Làm theo lời Bác, Thanh Hóa phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu
Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), kết quả nổi bật “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... trong nhiều năm liền là lời khẳng định sự quyết tâm cao của Thanh Hóa phấn đấu “trở nên tỉnh kiểu mẫu” như lời Bác Hồ căn dặn.
Ông Nguyễn Xuân Trường luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, cùng với người dân trong thôn XDNTM kiểu mẫu.
Lan tỏa những tấm gương học tập làm theo lời Bác
Hơn 2 nhiệm kỳ làm bí thư chi bộ thôn Trung Tiến, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) lãnh đạo Nhân dân xây dựng thành công thôn NTM kiểu mẫu, ông Nguyễn Xuân Trường đã trở thành người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Ông khẳng định: “Muốn dân tin, dân yêu trước hết phải gần dân, sát dân, hiểu dân, thương dân và lo cho dân. Lời của Bác Hồ dạy là bài học sâu sắc và thấm thía cho cán bộ cơ sở như chúng tôi”.
Bắt đầu hành trình XDNTM kiểu mẫu, thôn Trung Tiến được xã Hoằng Quỳ đánh giá là thôn có “độ khó cao” bởi thiếu nhân lực và nguồn lực đầu tư. Cán bộ thôn chưa xây dựng được lòng tin của Nhân dân để phát triển phong trào. Ông Trường lúc đó là cán bộ về hưu. Tuổi trẻ từng giữ nhiều vị trí quan trọng, có năng lực nên dù tuổi đã cao ông vẫn được nhiều đơn vị, doanh nghiệp mời ra làm quản lý với mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, ông đã từ chối mà ở lại nhận nhiệm vụ do quê hương giao phó, làm bí thư chi bộ thôn và xây dựng thôn đạt chuẩn kiểu mẫu.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, việc đầu tiên ông Trường làm là “muốn dân tin”. Theo đó, ông và gia đình luôn đi đầu trong tất cả các hoạt động, phong trào tại thôn, xã; đồng thời phối hợp cùng chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu được ý nghĩa to lớn của Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Do có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý từ trước, ông Trường công khai, minh bạch và thể hiện năng lực quản lý chặt chẽ các khoản thu chi trong quá trình XDNTM. Mỗi một công trình dù là nhỏ như xây tường bao cho hộ gia đình hiến đất, làm đường hoa đến việc lớn như xây dựng nhà văn hóa, đều được ông Trường ghi chép chi tiết, tỉ mỉ. Các khoản thu chi rành mạch trong từng mục, dưới sự chứng giám của các ban viên như một lời khẳng định chắc nịch rằng những đóng góp của Nhân dân là để cho Nhân dân hưởng thụ. Còn công sức và chi phí đi lại trong Nam, ngoài Bắc vận động con em xa quê, hay phải bỏ tiền túi ra làm công trình trước khi thu đủ kinh phí đóng góp của người dân... ông Trường xem là chuyện nhỏ và việc cần phải làm.
Và khi dân đã tin thì các hoạt động “vào guồng và băng băng về đích. Phong trào hiến đất làm đường giao thông không gặp trở ngại nào, vận động xã hội hóa cũng không khó khăn như trước... Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, ông Trường tự hào nói.
Ông Trường là một trong hàng trăm tấm gương điển hình khác đang mỗi ngày, bằng những việc làm cụ thể, noi theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Đó là sư thầy Thích Đàm Ngoan, Trụ trì chùa Hồi Long (Hoằng Hóa), với sự nỗ lực của mình, đã xây dựng mái ấm tình thương ngay tại nơi thờ tự, cưu mang và chăm sóc hàng trăm trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Đó còn là thanh niên Lương Ngọc Lai ở xã Luận Thành (Thường Xuân) tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên miền núi, xây dựng thành công trang trại xanh, vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi theo mô hình khép kín. Là cô giáo Mai Thị Tuyết (Nga Sơn) đã không quản đường sá xa xôi cách trở, điều kiện vật chất thiếu thốn mà gắn bó với giáo dục vùng cao Quan Hóa gần 20 năm.
