(Baothanhhoa.vn) - Còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, vùng trồng hoa, cây cảnh xã Hợp Lý (Triệu Sơn) lúc này nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Không giống nhiều vườn đào ở những nơi khác đã bung nở sớm, các chủ vườn ở Hợp Lý vẫn tự tin hoa của mình sẽ nở đúng dịp tết nhờ biết “khắc chế” thời tiết, “ép” hoa nở vào thời điểm mình cần. Cùng với đào, trên những thân ruộng, từng luống quất cảnh với quả lúc lỉu, nhưng đa phần vẫn giữ được màu xanh ương, chỉ chờ ngày xuất bán sẽ được tưới các loại phân bón theo kinh nghiệm để quả đồng đều ngả màu chín vàng bắt mắt...

Vùng trồng cây cảnh xã Hợp Lý những ngày giáp tết

Còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, vùng trồng hoa, cây cảnh xã Hợp Lý (Triệu Sơn) lúc này nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Không giống nhiều vườn đào ở những nơi khác đã bung nở sớm, các chủ vườn ở Hợp Lý vẫn tự tin hoa của mình sẽ nở đúng dịp tết nhờ biết “khắc chế” thời tiết, “ép” hoa nở vào thời điểm mình cần. Cùng với đào, trên những thân ruộng, từng luống quất cảnh với quả lúc lỉu, nhưng đa phần vẫn giữ được màu xanh ương, chỉ chờ ngày xuất bán sẽ được tưới các loại phân bón theo kinh nghiệm để quả đồng đều ngả màu chín vàng bắt mắt...

Vùng trồng cây cảnh xã Hợp Lý những ngày giáp tếtVườn đào gốc cổ thụ của gia đình ông Trần Sỹ Toàn, xã Hợp Lý đã bật mầm nụ, dự kiến sẽ nở đồng loạt đúng dịp tết.

Năm nay, gia đình có diện tích trồng đào lớn nhất trên địa bàn xã là hộ ông Trần Sỹ Toàn ở thôn Đông Thành với hơn 4 ha. Trong cái nắng nhẹ của đợt lạnh kéo dài, chủ vườn Trần Sỹ Toàn cùng 3 lao động thời vụ vẫn miệt mài chăm sóc bên những gốc đào. Với ông, chăm đào như chăm con mọn, nhưng khi đã chiếm lĩnh được kỹ thuật canh tác thì mọi thứ cũng trở nên đơn giản. Trên khu ruộng dồn đổi ở cánh đồng Cầu Sắt, bạt ngàn một vùng đào của gia đình đang đến thời kỳ hé nụ. “Cho cây ra hoa đồng loạt thì dễ, nhưng hoa của tôi phải có nụ lớn, nụ nhỏ và hoa. Đây là bí quyết riêng trong khâu chăm sóc cho hoa ra nhiều đợt, để khi đào xuất bán, có hoa, có nụ và cả một số quả đã đậu trên cành” - ông Toàn tự tin nói. Thế mạnh của ông Toàn còn là công nghệ chiết ghép cành đào trưởng thành lên những gốc đào non được trồng dày như trồng hoa màu dưới ruộng. Nhờ đó, vườn đào của gia đình ông đã phát triển hoa đẹp ngay trong năm, luôn cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Giới thiệu với chúng tôi ở một khu trồng đào khác, ông Trần Sỹ Toàn đang sở hữu 150 gốc đào cổ thụ chờ ngày xuất bán. Theo ông, những gốc đào này được mua từ tỉnh Sơn La về ươm, phục vụ những khách hàng khá giả, hiện đã có nhiều người đặt trước những cây vừa ý. Những cây đào có đường kính gốc từ 20 đến 40 cm này cũng đang bật mầm nụ, giá trị từ 4 đến 10 triệu đồng mỗi gốc. Ngoài cây đào, gia đình ông còn có 0,5 ha quất cũng đang chờ ngày đưa ra thị trường phục vụ khách trong và ngoài tỉnh.

