(Baothanhhoa.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành văn bản số 1957/UBND-KTTC về việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hoá thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành văn bản số 1957/UBND-KTTC về việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hoá thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu

Trong thời gian gần đây, tại một số địa phương trên cả nước, xuất hiện tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đồng loạt dừng hoạt động với lý do không đủ nguồn cung, ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp trong tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh một số lý do khách quan dẫn tới khan hiếm nguồn cung xăng dầu, không loại trừ các nguyên nhân chủ quan, như: một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có tư tưởng đầu cơ, găm hàng để trục lợi khi dự báo giá sản phẩm xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao; các cơ quan chức năng, doanh nghiệp thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu chưa thực sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp để đảm bảo tính ổn định của thị trường xăng dầu nội địa…

Với mục tiêu duy trì liên tục, ổn định, đáp ứng đầy đủ sản phẩm xăng dầu cho người dân và doanh nghiệp, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính hoặc đứt gãy nguồn cung sản phẩm xăng dầu trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến chỉ đạo đối với các sở, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như sau:

1. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan:

Theo dõi, kịp thời cập nhật, phổ biến tới các đơn vị kinh doanh xăng dầu, các cơ quan báo chí, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan đến nhiệm vụ điều hành, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa; trọng tâm là Thông báo số 36/TB-VPCP ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Công văn số 389/BCT-TTTN ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Công Thương về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu trên địa bàn và Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu (gửi kèm theo).

Triển khai việc rà soát, giám sát, nắm thông tin các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện nếu có hiện tượng hoặc nguy cơ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung sản phẩm xăng dầu trên địa bàn, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng trên theo thẩm quyền; tham mưu đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền.

Chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đơn vị sản xuất sản phẩm xăng dầu và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu chi tiết (theo từng tháng), sát với tình hình thực tế (có xét tới kịch bản xấu nhất là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng sản xuất) theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo số 36/TB-VPCP ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ để chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa; đảm bảo cân đối nguồn cung xăng dầu nhập khẩu, thu mua và sản xuất trong nước phục vụ cho địa bàn tỉnh Thanh Hóa với sản lượng dự kiến tiêu thụ trên địa bàn; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 07 tháng 03 năm 2022. Đồng thời, thường xuyên theo dõi việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu của các đơn vị; cập nhật, điều chỉnh để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh nếu có thay đổi, biến động lớn; trường hợp các đơn vị không thực hiện theo kế hoạch, dẫn tới có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, phải kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và đề xuất các giải pháp xử lý. Trước mắt, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu chi tiết cho giai đoạn đến hết tháng 12 năm 2022; tùy vào tình hình thực tế, Sở Công Thương chủ động đề xuất việc mở rộng giai đoạn thực hiện báo cáo, xin ý kiến chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh trước khi tổ chức triển khai thực hiện.

Trường hợp cần thiết để đảm bảo không xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung sản phẩm xăng dầu trên địa bàn, căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và tình hình thực tế, nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh để quy định hoặc khuyến nghị mức dự trữ xăng dầu đối với các doanh nghiệp thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh cao hơn mức dự trữ bắt buộc tối thiểu theo quy định của Chính phủ trong giai đoạn ngắn hạn trước mắt.

2. Giao Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan:

Tăng cường công tác quản lý địa bàn của lực lượng quản lý thị trường đối với mặt hàng sản phẩm xăng dầu; triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch để kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn theo thẩm quyền, trọng tâm là các doanh nghiệp có tinh thần chấp hành pháp luật chưa cao, có dấu hiệu găm hàng nhằm trục lợi; tích cực phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng để thực hiện các chương trình kiểm tra, giám sát theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền ban hành.

