(Baothanhhoa.vn) - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là tỉnh có đóng góp nhiều nhất sức người, sức của, đồng thời cũng là hậu phương lớn nhất. Để phục vụ cho “trận công kiên lớn nhất” - chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng vạn dân công xứ Thanh đêm ngày không quản gian khó gánh gạo, mở đường, chở vũ khí, đạn dược... phục vụ chiến trường khói lửa. 70 năm trôi qua, “ký ức” Điện Biên Phủ như những “thước phim” quay chậm qua lời kể của những dân công hỏa tuyến năm xưa.

Ký ức Điện Biên Phủ qua lời kể của những dân công hỏa tuyến

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là tỉnh có đóng góp nhiều nhất sức người, sức của, đồng thời cũng là hậu phương lớn nhất. Để phục vụ cho “trận công kiên lớn nhất” - chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng vạn dân công xứ Thanh đêm ngày không quản gian khó gánh gạo, mở đường, chở vũ khí, đạn dược... phục vụ chiến trường khói lửa. 70 năm trôi qua, “ký ức” Điện Biên Phủ như những “thước phim” quay chậm qua lời kể của những dân công hỏa tuyến năm xưa.

Ký ức Điện Biên Phủ qua lời kể của những dân công hỏa tuyếnDù sức khỏe yếu, cụ bà Đỗ Thị Mơ vẫn không quên những tháng ngày tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhắc đến cụ bà Đỗ Thị Mơ, người thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn (Thường Xuân) hẳn nhiều người vẫn nhớ đến câu chuyện bà Mơ - xin thoát nghèo vài năm về trước. Chuyện một cụ bà ở một xã miền núi xứ Thanh, dù tuổi đã cao nhưng vẫn tự tin mưu sinh dựa vào đôi bàn tay, sức lao động chân chính của bản thân khiến nhiều người cảm phục. Câu chuyện về bà Mơ sau đó đã trở thành niềm cảm hứng, tạo sự lan tỏa rộng khắp. Vậy nhưng, có lẽ chưa nhiều người biết rằng, cách đây 70 năm, cô gái Đỗ Thị Mơ còn dành những tháng ngày thanh xuân, cùng với hàng vạn người dân xứ Thanh đã góp sức cho “tuyến lửa” Điện Biên Phủ.

So với lần gặp cách đây vài năm về trước, bà Đỗ Thị Mơ bây giờ đã yếu hơn nhiều. Tuổi cao khiến cho bà không còn nhanh nhẹn được nữa, rồi những đợt ốm triền miên cũng khiến sức khỏe bà không ổn định. Vậy nhưng, khi nhắc đến những tháng ngày tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa thì bà bảo vẫn nhớ lắm. Dẫu vậy, trước khi kể lại chuyện về thời hoa lửa 70 năm về trước, bà cũng không quên dặn: “Bà bây giờ có tuổi rồi, có chuyện nhớ, chuyện không, chỗ nhớ, chỗ quên nên nhớ được tới đâu, bà kể tới đó”.

Sinh ra ở xã biển Quảng Hải (Quảng Xương), đầu năm 1954 - khi mới 19 tuổi, theo sự vận động của Đảng, Nhà nước, cô gái Đỗ Thị Mơ đã hăng hái lên đường tham gia dân công hỏa tuyến để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Bà Đỗ Thị Mơ nhớ lại: “Bà đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng 3 tháng. Ngày đó ra đi rất vui vẻ, không lo lắng, không sợ hãi. Chúng tôi đi thành từng đoàn, khí thế hừng hực như ngày hội vậy. Công việc đi dân công khi đó là gánh gạo. Cung đường đi dọc theo sông Luồng (một nhánh của sông Mã) lên mạn ngược xứ Thanh, theo những con đường rừng núi, cứ như vậy mà đi. Gánh gạo không kể đêm ngày, xuyên qua rừng, băng núi. Đã vậy, để không bị phát hiện, mỗi người còn phải tự ngụy trang, lấy lá cây rừng che chắn thật kỹ... Vất vả là thế, nhưng không ai kêu than. Bởi ai cũng muốn góp sức mình cho Tổ quốc. Trong những tháng ngày ấy, ai cũng thấy mình có một phần trách nhiệm...”.

