗi người một việc. Năm nào rảnh rỗi thì gia đình chuẩn bị sớm, năm nay bận rộn hơn nên sát ngày cả nhà mới bàn tính việc cúng lễ, làm hai mâm cơm mời khách đến”, chị Ngơi nói.
Nhớ lại điều này, nhà nghiên cứu Hà Văn Thương, cho biết: “Trước đây, để cúng cơm mới, thành viên ở các bản vùng Nam Xuân, Nam Động..., nhà nhà đều ra sông Luồng từ sáng sớm, chị em phụ nữ xúc cá, xúc ốc; đàn ông đi đánh chài, thả lưới chỉ mong được con cá suối thật to, thật ngon. Cá sau khi rửa sạch thì cắt theo từng khúc, cho măng chua cùng các gia vị gói lại và đem đồ lên. Có thể nói, lễ mừng cơm mới của người Thái không phải là Tết, tuy nhiên, gia đình nào cũng vậy, đều chuẩn bị chu đáo, cầu kỳ".
Để nói về sự cẩn trọng trong việc thờ cúng, anh Lương Văn Lạc, Phó trưởng bản Páng, xã Phú Thanh (Quan Hóa), cho biết: “Ngoài việc chuẩn bị từ trước, thì đúng ngày tổ chức lễ mừng cơm mới, anh em trong nhà và bà con thân tín trong làng tập trung đông đủ để giúp gia chủ có một buổi lễ tươm tất nhất. Mỗi người một việc, đàn ông thì làm gà, làm cá; phụ nữ thì gói bánh, đồ xôi... Ai ai cũng hồ hởi, phấn khởi mừng cho gia chủ một năm mùa màng bội thu”.
Mỗi nơi một khác, riêng ở bản Páng, điều cấm kỵ trong lễ mừng cơm mới là tuyệt đối không cúng gà, cúng trâu mà chỉ có thể cúng cá, cúng lợn, cúng cơm. Bởi lẽ, theo quan niệm của người Thái: Từ thuở loài người và con vật đang còn hiểu tiếng nói của nhau. Tại gia đình đôi vợ chồng nghèo nọ có ông bố mới mất. Chủ nhà muốn làm lễ cơm mới để cúng bố nhưng trong nhà chẳng có thứ gì, chỉ có mỗi con gà mẹ đang nuôi một đàn con dưới gầm sàn. Đêm hôm ấy, người chồng bàn với vợ đành phải làm thịt gà mẹ để cúng bố. Nghe được lời bàn bạc của hai vợ chồng, gà mẹ ngậm ngùi nói với các con: “Ngày mai, chủ nhà sẽ làm thịt mẹ. Mẹ không còn sống để nuôi nấng, dạy bảo các con nữa. Mất mẹ, từ nay, anh em sẽ mồ côi nhưng càng phải yêu thương, đùm bọc nhau hơn nữa”. Vô tình, vợ chồng chủ nhà nghe được lời dặn dò của gà mẹ. Cảm động trước tình mẫu tử thiêng liêng, họ quyết định không giết thịt gà để cúng nữa.
Bên cạnh gà là con vật thân thiết, gà thích ăn thóc, thì con trâu cũng là con vật gần gũi với người nông dân, con trâu cày bừa góp phần làm ra hạt thóc, nếu cúng gà, cúng thịt trâu thì sẽ mất mùa, gia chủ không có lộc.
Đặc biệt nghi thức cúng lễ của người Thái ở Phú Thanh bao giờ cũng diễn ra vào buổi chiều tối. Theo lời của các vị cao niên cho biết: Đó là thời khắc mọi người đi nương, đi rẫy về đông đủ. Ngoài ra, từ đời ông cha chúng tôi đều quan niệm, trong không gian đêm tối, tính thiêng được thể hiện cao nhất. Thần linh và gia tiên dễ dàng nghe thấy những lời thầy mo truyền tải lòng thành và ý nguyện của gia chủ.
Trong khi đó, bà con người Thái ở bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) thì quan niệm: Cúng cái gì cũng được, vào thời khắc nào cũng được, miễn là có thành tâm với tổ tiên. Cũng vì quan niệm đó mà nhiều gia đình ở bản Bút không cần đến thầy mo. “Khi mâm cơm đã sẵn sàng, tôi nói mấy câu đại ý: Hôm nay ngày lành tháng tốt, gia đình con có cơm mới, có cá, có thịt mời tổ tiên về dùng”, chị Hà Thị Ngơi nói với chúng tôi.
Mâm lễ mừng cơm mới của gia đình chị Hà Thị Ngơi ở bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa).