Cùng cán bộ nông nghiệp của UBND xã Hợp Lý, chúng tôi được đi tham quan các cánh đồng trồng đào và quất cảnh trên địa bàn xã. Do kỹ thuật canh tác ở địa phương cơ bản đạt đến trình độ đồng đều, nên hầu như cây trồng không có sự khác biệt về thời điểm nở hoa, chín quả như nhiều nơi. Ngoài những bông hoa nở bói ít ỏi, thì những cánh đồng trồng đào ở đây vẫn ở dạng mắt nụ, mà theo người dân, vụ này sẽ nở đúng vào dịp tết. Nhiều nông dân còn khá tự tin rằng, năm nay thời tiết ấm áp kéo dài, để “điều chỉnh” cho cây đào vẫn chưa trổ hoa là cả quá trình chăm sóc từ nhiều tháng qua. Hơn tháng nay, bà con không hề bón phân hay tưới nước. Khoảng hơn một tuần trước khi xuất bán, với những cây đào có dấu hiệu nở muộn, chỉ cần tưới liên tục, bứt lộc thêm một lần nữa là đua nhau trổ nụ kín cành.

Vùng trồng cây cảnh xã Hợp Lý những ngày giáp tếtNgười dân xã Hợp Lý (Triệu Sơn) chăm sóc cây quất cảnh.

Nhiều năm trước, thời điểm tiết đông đến sớm nên lạnh kéo dài, người trồng đào nơi đây đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có nhiều bí quyết cho hoa nở sớm. Nông dân Lê Thị Hợi ở thôn Đông Thành, chia sẻ: Những năm lạnh sớm hoặc với những cây đào có nguy cơ nở hoa muộn, chúng tôi đã có bí quyết dùng dao cắt khoanh quanh phần gốc cho đứt hết phần vỏ trước tết khoảng vài tuần. Đây là cách ức chế dinh dưỡng, kích thích ra nụ và sớm nở hoa. Có những năm, vặt lá một thời gian, cây ra lứa lộc mới nhưng vẫn chưa có nụ, người dân địa phương tiếp tục vặt lứa lá non, cây sẽ ra hoa. Với nhiều người trồng cây cảnh trên vùng đất bán sơn địa Hợp Lý, họ thực sự đã trở thành “nghệ nhân” làm chủ thực sự về kinh nghiệm, kỹ thuật.

Nhiều gia đình có truyền thống trồng cây cảnh còn thuê ruộng để hình thành các vùng chuyên canh tập trung, như ông Trần Sỹ Hùng, thôn Quang Thanh với hơn 1 ha; Nguyễn Văn Đông, thôn Quang Thanh với hơn 2 ha... Được biết, đa phần người trồng cây cảnh ở xã Hợp Lý ngày nay là dân gốc các huyện Ý Yên và Nam Trực của tỉnh Nam Định, vào định cư thành vùng kinh tế mới từ khoảng nửa thế kỷ trước. Đây là những vùng trồng cây cảnh, trồng hoa truyền thống nổi tiếng cả nước nên họ mang theo nghề này vào xứ Thanh. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều vùng chuyên canh hoa và cây cảnh, nhưng người dân Hợp Lý vẫn được coi là có kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác cao hơn hẳn. Đó cũng là yếu tố hàng đầu đem đến thành công của nghề, góp phần xây dựng Hợp Lý thành vùng quê trù phú, giàu đẹp.

Thông tin từ UBND xã Hợp Lý, khoảng 10 năm qua, khi nghề trồng cây cảnh khẳng định hiệu quả về nhiều mặt trên địa bàn, xã đã khuyến khích người dân dồn đổi ruộng đất, hình thành các vùng cây cảnh tập trung ngay ngoài các cánh đồng. Đến nay, tổng diện tích cây cảnh được chuyển đổi từ đất lúa 1 vụ và hoa màu đã lên tới 100 ha. Đó là chưa kể, người dân canh tác trong vườn nhà và trên đồi với tổng diện tích hàng trăm ha khác. Toàn xã hiện có hơn 1.500 hộ dân thì khoảng 70% số hộ làm nghề trồng cây cảnh. Xã cũng có 4 làng nghề trồng cây cảnh truyền thống được công nhận diện tích trồng nhiều nhất tập trung ở các thôn Đông Thành và Quang Thắng. “Qua khảo sát chúng tôi mới tiến hành, năm nay cả đào và quất ở địa phương đều được mùa, dự kiến xuất bán đúng dịp tết. Đến nay đã có hơn 1/2 diện tích có thương lái đặt mua trước. Giá trị canh tác vùng trồng hoa, cây cảnh của xã đạt khoảng 400 triệu đồng/ha, trừ mọi chi phí sản xuất, người nông dân vẫn có thu nhập hơn 200 triệu đồng” - ông Lê Huy Hiệp, cán bộ phụ trách nông nghiệp UBND xã Hợp Lý, cho biết.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]