(Baothanhhoa.vn) - Phát huy đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành ở Thanh Hóa, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo.

Lan tỏa phong trào chăm sóc, phụng dưỡng người có công

Phát huy đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành ở Thanh Hóa, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo.

Lan tỏa phong trào chăm sóc, phụng dưỡng người có côngLãnh đạo UBND phường Quảng Đông (TP Thanh Hóa) thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ình.

Nhiều năm qua, căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ình, ở khu phố Chính Hảo, phường Quảng Đông (TP Thanh Hóa) đã trở thành điểm đến thân quen của bà con lối xóm, các cấp chính quyền. Mẹ Ình có 4 người con trai, 2 người con đã hy sinh trong kháng chiến, con trai út thì bị bệnh tâm thần. Những năm tháng tuổi già, mẹ Ình càng buồn hơn trong nỗi đau mất mát bởi chiến tranh. Bằng tình cảm, trách nhiệm với mẹ, các bà, các chị trong hội phụ nữ, hội nông dân, các bác cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên thường xuyên thay phiên nhau đến nhà chăm sóc, trò chuyện với mẹ Ình, giúp mẹ vơi đi phần nào nỗi đau...

Ông Nguyễn Đình Thu, trưởng khu phố Chính Hảo, phường Quảng Đông, cho biết: “Theo thời gian, sức khỏe, tính minh mẫn của mẹ Ình giảm sút nhiều, những người dân trong khu phố cùng các tổ chức chính trị - xã hội luôn quan tâm, động viên chăm sóc để giúp mẹ sống lâu, sống thọ”.

Ông Lê Hồng Tuấn, Chủ tịch UBND phường Quảng Đông, khẳng định: Thời gian qua, công tác chăm sóc, phụng dưỡng người có công luôn được Đảng ủy, UBND phường đặc biệt quan tâm, thường xuyên rà soát, chăm lo sức khỏe, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công. Đến nay, 100% người có công ở địa phương có mức sống khá. UBND phường sẽ tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh chăm sóc người có công với nhiều hình thức để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người có công”.

Trong căn nhà mới xây khang trang, ông Nguyễn Văn Luyện - thương binh hạng 4/4 ở thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê (huyện Đông Sơn) không khỏi xúc động khi có nơi an cư nhờ một phần kinh phí hỗ trợ từ Đề án “Hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng huyện Đông Sơn”.

Trước đây, vợ chồng ông Luyện sống trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, ẩm thấp. Với mong muốn được xây dựng lại ngôi nhà, ông đã nhận được 40 triệu đồng từ đề án này, cùng với số tiền của mình tích cóp được, ước mơ về ngôi nhà khang trang hơn của ông đã hoàn thành. Ông Luyện chia sẻ: “Nhờ một phần kinh phí hỗ trợ từ chương trình này, mà tôi đã quyết tâm thực hiện mong muốn được sống trong ngôi nhà kiên cố. Tôi rất xúc động, nếu không có những hỗ trợ này, không biết bao giờ tôi mới thực hiện được ước mơ của mình”.

Bà Trương Thị Thanh, công chức phụ trách mảng lao động – thương binh và xã hội xã Đông Khê cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng người có công ở địa phương để tham mưu với đảng ủy, UBND xã có những phương án kịp thời hỗ trợ khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời kêu gọi mọi tầng lớp Nhân dân cùng chung tay xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” địa phương, thể hiện đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Những năm qua, cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn huyện Đông Sơn đã trở thành hoạt động thường xuyên và được lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Các cấp ủy đảng và chính quyền đã cùng với MTTQ Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân đã tự nguyện vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Đi tìm đồng đội”, xây dựng “xã làm tốt công tác chăm sóc người có công”... đã mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực.

Ông Phạm Đình Điện, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đông Sơn, cho biết: “Để ghi nhớ, tri ân sự cống hiến lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng, huyện Đông Sơn tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tỉnh Thanh Hóa có gần 350 nghìn người có công, trong đó có 4.630 Mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 56 nghìn liệt sĩ, trên 58 nghìn thương, bệnh binh. Cùng với việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, các ngành, các cấp đã triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng". Đến nay, phong trào có sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của toàn xã hội đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Bài và ảnh: Minh Khanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]