(Baothanhhoa.vn) - Thiệu Hóa có tới 3 dòng sông lớn chảy qua, gồm: Sông Chu, sông Mã và sông Cầu Chày. Toàn huyện có 28 xã, thị trấn thì đã có 23 xã, thị trấn có đê với nhiều khu vực dân cư ở vùng ngoại đê.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tích cực triển khai các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Thiệu Hóa

Thiệu Hóa có tới 3 dòng sông lớn chảy qua, gồm: Sông Chu, sông Mã và sông Cầu Chày. Toàn huyện có 28 xã, thị trấn thì đã có 23 xã, thị trấn có đê với nhiều khu vực dân cư ở vùng ngoại đê.

Cống Hươu – vị trí bị hư hỏng do cơn lũ lịch sử tháng 10-2017, nay đã được đầu tư xây mới.

Thống kê mới nhất từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) huyện Thiệu Hóa, thời điểm hiện tại, toàn huyện có tới 1.025 hộ gia đình với 4.230 nhân khẩu và gần 750 ha đất nông nghiệp nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt, ngập úng của các dòng sông. Phía nội đồng vùng tả sông Chu, vùng tiêu của các trạm bơm tiêu Thiệu Duy, Thiệu Thịnh với diện tích gần 3.600 ha và vùng ven sông Dừa (phía hữu sông Chu) với diện tích 300 ha vẫn phải tiêu nước mưa lũ bằng hình thức tự chảy, trong khi các vùng này lại trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa lũ. Nhận thấy những hiểm nguy từ thiên nhiên luôn hiện hữu, huyện Thiệu Hóa đã có sự chủ động trong triển khai đồng bộ nhiều phương án, sẵn sàng ứng phó khi có mưa bão, lũ lụt bởi mùa mưa bão năm 2018 đang vào giai đoạn phức tạp và nguy hiểm nhất.

Ngay từ những tháng đầu năm, huyện Thiệu Hóa đã kiện toàn lại BCH PCTT&TKCN và điều động 28 đồng chí là trưởng, phó các phòng, ban cấp huyện để trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác PCTT&TKCN ở các xã, thị trấn được giao. Việc tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2017 và những nhiệm vụ cơ bản cho năm 2018 cũng đã được huyện triển khai nghiêm túc, sau đó chỉ đạo đến tận cấp xã, cấp thôn. Theo đó, các phòng, ban, đơn vị là thành viên của BCH PCTT&TKCN huyện, như: Y tế, BCH Quân sự, điện lực, công an... đều được giao triển khai những nhiệm vụ cụ thể, liên quan đến chuyên môn của ngành mình; đồng thời phải thành lập một đội cơ động để chi viện ứng cứu khi có lệnh.

Trong tháng 3 - 2018, UBND huyện đã phối hợp với Hạt Quản lý đê Thiệu Hóa và các chi nhánh thủy nông có công trình trên địa bàn, tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng từng công trình đê điều, thủy lợi, từ đó xây dựng phương án khắc phục, bảo vệ công trình trong mùa mưa bão. Nhiều đoạn đê xung yếu qua địa bàn huyện đã và đang được khẩn trương khắc phục, tiêu biểu như các đoạn đã bị hư hỏng từ trận lũ lịch sử tháng 10 - 2017. Gần đây, đoạn đê hữu sông Cầu Chày dài khoảng 1,3 km, uốn lượn qua thôn Ngọc Thiện, xã Thiệu Ngọc vẫn đang nhộn nhịp như đại công trường. Hàng chục ô tô, máy xúc, máy ủi, xe lu và nhiều nhân lực của đơn vị thi công vẫn đang hoạt động hết công suất để đẩy nhanh tiến độ đoạn đê xung yếu, bị hư hỏng trong đợt lũ tháng 10 - 2017. Đến nay, dự án sửa chữa, nâng cấp đoạn đê quan trọng này đã hoàn thành, bảo đảm vai trò phòng chống lụt bão trong mùa mưa lũ. Huyện cũng phối hợp và tạo điều kiện để chủ đầu tư xây dựng các công trình thuộc Dự án Nâng cấp hệ thống trạm bơm Nam sông Mã qua địa bàn đẩy nhanh tiến độ. Trên các tuyến đê, việc phát quang cây cối trên mái đê, chân đê và khơi thông dòng chảy đã được huyện, Hạt Quản lý đê Thiệu Hóa và các xã trên địa bàn triển khai tại hàng chục km đê qua địa bàn.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác PCTT&TKCN là chuẩn bị vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” đã được huyện thực hiện khá đầy đủ về số lượng và chủng loại, thậm chí vượt kế hoạch tỉnh giao ở nhiều loại vật tư. Được biết, năm 2018, huyện Thiệu Hóa được BCH PCTT&TKCN tỉnh giao 3.500 cọc tre nhưng đến thời điểm hiện tại, các xã trên địa bàn đã chuẩn bị được 3.640 cọc. Số lượng rọ tre, rọ thép, bạt, phên liếp, rơm rạ cũng được huyện chuẩn bị đạt và vượt kế hoạch giao. Do đặc thù nhiều xã có đê, huyện Thiệu Hóa chú trọng chuẩn bị đất, cát, đá tại chỗ phòng khi bị sạt, vỡ đê thì có thể hàn khẩu ngay. Riêng đất dự trữ, toàn huyện đã chuẩn bị được 3.282 m3, đạt 109% kế hoạch tỉnh giao. Tương tự, đá hộc và đá dăm dự trữ của huyện đều đạt 108% kế hoạch tỉnh giao. Tại xã Thiệu Vũ - nơi chúng tôi được các cán bộ huyện dẫn đến thăm, cả 4/4 thôn trong xã đều có kho dự trữ vật tư PCTT&TKCN tại chỗ, tại trụ sở UBND xã còn có một tổng kho riêng. Các vật tư dự trữ được sắp xếp tương đối gọn gàng, dễ lấy khi có mưa bão, sự cố đê điều. Chất lượng các loại vật tư dự trữ của xã tương đối tốt, trong đó có 300 bao bì mới, 300 cọc tre mới được bổ sung, đã qua ngâm nước nhiều tháng để tạo độ bền và hạn chế mối mọt.

Các phương án PCTT&TKCN riêng cho từng thôn, xã cũng được các địa phương trong huyện thực hiện khá nghiêm túc theo sự chỉ đạo từ cấp huyện. Các địa phương đã kiện toàn và thành lập lực lượng xung kích, lực lượng canh đê... sẵn sàng làm nhiệm vụ khi được điều động, nhất là khi có bão lũ, đe dọa đê. Từng trọng điểm xung yếu về đê điều đã được huyện và các xã xây dựng phương án bảo đảm an toàn, chuẩn bị vật tư tại chỗ. Được biết, hiện toàn tỉnh có 33 phương án trọng điểm đê điều, thì huyện Thiệu Hóa đã chiếm 5 trọng điểm. Các điểm tràn, sạt trên đê sông Cầu Chày đã được huyện, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh gia cố, sửa chữa...


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]