(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ là một đối tác đầu tư quan trọng, Hàn Quốc còn là một trong những đối tác thương mại lớn của Thanh Hóa. Trong sự tăng trưởng đột phá của tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa của tỉnh những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của Hàn Quốc - đối tác lớn thứ 4 của các doanh nghiệp XK tỉnh Thanh.

Rộng mở cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc

Không chỉ là một đối tác đầu tư quan trọng, Hàn Quốc còn là một trong những đối tác thương mại lớn của Thanh Hóa. Trong sự tăng trưởng đột phá của tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa của tỉnh những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của Hàn Quốc - đối tác lớn thứ 4 của các doanh nghiệp XK tỉnh Thanh.

Rộng mở cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc

Sản xuất hải sản xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Trần Đức Lương cho biết, Hàn Quốc là thị trường XK tiềm năng, các DN tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng nắm bắt, tìm kiếm cơ hội để thâm nhập vào thị trường này, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực. Năm 2020, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu - khu vực Thanh Hóa thuộc Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã cấp cho các doanh nghiệp 3174 bộ form C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ), 2021 cấp 3036 bộ form C/O ưu đãi để XK hàng hóa sang Hàn Quốc.

Tính đến nay tỉnh Thanh Hóa có 88 doanh nghiệp XK hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc, với các mặt hàng chủ yếu là: May mặc, giày da, thủy hải sản đông lạnh, surumi, lông mi giả, tăm hồ... Kim ngạch XK hàng hóa tăng trưởng ổn định. Năm 2021, tổng kim ngạch XK hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc đạt 408,5 triệu USD, trong đó ghi nhận sự đóng góp chính của các DN trong lĩnh vực may mặc và chế biến thủy, hải sản.

Nắm bắt thị hiếu tiêu dùng mặt hàng chả cá suirimi có tiềm năng tăng trưởng tốt tại thị trường Hàn Quốc, Công ty CP Thương mại Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải (thị xã Nghi Sơn) đã đặc biệt chú trọng tới các giải pháp khai thác thị trường này.

Bà Trịnh Thị Cúc, Giám đốc Công ty, cho biết: Hàng năm Công ty XK từ 2.000-3.000 tấn chả cá suirimi sang Hàn Quốc, với doanh thu mang lại khoảng 10 triệu USD. Với năng lực dây chuyền sản xuất đáp ứng sản lượng đến 10.000 tấn suirimi/năm, Công ty đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh đầu tư, phát triển đội tàu khai thác, thu mua nguyên liệu; đồng thời kết nối, tìm kiếm thêm nhiều đối tác, bạn hàng Hàn Quốc để đẩy mạnh XK mặt hàng suirimi sang thị trường này.

Rộng mở cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc

Công ty TNHH MTV X20 Thanh Hóa đa dạng mặt hàng may mặc XK đi thị trường Hàn Quốc.

Với mặt hàng may mặc, tỷ trọng XK sang Hàn Quốc chiếm từ 25 - 30% tổng giá trị XK dệt may của các doanh nghiệp trong tỉnh. Đặc biệt, từ khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 1-9-2009, nhiều sản phẩm dệt may đáp ứng tốt các quy tắc về xuất xứ hàng hóa đã được hưởng ưu đãi thuế suất 0%, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp mở rộng thị phần, cơ cấu mặt hàng may mặc XK vào thị trường này. Nhiều doanh nghiệp may mặc lớn không ngừng mở rộng quy mô, tăng công suất, tìm kiếm thêm bạn hàng mới tại thị trường Hàn Quốc, như: Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, Công ty TNHH Ivory Việt Nam, Công ty TNHH giầy Anrona Việt Nam, Công ty TNHH giầy Sun Jade Việt Nam... Các doanh nghiệp may mặc có nguồn vốn trong nước cũng nhanh chóng tận dụng cơ hội để đẩy mạnh XK, như: Công ty TNHH may Huệ Anh (thị xã Bỉm Sơn), Công ty CP Tiên Sơn Thanh Hóa, Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta...

Công ty TNHH MTV X20 Thanh Hóa vốn là đơn vị chuyên sản xuất mặt hàng quân phục cho quân đội. Từ năm 2017, đơn vị mở rộng cơ sở sản xuất tại tại Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa) để sản xuất gia công thêm hàng may mặc XK đi thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Hiện nay, sản lượng hàng may mặc XK của công ty đã chiếm tới 70% tổng lượng hàng sản xuất, trong đó có 20-30% lượng hàng XK đi Hàn Quốc.

Đánh giá về tiềm năng phát triển thêm thị trường này, bà Dương Thị Hải Anh, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Công ty TNHH MTV X20 Thanh Hóa, cho biết: Qua thời gian hợp tác, chúng tôi đánh giá thị trường Hàn Quốc tương đối dễ tính. Quy trình thẩm định, yêu cầu về tiêu chuẩn không quá khắt khe như một số nước. Tất nhiên, để đáp ứng quy chuẩn cơ sở vật chất và chất lượng hàng hóa XK, chúng tôi đã chủ động thiết kế, đáp ứng tốt mọi yêu cầu sản xuất ngay từ ban đầu. Khi đối tác Hàn Quốc khảo sát, thấy phù hợp về quy mô, đáp ứng được năng lực sản xuất là có thể đi tới hợp tác, ký kết thuận lợi mà không cần quá nhiều thủ tục, chứng nhận. Đặc biệt, khách hàng Hàn Quốc làm việc rất uy tín và năng suất cao. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi tiếp cận, học hỏi, nhận chuyển giao kỹ năng quản trị nhân lực trong quá trình hợp tác.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay đơn hàng Hàn Quốc tại các doanh nghiệp trong Hiệp hội đang có tín hiệu gia tăng, với đơn giá được đánh giá là hợp lý. Nhiều đối tác mà DN trong tỉnh đã hợp tác lâu dài, có đối tác từ 7-10 năm nên cũng rất thuận lợi trong trao đổi, chia sẻ những vấn đề phát sinh, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lên sản xuất. Chúng tôi rất kỳ vọng thị trường Hàn Quốc sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn của các DN tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.

Ngoài may mặc, giày da, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa XK khác của tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục cải thiện năng lực cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu khách hàng để đa dạng cơ cấu hàng hóa XK vào thị trường Hàn Quốc trong các kế hoạch trung và dài hạn. Điển hình như Công ty TNHH KCT Hồng Phát XK các mặt hàng kết cấu thép, Công ty TNHH Công nghiệp Wooju Việt Nam XK găng tay, Công ty TNHH Văn Lang Yufukuy XK mặt hàng viên gỗ nén...

Rộng mở cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc

Đóng bao XK mặt hàng viên gỗ nén tại Công ty TNHH Văn Lang Yufukuy.

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung ưu tiên các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối XK hàng hóa sang các thị trường tiền năng, trong đó có thị trường Hàn Quốc.

Đặc biệt, ngày 1-1-2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức có hiệu lực và Hàn Quốc và Việt Nam là 2/15 quốc gia tham gia Hiệp định. Không chỉ mở rộng quy mô thị trường, sự đa dạng về chủng loại hàng hóa, nới lỏng các quy tắc xuất xứ sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh XK những mặt hàng vừa là chủ lực, lợi thế, vừa thuận lợi được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách của Hiệp định này.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]