(Baothanhhoa.vn) - Là người đầu tiên trong vùng đem con dúi về nuôi, nên ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Phú Quang, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh phải tự tìm tòi kiến thức nuôi dúi qua mạng Internet.

Lão nông làm giàu từ nuôi dúi

Là người đầu tiên trong vùng đem con dúi về nuôi, nên ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Phú Quang, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh phải tự tìm tòi kiến thức nuôi dúi qua mạng Internet.

Lão nông làm giàu từ nuôi dúiMô hình nuôi dúi của ông Nguyễn Văn Thắng, xã Phú Nhuận mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Do đam mê và cẩn thận, ông bỏ công tìm hiểu về loài gặm nhấm đặc biệt này. Có khi cả đêm ông không ngủ để theo dõi các quy luật hoạt động cũng như quá trình sinh trưởng của con dúi. Vì còn ít kinh nghiệm nên thời gian đầu ông chỉ nuôi 20 - 30 con. Nhờ sự kiên trì và tích cực học hỏi, nên đàn dúi của ông dần sinh trưởng khỏe mạnh. Ông Thắng bắt tay vào đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, tự nhân giống, mở rộng quy mô đàn lên hàng trăm con. Dúi là loài động vật hoang dã nên môi trường nuôi phải phù hợp với tập tính sinh trưởng vốn có của chúng. Chuồng nuôi được ghép từ các viên gạch men cỡ lớn khoảng 40 – 50 cm để hợp thành các ô vuông chắc chắn, tránh để dúi bò ra ngoài hoặc cắn thủng chuồng. Đồng thời che chắn ở mức độ phù hợp để tạo độ râm mát, giống với môi trường hang ổ dưới lòng đất.

Dúi sinh sản khá nhanh, 1 năm dúi mẹ đẻ khoảng 4 lứa, mỗi lứa từ 3 - 5 con. Ông Thắng cho biết, dúi là động vật hoang dã, nhưng dễ thuần chủng, dễ nuôi, chi phí nuôi thấp, không mất nhiều công chăm sóc và ít rủi ro. Đặc biệt, dúi có sức đề kháng cao nên ít bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên vì thức ăn là tre, thân mía, bắp, cỏ voi... nên dúi dễ bị đau bụng, phải chú trọng chuẩn bị thức ăn sạch, khô ráo, phòng bệnh viêm đường ruột, bệnh ngoài da.

Cũng theo ông Thắng, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quá trình nuôi dúi là thời tiết và chuồng trại. Khí hậu khắc nghiệt, nắng hè oi bức khiến dúi dễ chết. Vì thế, bên cạnh việc đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, thì các biện pháp làm mát chuồng trại cũng quan trọng không kém. Ông Thắng trang bị mỗi chuồng nuôi 2 máy điều hòa để duy trì nền nhiệt chuồng dúi không quá 33 độ C.

Sau gần 2 năm nuôi dúi, đến nay ông Thắng đã xây dựng 4 khu chuồng trại, có diện tích trên 200m2 để nuôi khoảng 500 con, trong đó có 300 con dúi bố mẹ. Theo ông Thắng, nuôi dúi rất đơn giản, không tốn công sức nhiều như chăn nuôi các vật nuôi truyền thống, hiệu quả kinh tế lại cao gấp nhiều lần. Hiện tại với giá bán một cặp dúi giống là 1,4 triệu đồng, dúi thịt khoảng 600 nghìn đồng/kg. Ngoài các nhà hàng trong tỉnh, nhiều tiểu thương các tỉnh ngoài tìm đến và đặt mua thường xuyên. Công sức lao động miệt mài cùng với niềm đam mê học hỏi của ông Thắng đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, năm 2021 gia đình ông thu lời trên 500 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.

Với thành công từ mô hình nuôi dúi, ông Thắng vẫn luôn trăn trở để liên kết các nhóm hộ gia đình cùng nuôi để tạo thành sản phẩm hàng hóa, gắn giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ.

Ông Ngô Xuân Thân, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, cho biết: “Mô hình nuôi dúi của ông Thắng trước mắt cho thấy khá phù hợp với địa bàn xã. Mô hình đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian qua, với sự chia sẻ kinh nghiệm nhiệt tình của ông Thắng, một số gia đình trong xã đã tiếp cận, đến học hỏi mô hình nuôi dúi. Chúng tôi mong muốn, mô hình này sẽ được nhân rộng, để tạo cơ hội cho người dân địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.

Bài và ảnh: Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]