(Baothanhhoa.vn) - Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng theo thường lệ, đây chính là thời điểm tất bật của người trồng đào xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương. Theo những người chuyên canh cây đào lâu năm tại đây, để hoa nở đúng dịp tết như mong muốn, phải tác động bằng những kinh nghiệm đúng vào thời điểm này mới có kết quả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vùng đào Quảng Chính tất bật cho vụ tết

Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng theo thường lệ, đây chính là thời điểm tất bật của người trồng đào xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương. Theo những người chuyên canh cây đào lâu năm tại đây, để hoa nở đúng dịp tết như mong muốn, phải tác động bằng những kinh nghiệm đúng vào thời điểm này mới có kết quả.

Vùng đào Quảng Chính tất bật cho vụ tết

Nông dân Quảng Chính đang tất bật chăm sóc để “ép” đào nở đúng dịp tết.

Ngay từ đầu xã Quảng Chính, chúng tôi đã bắt gặp cảnh lao động nhộn nhịp trên những ruộng đào. Bát ngát trên những cánh đồng là một màu nâu xám của ngàn vạn cành đào lớn nhỏ mới bị tuốt trụi lá. Lác đác trên các thân cây, một vài bông hoa nở sớm đã khoe sắc sặc sỡ. Một số cây đào trồng dưới ruộng thấp đã chúm chím nụ chờ ngày bung nở. Thậm chí ngay trên một khu ruộng trồng đào, vẫn có cây nở sớm, nở muộn chứ chưa hẳn đồng loạt cùng thời điểm. Nếu hoa nở quá sớm hoặc muộn sẽ không có khách mua, coi như mất công cả năm chăm sóc.

Người Quảng Chính tự hào, có lẽ trên cả nước, chỉ duy nhất ở đây có giống đào phai hoa kép cổ đặc trưng. Thay vì có 5 cánh hoa như những loại đào phai khác, đào Quảng Chính có nhiều tầng hoa với trung bình từ 23 đến 30 cánh hoa. Cá biệt có những hoa lên gần 40 cánh, được ví kích thước như miệng chén uống rượu loại nhỏ. Khi nở, hoa lâu tàn, nhiều gia đình chơi đào qua tết vẫn còn đẹp lộng lẫy. Với những nông dân ở đây, đào chính là tài sản, là cơm gạo, là cuộc sống mưu sinh. Phải bằng kinh nghiệm đúc kết qua nhiều năm để “khắc chế” cây đào, chống lại thời tiết bất thuận. Bổ từng nhát cuốc chắc nịch, anh Nguyễn Hữu Côi ở thôn Phú Lương trong xã đang đẽo bớt bầu đất lớn quanh gốc một cây đào. Theo anh, làm nhỏ bầu đất vừa dễ dàng cho bấng cả quầng gốc vào những ngày giáp tết, vừa thuận lợi để “bắt” cây nở hoa đúng dịp. Với những cây mới “mở mắt” mà chưa hình thành nụ, phải tăng cường tưới nước hòa phân lân và đạm để kích thích. Nhưng những cây có nhiều nụ lớn, nếu để sẽ nở sớm nên phải ngắt bỏ, tiếp tục dùng thuốc kích thích để cây kịp thời ra lứa nụ mới, nở đúng dịp tết. Thôn Phú Lương nơi anh ở, có tới hơn 300 hộ dân, nhưng phân nửa trong số đó đều có nghề trồng đào.

Trong thôn, ít năm gần đây nổi lên điển hình trồng và kinh doanh đào là anh Nguyễn Hữu Thủy. Ở tuổi 29, từng tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, bôn ba nhiều nơi nhưng anh đã quyết tâm trở về quê nguyện gắn bó với cây đào. Tại ruộng đào của mình, ông chủ trẻ vẫn tất bật tuốt lá, nhổ cỏ, cắt tỉa, uốn cành tạo tán cho những “tác phẩm” của mình. Vừa làm việc, anh Thủy vừa tâm sự: Hơn 5 năm trước, em đã vay mượn tiền, mua các gốc đào cổ thụ trong dân để lấy hạt nhân giống. Đây là loại đào hoa kép cổ, đặc trưng riêng của xã nên phải chọn giống gốc. Bởi lẽ, nhiều gia đình trồng gần với đào phai thường, quá trình thụ phấn qua gió hoặc côn trùng, quả đào ấy trồng sẽ bị lai, hoa không to, không thắm như đặc trưng của giống đào cổ quê hương. Vài năm gần đây, em liên tục thuê ruộng, mở rộng diện tích trồng đào, lấy đây là nghề chính để mưu sinh.

Được biết, để nâng cao giá trị cây đào, trong quá trình chăm sóc, anh Thủy sẽ uốn thân và cành, tạo dáng thành đào thế nên khi bán, giá cao có khi gấp đôi, gấp ba đào để buông tự nhiên. Ngoài những kinh nghiệm nhiều người biết, anh Thủy còn “giắt lưng” cách chăm sóc để cây đào ra hoa trên chiều dài cả cành chứ không chỉ vài ba chục phân đầu nhánh. Đó chính là nguyên nhân mà nhiều năm nay, những ruộng đào của anh Thủy luôn hết hàng sớm, giá bán lại cao. “Năm nay, em đang có khoảng 500 cây đào cho thu hoạch, dự kiến giá bán trung bình khoảng gần 3 triệu đồng mỗi cây. Trừ mọi chi phí thuê nhân công chăm sóc và đầu tư trong năm, lợi nhuận thu lại cũng đạt hơn 50% doanh thu” - anh Thủy tiết lộ.

Cách đó không xa, ruộng đào khoảng 300 gốc của gia đình ông Mai Văn Vệ ở thôn Chính Đa vừa có thương lái đến đặt mua cả vườn với giá 3,5 triệu đồng/cây. Những lao động gia đình thuê vẫn tất bật công việc chăm sóc để cây đào đẹp, giữ chữ tín với thương lái. Một “đại gia đào” khác là bà Nguyễn Thị Hiền ở thôn Thanh Xuân - người chuyên đi thuê ruộng của những gia đình ít lao động để phát triển cây đào. Với phong thái của người nông dân chân chất, bà Hiền không ngại chia sẻ: Năm nay gia đình tôi xuất 300 gốc, 500 cây khác đến năm tiếp theo mới bán. Mấy năm gần đây, gia đình đều thuê 2 - 3 lao động, lúc cao điểm gần tết tới 10 người để chăm sóc đào. Tổ chức sản xuất lớn, nên mỗi năm, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình thu lãi khoảng 600 triệu đồng.

Thông tin từ UBND xã Quảng Chính, hiện trong xã có 10 ha đào hoa kép trồng tập trung trên các cánh đồng, đó là chưa tính diện tích trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà của các hộ. Toàn xã hiện có 1.823 hộ, thì hơn nửa trong số đó trồng và kinh doanh đào. Trong số đó, có hơn 100 hộ là có diện tích trồng đào lớn từ 500 đến 5.000m2. Tại xã, nhiều người đều biết đến tấm gương ông Nguyễn Trọng Mạnh ở thôn Thanh Xuân trở nên khá giả nhờ cây đào. Theo nhẩm tính từ cán bộ Văn phòng UBND xã Quảng Chính, trung bình mỗi năm, người dân trong xã thu nhập khoảng từ 16 đến gần 20 tỷ đồng từ cây trồng đặc trưng này. Có những cây đào có giá 4 đến 5 triệu đồng, bằng cả 1 năm trồng lúa nên những năm gần đây, xã khuyến khích người dân cải tạo ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa và một số cây giá trị kinh tế thấp sang trồng đào.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]