Kịp thời phát hiện các hành vi tạo khan hiếm xăng dầu nhằm trục lợi bất chính và kiên quyết xử lý nghiêm theo các quy định hiện hành của pháp luật đối với các doanh nghiệp có vi phạm, điển hình là các hành vi như: giảm thời gian bán hàng, giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó, không bán hàng mà không có lý do chính đáng…; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh khí hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp quy định hiện hành chưa có chế tài đủ sức răn đe, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Yêu cầu các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh cam kết và chịu trách nhiệm với nội dung cam kết, gồm: chấp hành nghiêm chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về đảm bảo nguồn cung xăng dầu; niêm yết, bán đúng giá các sản phẩm xăng dầu; công khai nguồn cung sản phẩm xăng dầu. Đối với các doanh nghiệp thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đơn vị sản xuất xăng dầu, yêu cầu cam kết: chấp hành nghiêm chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xăng dầu; lên kế hoạch nhập khẩu, thu mua, sản xuất để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, không cung cấp xăng dầu cho các cơ sở bán lẻ nhằm trục lợi. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện (theo biểu mẫu kèm theo) trước ngày 07 tháng 03 năm 2022.

3. Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên nắm bắt diễn biến cung ứng xăng dầu trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện nếu có hiện tượng thiếu hụt nguồn cung sản phẩm xăng dầu phục vụ người dân và doanh nghiệp để báo cáo và kiến nghị phương án xử lý với Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại theo thẩm quyền để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thuận lợi lưu thông hàng hóa thông suốt đến người tiêu dùng.

4. Đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu trên địa bàn tỉnh:

Đồng hành cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đảm bảo an ninh năng lượng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung; ưu tiên mục tiêu cung ứng đầy đủ, liên tục và đúng mức giá quy định các sản phẩm xăng dầu cho người tiêu dùng hơn mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn trong giai đoạn biến động hiện nay.

Chủ động thực hiện các giải pháp điều hành kế hoạch nhập khẩu, kế hoạch thu mua, kế hoạch vận chuyển, phân phối sản phẩm, thiết lập chính sách giá chiết khấu hợp lý và các giải pháp điều hành sản xuất, kinh doanh khác để đảm bảo không xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung ở cả ba cấp thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu là 20 ngày cung ứng đối với thương nhân đầu mối và 05 ngày cung ứng đối với thương nhân phân phối xăng dầu. Căn cứ tình hình thực tế của từng doanh nghiệp, xem xét tăng sản lượng nhập khẩu, thu mua bổ sung để nâng mức dự trữ xăng dầu cao hơn mức dự trữ bắt buộc tối thiểu theo quy định của Chính phủ nhằm đảm bảo có đủ lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường, có xét tới dự báo gia tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu theo kịch bản phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19 (dự kiến tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6,5 - 7,0%); phấn đấu nhập khẩu, thu mua, dự trữ để có đủ khả năng bán ra thị trường với sản lượng ít nhất bằng sản lượng bán ra bình quân năm 2021 hoặc sản lượng bán ra bình quân năm 2019 (thời điểm trước khi diễn ra đại dịch COVID-19), tùy thuộc vào sản lượng nào cao hơn.

5. Đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) tập trung triển khai các giải pháp theo thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan chức năng để nhanh chóng khắc phục tình trạng sụt giảm công suất; kiên quyết không để xảy ra tình trạng dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn tới nguồn cung xăng dầu nội địa; thường xuyên thông tin, báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ trên về Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (đồng thời, gửi về Sở Công Thương) để được các cơ quan chức năng kịp thời xem xét, hỗ trợ.

6. Đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trưởng tỉnh) để cung cấp thông tin đầy đủ, thường xuyên, kịp thời, khách quan đến người dân và các tổ chức, cá nhân thường xuyên sử dụng sản phẩm xăng dầu; tránh gây tâm lý hoang mang, xáo trộn và hiểu rõ sự quyết tâm của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nói riêng.

PV

Tin liên quan:
  • Thanh Hoá thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu
    Bảo đảm cung ứng xăng, dầu, xử lý nghiêm sai phạm

    Thời gian gần đây giá xăng, dầu trong nước có nhiều biến động do giá nguồn cung dầu thô trên thế giới có xu hướng tăng; một số đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước giảm công suất gây tình trạng khan hiếm cục bộ, tạo tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành chức năng đang quyết liệt triển khai chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh, kiên quyết không để chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong mọi tình huống; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi chờ tăng giá.


PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]