Nhiều kết quả nổi bật trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Qua gần 3 năm thực hiện các nội dung Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (sau đây gọi là Kết luận số 01), nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học và làm theo Bác ở các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân tiếp tục được nâng lên rõ rệt. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, dần trở thành ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm cao của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa chuyên đề toàn khóa thành các chuyên đề riêng của tỉnh cho từng năm và tổ chức học tập, quán triệt đến các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong toàn tỉnh. Trong đó, năm 2023 đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong sự nghiệp cách mạng, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh”, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Tỉnh ủy đến 784 điểm cầu toàn tỉnh, với tổng số 50.958 đại biểu tham dự. Năm 2024, tổ chức hội nghị chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 765 điểm cầu trong toàn tỉnh, với 86.396 đại biểu tham dự.
Đến nay, 100% cấp ủy viên, người đứng đầu địa phương, cơ quan và 97% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức xây dựng kế hoạch cá nhân về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động, sáng tạo, tìm tòi cách tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể của Kết luận số 01 thành những tiêu chí, mục tiêu cụ thể, gắn với phong trào thi đua “Xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu”. Các phong trào, mô hình tiêu biểu được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Các cấp, ngành, các địa phương, đơn vị đã lựa chọn những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm để tập trung lãnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét, tiêu biểu như huyện Cẩm Thủy, TP Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân... Đến nay, toàn tỉnh đã có 14 xã, phường; 818 cơ quan, đơn vị, 30 doanh nghiệp đạt tiêu chí kiểu mẫu. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn đạt kiểu mẫu là 27,6%, vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao. Cùng với đó, hàng loạt phong trào thi đua, các cuộc vận động sôi nổi được hình thành và lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Như ngành nông nghiệp với phong trào thi đua “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với chung sức XDNTM, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu”, UBND TP Thanh Hóa với cuộc vận động “Người dân TP Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”... Đặc biệt, phong trào “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được tỉnh triển khai, cụ thể hóa thành cuộc vận động “Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông” mang tính nhân văn cao cả. Đến nay, cơ bản các hộ đồng bào sinh sống trên sông đã được cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí xây nhà.
Phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu
Từ năm 1947-1961, Bác Hồ có 4 lần về thăm Thanh Hóa, nhiều lần gửi thư khen ngợi, động viên và để lại cho Đảng bộ, Nhân dân Thanh Hóa những lời căn dặn chí tình. Đáp lại tình cảm và sự tin tưởng, kỳ vọng của Người, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa cũng đoàn kết, ra sức thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương trở thành tỉnh kiểu mẫu.
Theo đó, Thanh Hóa đã phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong năm 2023 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh, dịch bệnh... nhưng Thanh Hóa vẫn khẳng định “bản lĩnh” bằng những con số đáng tự hào. Đó là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,01%, cao hơn bình quân chung của cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 40.000 tỷ đồng, vượt 14,1% so với dự toán, đứng thứ 8 trong các tỉnh, thành phố có tổng số thu ngân sách cao nhất cả nước. Bức tranh KT-XH của tỉnh nổi bật với nhiều điểm sáng, trở thành lực đẩy quan trọng, đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển đi lên. Điển hình, như ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là trụ đỡ cho sự ổn định của KT-XH. Đây cũng là ngành đạt được nhiều thành tựu “rực rỡ” nhất của xứ Thanh trong nhiều năm qua. Năm 2023, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 4,16%, vượt chỉ tiêu đề ra và là mức cao nhất từ trước tới nay. Công nghiệp đang trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn. Du lịch phát triển đúng hướng, tiệm cận dần đến mục tiêu và vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có bước chuyển tích cực, nhất là giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao, an sinh xã hội...
Những thành tựu của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua chính là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, phấn đấu đến năm 2045, “Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”.
Vân Anh
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-05-19 08:56:00
Về những nơi in dấu chân Người
Tháng 5 về thăm quê Bác
Nhớ Bác, nguyện cùng Người vươn tới mãi
Ký ức thời hoa lửa
Đại thắng mùa xuân 1975 - Khát vọng thống nhất đất nước
“Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”
Đi qua chiến tranh
Lạch Trường: Từ lịch sử hào hùng đến điểm du lịch hấp dẫn
Phát huy tinh thần đại thắng, Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca bất diệt