Ký ức Hủa Phăn: Máu và hoa
Những cán bộ, kỹ sư, công nhân Ban C, thuộc Bộ Thủy lợi (cũ) tỉnh Thanh Hóa từng công tác tại Lào, nay mái đầu đã ngả bạc, người còn người mất, nhưng họ - đội quân không hàm, không hiệu đại diện cho hàng ngàn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã cống hiến năm tháng tuổi xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và xây dựng nước bạn Lào.
Ông Đinh Phi Sơn và bà Nguyễn Thị Hường nắm tay nhau đi qua những ngày khó khăn, gian khổ nhất.
Một thời để nhớ
Cuối chiều, dòng Mã giang sẫm sương khói, những con đường bên kia sông đã lên đèn. Trong quán café nhỏ trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, chúng tôi đã được “trở về” khu rừng xưa - nơi ghi dấu những tình cảm keo sơn giữa Việt Nam và Lào, thông qua lời kể của ông Đinh Phi Sơn, sinh năm 1946, cựu cán bộ kỹ thuật sang xây dựng hệ thống thủy lợi cơ bản giúp nước bạn Lào từ năm 1968 - 1974. Trước đó, tôi gặp ông lần đầu tại Lễ trao tặng Huân chương Lao động của Chủ tịch nước CHDCND Lào cho các cá nhân Ban C, thuộc Bộ Thủy lợi (cũ) tỉnh Thanh Hóa vì đã đóng góp công sức, trí tuệ trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Hủa Phăn thời kỳ kháng chiến cũng như thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Giúp bạn là tự giúp mình” và với tình cảm quốc tế vô tư, trong sáng, suốt những năm kháng chiến chống kẻ thù chung xâm lược, mặc dù còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng Thanh Hóa đã dành những gì tốt nhất có thể, làm tròn sứ mệnh hậu phương trực tiếp cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường trên đất nước Lào nói chung, tỉnh Hủa Phăn nói riêng. Hàng vạn người con ưu tú của Thanh Hóa đã rời quê hương, tình nguyện sang chiến đấu và anh dũng hy sinh trên đất nước Lào. Trên một chiến hào, mồ hôi, xương máu của chiến sĩ và chuyên gia Việt Nam hòa quyện cùng xương máu, mồ hôi của chiến sĩ và Nhân dân Lào, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của hai đất nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
Vào những năm tháng khó khăn, gian khổ ấy, Thanh Hóa đã chi viện cho tỉnh Hủa Phăn hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm và hỗ trợ nhiều công cụ, tư liệu phục vụ sản xuất, chiến đấu cho bạn. Nhiều công trình, cầu đường, nhà máy, xí nghiệp được xây dựng trên đất Hủa Phăn từ bàn tay, khối óc của những cán bộ, chuyên gia, quân tình nguyện và hơn 1 vạn lượt thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa. Nhiều chương trình hỗ trợ, hợp tác về nông nghiệp, thủy lợi của Thanh Hóa giúp tỉnh Hủa Phăn không chỉ ổn định về an ninh lương thực mà còn từng bước nâng cao đời sống cho Nhân dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Ban C đã tình nguyện lên đường, hăng hái tham gia xây dựng nhiều công trình thủy lợi, thủy điện, nông nghiệp, giao thông, phục vụ kháng chiến và hỗ trợ đời sống Nhân dân các bộ tộc tỉnh Hủa Phăn. Đây là đội quân không hàm, không hiệu nhưng đã chiến đấu và cống hiến không kém gì lực lượng vũ trang chính quy...
Ông Đinh Phi Sơn mở đầu câu chuyện với giọng điệu đầy tự hào: Đối với ông, 7 năm công tác tại tỉnh Hủa Phăn là một “thời để nhớ”. Hủa Phăn trong những năm tháng ấy chia làm hai vùng: vùng tự do và vùng bị chiếm đóng. Bản Phúc, xã Xốp Xang, huyện Xốp Khọ - nơi ông Sơn sống và làm việc thuộc vùng tự do. Tuy không phải “giơ lưng” chịu bom, chịu đạn nhưng những cơn sốt rét ác tính, những hiểm nguy đạn lạc, cây đè, hổ vồ... lại là nỗi ám ảnh kinh hoàng của những cán bộ tình nguyện như ông Sơn.
Bà Hường đọc lại những bức thư ông Sơn viết khi cả 2 còn công tác bên nước bạn Lào và sau khi ông bà về nước công tác.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, ông Sơn vẫn có thể nhắc tên những con sông, con suối - nơi gắn liền với những chuyến luồn rừng “khua sương, đạp rắn, cắn mìn” mà ông và đồng nghiệp từng đến để đo đạc, xây dựng các công trình phục vụ cho công cuộc ổn định sản xuất, xây dựng đất nước Lào. Sống và làm việc giữa rừng thiêng nước độc, họ có thể “chạm tay” vào cái chết bất kỳ lúc nào. Rồi những tháng không mưa, mọi người không có nước để tắm; lại những cơn mưa kéo dài cả tuần, ai cũng phải mặc quần áo ướt. Vì thế, hầu như ai cũng bị các bệnh về da, tiêu hóa, và đã có không ít người chết khi chẳng may mắc những căn bệnh này. Ông Sơn bộc bạch: “Sự sống và cái chết lúc nào cũng liền kề, chẳng trừ ai cả. Nó mong manh, giữ cũng không được. Cứ đi, sống và làm việc thôi, không màng gì cả...”.