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hà Văn Thương, nhà nghiên cứu văn hóa Thái, cho rằng: Trước đây, bất kể ngày lễ nào thì các gia đình cũng phải mời cho bằng được ông mo; nhà nào may mắn hơn mới mời được bà máy. Trong lịch sử của người Thái, bà máy chính là người cấp bằng cho thầy mo. Tuy nhiên, không chỉ là “giảm tải”, đơn giản hóa phần nào các thủ tục mà đã là thần linh thì ở đâu cũng nghe thấy lời cháu con. Vì thế, chúng tôi có thể làm lễ mừng cơm mới vào bất cứ thời khắc nào, và đồ lễ dùng để dâng cúng chủ yếu là sản vật sẵn có được trồng từ nương rẫy, đồng ruộng và do chính gia chủ làm ra.
Bài cúng Lễ mừng cơm mới ở mỗi nơi có thể khác nhau về câu từ, nhưng 2 chủ thể không thể thiếu là tổ tiên và thần linh. Với nội dung kể lại quá trình trời đất sinh ra, con người vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, khai phá đất đai làm nên đồng ruộng, để con cháu lao động sản xuất, làm ra hạt gạo dâng lên tổ tiên. Nếu là thầy mo thì bài cúng sẽ dài hơn, giọng vang ấm khiến không khí lễ mừng cơm mới trang nghiêm hơn nhiều.
Trong bài cúng, mở đầu là lời cảm tạ thần linh: “Xuống mách bảo dân bản: Người làm nương mài dao, mài rìu cho sắc/ Người làm ruộng sửa bừa, sửa cày cho vững/ Bện dây thừng cho đẹp”. Từ đó mà trân trọng mời thần linh: “Đi đường cũ về bản/ Về đến mó nước trong/ Về đến máng nước đẹp/ Tắm rửa cho sạch sẽ/ Rửa mặt cho hương thơm/ Về với nhà cột to/ Về với nhà cột lõi (ý nói cây cột nhà vững chắc)/ Ăn cơm cho lại sức/ Ăn canh cho sức bền...”.
Việc gọi mời tổ tiên về ăn “tết cơm mới” được thực hiện theo từng bước cụ thể. Bắt đầu là kể lai lịch của mâm cơm cúng, lý do vì sao có mâm cơm đó; những thứ bày trên mâm cơm đó là lấy từ đâu, ai làm. Chẳng hạn như kể việc con dâu chính là người đồ ra đĩa xôi ngon bùi: "Đồ chín con dâu mới dừng/ Đồ chín con dâu mới quạt/ Quạt xôi cho dẻo/ Bớt hơi xôi khô”...
Tiếp theo đó, thầy mo phải 3 lần có lời mời các thần linh, tổ tiên về nhà. Lần đầu là nhắc lại những lời cầu nguyện trước kia, mùa lúa năm nay nhờ các cụ phù hộ mà thành hiện thực. Lần thứ hai là mời các cụ giải hạn cho con cháu để cuộc sống thay đổi, mùa màng năm sau tăng hơn năm trước; và lần thứ 3 là tiễn các cụ ở đâu về đấy.
Sau phần nghi lễ, chủ nhà sẽ mời anh em, họ hàng và khách cùng ăn bữa cơm chung vui với gia đình. Trong số những người được mời dự lễ mừng cơm mới, người đến giúp gia đình làm cỗ sẽ không phải đem theo gì, còn những khách mời khác có thể mang chút rượu cùng góp vui với gia chủ.
Và cả chủ nhà lẫn khách mời tràn trong men rượu. Họ cùng cất lên lời hát cầu mong thời tiết thuận lợi, mùa vụ bội thu, chúc nhau khỏe đôi chân, nhanh đôi tay để cuộc sống được vui vẻ và đủ đầy.
CHI ANH
{name} - {time}
-
2024-12-21 15:57:00
Tự sự... cùng phố
-
2024-12-21 15:47:00
Mở Đường (Bài 2): Một vòng xứ Thanh qua những tuyến đường động lực, kết nối
-
2024-11-20 15:14:00
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu, giải pháp hiện đại để khơi thông tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực”
Dưới chân núi Chiếu Bạch
“Tiếng gọi của khoảng trống” – viết như nội tâm hóa sự tham dự văn hóa
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 1): Cần “cởi bỏ” tấm áo “phòng, chống”
“Trăm năm còn gió heo may” và giai điệu cuộc đời
“Bản chất XDNTM nói chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để nông thôn thật sự trở thành những làng quê đáng sống”
Điều còn mãi
Chuyện thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Đường Hồ Chí Minh trên biển: Không chỉ là huyền thoại!
“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 1): Hoa trong bão, lũ