Nhấp ngụm nước chè xanh, bà Mơ kể tiếp: “Bà nhớ, suốt nhiều ngày ròng rã, trong một lần đang gánh gạo, do mệt quá, lại khát nước, người như muốn lả đi. Tìm xung quanh thì chỉ có những cây vả rừng trĩu quả. Bà đã hái những quả vả, ăn rất nhiều, đến nỗi say bất tỉnh nên được mọi người đưa vào cấp cứu ở Trạm 8 (theo lời kể lại của bà Mơ - PV). Sau khi tỉnh dậy, do sức khỏe yếu, bà phải trở về quê sớm hơn mọi người trong đoàn... Về đến nhà mới được 2 ngày thì nghe báo tin chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng... Cả làng ai cũng reo vui phấn khởi, sung sướng lắm”.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô gái Đỗ Thị Mơ ngày nào giờ đã trở thành cụ bà móm mém, tóc bạc phơ được con cháu kính trọng, người dân quý mến. Bà tâm tình: “Nhiều chuyện mới chỉ dăm năm trước giờ đã chẳng thể nhớ. Nhưng không hiểu sao, chỉ có 3 tháng đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ thì bà lại chưa thể quên. Dù rằng, cái sự nhớ của người già cũng chẳng thể rõ ràng, rành mạch được”.

Trong quá trình “đi tìm” những dân công hỏa tuyến năm xưa phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi tình cờ gặp được ông Trần Đức Thịnh (96 tuổi) người thôn Cửa Hà, xã Cẩm Phong (nay là khu phố Cửa Hà, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy). Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng trí nhớ cụ ông vẫn minh mẫn. Trên bến Cửa Hà, ông kể chúng tôi nghe về những tháng ngày lịch sử.

Bến Cửa Hà (bên sông Mã) là nơi giao nhau giữa Quốc lộ 217 và sông Mã. Đây là đầu mối giao thông quan trọng từ phía Đông lên miền Tây Bắc và Thượng Lào. Bởi vậy, nơi đây không chỉ có vị trí quan trọng về mặt quân sự, mà còn là hậu phương vững chắc cho các cuộc kháng chiến.

Bước vào chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Tây Bắc - Thượng Lào được xác định là những hướng tiến công chính. Bấy giờ, Cẩm Thủy - cửa ngõ miền Tây xứ Thanh với giao thông đường sông, đường bộ thuận lợi trở thành hậu phương - hậu cứ vững chắc. Lực lượng bộ đội, dân công cùng với lương thực, súng đạn... đêm ngày tập kết về đây, sẵn sàng lên đường ra mặt trận.

Sau khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đầu năm 1954, Nhân dân Cẩm Thủy cũng chính thức bước vào trận tuyến hậu cần phục vụ cho chiến dịch lịch sử - “trận công kiên lớn nhất”. Hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm, súng đạn, thuốc men... tập trung tại kho Cẩm Thủy trên bến Cửa Hà, từ đây vận chuyển ra chiến trường Điện Biên Phủ.

“Theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, gần như 100% các hộ gia đình ở Cẩm Phong khi đó đều tham gia dân công hỏa tuyến. Có gia đình cả vợ chồng và các con lớn đều ra đi. Thời điểm đó, xe đạp còn là phương tiện đi lại đắt tiền thì ở Cẩm Phong đã có nhiều nhà khá giả sắm được xe đạp. Vậy nên, người dân Cẩm Phong khi ấy ra đi phục vụ tuyến lửa, ngoài quang gánh thì còn có một số lượng khá lớn xe đạp thồ”, ông Trần Đức Thịnh cho biết.

Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, có dân công gánh bộ phục vụ ở trung tuyến vận chuyển lương thực từ Cẩm Thủy lên trạm 10 Vận Mai (giáp Hòa Bình); có dân công vận chuyển bằng thuyền chở lương thực, thực phẩm, thuốc men vượt sông Mã giao hàng tại Quan Hóa; và hai đội dân công xe đạp thồ đi phục vụ tuyến lửa.

Ông Trần Đức Thịnh nhớ lại: “Đoàn chúng tôi phải mất đến gần 3 tháng mới lên được Điện Biên Phủ. Trong quá trình tham gia phục vụ chiến dịch, chúng tôi không nề hà công việc gì, từ chở gạo, tiếp vận súng đạn, đến cả việc phải mở đường do bị giặc Pháp ném bom. Để tránh bị địch phát hiện, nhiều ngày phải trốn trong rừng, đêm xuống mới âm thầm di chuyển. Những ngày ấy, nắng mưa không quản, muỗi vắt, rắn rết chẳng sợ hãi, thậm chí ngay cả nắm cơm ăn lẫn với bùn đất cũng không phải chuyện hiếm... Nhưng ai cũng một tinh thần đồng lòng, quyết tâm và hy vọng chiến thắng”.

Tròn 70 năm trôi qua với một Điện Biên Phủ “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, chàng thanh niên Trần Đức Thịnh ngày nào giờ đã thành cụ ông mắt mờ, chân tay yếu. Trong giọng kể run run mà trầm hùng của ông, tôi phần nào cảm nhận được nhiệt huyết của những thế hệ ông cha trong những năm tháng sẵn sàng hiến dâng mình cho Tổ quốc... Để đến hôm nay, đi qua những đau thương, vất vả, nhọc nhằn, hai tiếng độc lập vẹn toàn đã được hát vang trong trái tim - khối óc và tình yêu dân tộc, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]