Trong ký ức của ông Sơn, những bữa ăn chỉ có sắn, cá khô, nước mắm, canh rau rừng, sung muối chua... vẫn dậy vị mỗi khi ông nhớ về những ngày đã qua. Nhưng điều làm ông Sơn luôn khắc ghi trong lòng chính là tình cảm của người dân Lào. Ở rừng không có rau ăn, thấy cán bộ thích ăn rau, bà con Lào lại rủ nhau trồng rất nhiều rau trong rừng kèm theo lời nhắn “Rau đó cứ tự nhiên lấy mà ăn”. Người trong làng, bản nghe tin có cán bộ bị bệnh sốt rét liền rủ nhau vào rừng hái lá thuốc, đem xay nhuyễn ra nước cho người bệnh uống. Đặc biệt vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, người dân Lào vào rừng kín đáo tiếp tế bằng cách bỏ kẹo, thuốc vào bì ném lên những con đường mình hay đi và có ghi quà nhân ngày tết của Việt Nam. “Người dân Lào thật thà, chất phác, hiền hòa, dễ mến, tính cách ấy thể hiện rõ trong từng ánh mắt, nụ cười, cách cư xử của mỗi người. Họ rất quý trọng tình bạn, chữ tín”, ông Sơn chia sẻ.
Chuyện bạn giúp mình và mình giúp bạn thì dài lắm, ông Sơn kể, một lần gần nơi công trình thủy lợi đang xây dựng có người phụ nữ vừa sinh xong, bị băng huyết. Người nhà mời thầy mo nhưng thầy mo bắt ngồi ôm xôi gà để cúng. Nửa ngày trời cúng bái, do mất máu nhiều, người phụ nữ kiệt sức, ngất lịm. Nghe tin, một vài người trong đoàn công tác ôm theo thuốc đến. Từ tối đến sáng hôm sau, họ đã tiêm hết hơn chục ống Vitamin K, B1, B12 và thuốc bổ cho người phụ nữ. Đồng thời, hướng dẫn người nhà rang gạo muối nóng chườm lên bụng. Người phụ nữ dần tỉnh, bao nhiêu thuốc của đội công tác đưa đi đều để lại cho gia đình hết...
Đám cưới giữa rừng và mùa quả ngọt...
Vượt lên gian khổ, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ luôn lạc quan, yêu đời. Giữa muôn ngàn thiếu thốn, tình yêu, tình đồng đội vẫn luôn đong đầy. Mùa xuân năm 1974 có lẽ là mùa xuân đặc biệt nhất với ông Sơn. Bởi, mùa xuân này, ông cưới vợ. Đám cưới được tổ chức giữa rừng, trên nước bạn Lào. Một khoảng rừng nhỏ được treo đèn, kết hoa, ngập tràn hạnh phúc.
Huân chương Lao động của Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng cho ông Đinh Phi Sơn vì đã đóng góp công sức, trí tuệ trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Hủa Phăn thời kỳ kháng chiến cũng như thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước.
Cùng công tác tại công trường xây dựng với chồng, cô công nhân Nguyễn Thị Hường luôn nhận được sự yêu thương, che chở từ người đồng hương. 50 năm rồi nhưng những ký ức trong bà Hường vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua. Bà sôi nổi diễn tả niềm vui, hạnh phúc bằng mắt, miệng và cả chân, tay. Trái với vợ, ông Sơn lại mang vẻ điềm đạm, lịch thiệp, nhã nhặn của một công chức Nhà nước. Hai tính cách tưởng chừng trái ngược ấy hóa ra lại bù trừ hoàn hảo cho nhau. Nhìn cách ông chăm sóc bà mới hiểu hết tình yêu đã đơm hoa trong khói lửa chiến tranh có sức sống mãnh liệt như thế nào. “Chúng tôi gặp nhau, yêu nhau trong hoàn cảnh éo le nhất, nhưng cũng vì đó mà có động lực tiếp tục sứ mệnh để có thể trở về đoàn viên... Tôi chỉ biết nói đó là định mệnh...”, bà Hường xúc động nói.
Nửa thế kỷ nên nghĩa vợ chồng, bà Hường có thể tự hào bởi hai vợ chồng đã đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đất nước thời hậu chiến. Những người con của ông bà đã phương trưởng, cuộc sống ổn định. Ở tuổi ngoài 76, những khớp xương bắt đầu hành hạ bà, có lẽ đó là hệ quả của những năm tháng vượt núi, vượt rừng ngày trước. Đôi chân buồn, mỏi mỗi khi thức dậy nhưng hễ có dịp bà lại đi cùng chồng. Đi tìm, kết nối những đồng nghiệp, đồng đội xưa.
Năm 2000, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông Sơn đứng ra thành lập Chi hội Ban C, Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn. 100 thành viên trong chi hội, người công chức về hưu, người nông dân... và dù thời gian làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào có khác nhau, nhưng từ trong trái tim những người cán bộ, kỹ sư, công nhân Ban C sống trên đất Thanh Hóa luôn vẹn nguyên ký ức với những kỷ niệm của một thời khói bom, lửa đạn, gian khổ, ác liệt mà sâu nặng tình cảm.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-01-15 12:28:00
Như Xuân đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật
-
2025-01-15 11:53:00
Trưởng Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN kiểm tra sản xuất, đời sống Nhân dân huyện Nông Cống
-
2024-10-18 15:58:00
Công khai cả nguồn ủng hộ lẫn việc phân bổ hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 3
Trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại Thanh Hoá
Hội LHPN tỉnh thăm, tặng quà nữ phạm nhân dịp 20/10
Thanh Hóa có 1 tập thể, 1 cá nhân được tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc trong hoạt động thông tin cơ sở năm 2024
Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái
Chia khó với người dân vùng lũ
Đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố
Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất tại 3 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường Lát
[Infographics] - 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, từ 900 - 5.200 đồng/km
Chùa Hồi Long - Mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh