(Baothanhhoa.vn) - Chiều 26-8, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Cơ hội, tiềm năng và cách tiếp cận mới”. Đồng chí Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì hội thảo.

Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông

Chiều 26-8, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Cơ hội, tiềm năng và cách tiếp cận mới”. Đồng chí Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì hội thảo.

Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông

Hình ảnh điểm đầu hội thảo tại Hà Nội.

Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ngành liên quan của tỉnh.

Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông

Đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.

Tính đến hết tháng 3-2021 các nước Trung Đông - Châu Phi có 530 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với trị giá hơn 3,25 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu, gồm: Bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, cơ sở hạ tầng... Đáng chú ý, lượng vốn đầu tư thực tế của các nước Trung Đông rất lớn thông qua hình thức góp vốn hoặc đầu tư gián tiếp (FII) không được tính vào danh mục thống kê, như: Công ty Xăng dầu Quốc tế Kuwait đóng góp 35,1% vốn trên tổng giá trị đầu tư hơn 9 tỷ USD của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Công ty DP World đầu tư dự án cảng Hiệp Phước trị giá 200 triệu USD tại TP Hồ Chí Minh, Công ty ACWA của Saudi Arabia tham gia dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 trị giá hơn 2 tỷ USD...

Hội thảo diễn ra nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút và triển khai các dự án FDI và FII từ khu vực Trung Đông vào Việt Nam và cập nhật các thông tin về cơ chế, chính sách mới, tiềm năng thị trường của các quốc gia, giúp các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt, quan tâm các nhà đầu tư từ khu vực Trung Đông để có biện pháp quảng bá, thu hút đầu tư phù hợp.

Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông

Đại biểu các quốc gia Trung Đông tại điểm cầu Kuwait.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 3 dự án FDI của Cô - oét và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3,33 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đăng ký đầu tư FDI toàn tỉnh; ký ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Farwaniyah, Cô - oét. Ngoài ra, một số doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đã triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại của Israel vào lĩnh vực nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu tỉnh Thanh Hóa sang thị trường Trung Đông năm 2020 đạt 370 triệu USD, chiếm 9,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đạt 180 triệu USD.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thanh Hóa có gần 9.500 lao động đi làm việc tại các nước Trung Đông. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã thành lập các đoàn công tác cấp cao đến làm việc với các bộ, ngành, địa phương của Cô - oét để xúc tiến các nội dung hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực.

Tại hội thảo các đại biểu của Việt Nam và các quốc gia Trung Đông đã trao đổi, nhận diện các biện pháp, cách thức cụ thể thu hút hiệu quả FDI và FII từ khu vực Trung Đông vào Việt Nam. Đồng thời, thảo luận các biện pháp tháo gỡ những trở ngại, khó khăn phát sinh trong thu hút và triển khai các dự án FDI và FII từ khu vực Trung Đông dưới góc nhìn từ cả hai phía.

Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tham luận tại hội thảo.

Phát biểu thảo luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh tỉnh Thanh Hóa đã tiếp đón các nhà đầu tư Trung Đông từ rất sớm - từ những năm 2008 thông qua thực hiện dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây là dự án đáp ứng khoảng 40% nhu cầu xăng, dầu của Việt Nam, có vai trò quan trọng mang tính chiến lược, nhằm từng bước đảm bảo nguồn cung năng lượng quốc gia. Tỉnh Thanh Hóa đang phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Việt Nam. Đây là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa tăng cường thu hút nguồn lực từ bên ngoài, phục vụ sự phát triển của địa phương. Tỉnh Thanh Hóa luôn cam kết, hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư đảm bảo giải quyết các hồ sơ, thủ tục pháp lý nhanh chóng, hiệu quả; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về mặt bằng dự án, cơ sở hạ tầng kỹ thuật kết nối, sân bay, cảng biển; nguồn nhân lực phục vụ thi công, xây dựng, vận hành nhà máy; mạng lưới các doanh nghiệp phụ trợ của địa phương sẵn sàng kết nối với các dự án đầu tư trọng điểm; đảm bảo an ninh - trật tự an toàn xã hội tại khu vực nhà máy và cho các chuyên gia.

Hiện nay, các quốc gia Trung Đông đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa kinh tế, hướng tới phát triển bền vững, kinh tế xanh, sạch và tái tạo. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài với một số quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới. Do vậy, tỉnh Thanh Hóa mong muốn trong thời gian tới, các Bộ ngành Trung ương tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý đầu tư của các quốc gia Trung Đông, các quỹ đầu tư vùng Vịnh để tổ chức các hội nghị, hội thảo, nhằm xúc tiến hợp tác đầu tư theo chuyên đề về ngành, lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, như: cơ sở hạ tầng (sân bay, cảng biển), du lịch, khoa học và công nghệ, năng lượng sạch và tái tạo, tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế... Đây cũng là những lĩnh vực mà tỉnh Thanh Hóa có thế mạnh và có nhu cầu hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Trung Đông.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng rất mong tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương và giới thiệu nguồn lao động trẻ, có năng lực, trình độ đi làm việc tại các quốc gia Trung Đông.

Lê Hợi


Lê Hợi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]