(Baothanhhoa.vn) - Trong cơ cấu nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay, nguồn thu tiền sử dụng đất (SDĐ) chiếm tỷ lệ lớn. Nếu như tổng thu nội địa 9 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh ước đạt 15.398 tỷ đồng thì khoản thu tiền SDĐ là 5.803 tỷ đồng (chiếm 37,6%). Điều này chứng tỏ thị trường đất đai trên địa bàn tỉnh rất sôi động và ngày càng có giá trị, song cũng là những dự báo “lo nhiều hơn vui” khi ngân sách phụ thuộc nhiều vào bán quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Quy hoạch sử dụng đất đai - góc nhìn từ thực tế: Bài 1 - Ngân sách địa phương tăng thu do đấu giá quyền sử dụng đất

Trong cơ cấu nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay, nguồn thu tiền sử dụng đất (SDĐ) chiếm tỷ lệ lớn. Nếu như tổng thu nội địa 9 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh ước đạt 15.398 tỷ đồng thì khoản thu tiền SDĐ là 5.803 tỷ đồng (chiếm 37,6%). Điều này chứng tỏ thị trường đất đai trên địa bàn tỉnh rất sôi động và ngày càng có giá trị, song cũng là những dự báo “lo nhiều hơn vui” khi ngân sách phụ thuộc nhiều vào bán quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Quy hoạch sử dụng đất đai - góc nhìn từ thực tế: Bài 1 - Ngân sách địa phương tăng thu do đấu giá quyền sử dụng đấtThi công MBQH Đông Quốc lộ 10, thị trấn Nga Sơn. Ảnh: Việt Hương

Tăng thu ngân sách từ quy hoạch, đấu giá QSDĐ...

Tăng thu ngân sách phụ thuộc vào đấu giá QSDĐ là vấn đề chung đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đất đai mang đến nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương và mỗi năm đều vượt kế hoạch, dự toán đề ra. Lĩnh vực đất đai đem lại 5 - 6 khoản thu khác nhau nhưng lĩnh vực mang lại nguồn thu nhiều nhất là tiền SDĐ, tiếp đến là tiền cho thuê mặt đất và lệ phí trước bạ.

Theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, lũy kế đến hết tháng 9-2021, tổng thu nội địa trên địa bàn là 15.398 tỷ đồng, tăng trưởng 19,7% so với cùng kỳ. Trong đó, các khoản thu từ đất cũng tăng trưởng khá khi nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn hoàn thành đấu giá QSDĐ, trong đó thu tiền SDĐ ước đạt 5.803 tỷ đồng, đạt 105,5% dự toán, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, tại các huyện đồng bằng, ven biển, đất đai mang lại nguồn thu chính cho ngân sách cấp huyện, cấp xã. Tại huyện Quảng Xương, 9 tháng năm 2021, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 772,8 tỷ đồng, đạt 175% so với dự toán tỉnh giao, tăng 96% so với cùng kỳ, trong đó thu tiền SDĐ đã lên tới con số 668,9 tỷ đồng (chiếm 86,5%).

Tại huyện Nga Sơn, ước tổng thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng năm 2021 đạt hơn 529,4 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Nguồn thu tiền SDĐ vẫn là nguồn thu cơ bản của ngân sách địa phương hàng năm, dao động trong khoảng 350 tỷ đồng/năm. Riêng 9 tháng năm 2021, trên địa bàn huyện đã có 38 cuộc đấu giá được tổ chức thành với diện tích đấu giá là 99.047m2 (24 mặt bằng quy hoạch (MBQH)), tổng số lô trúng đấu giá là 795 lô với tổng số tiền trúng đấu giá QSDĐ là hơn 515 tỷ đồng.

Tại huyện Hà Trung, nguồn tăng thu từ đấu giá QSDĐ chiếm khoảng 80% các khoản tăng thu ngân sách trên địa bàn huyện. Nếu như dự toán tỉnh giao đối với thu tiền SDĐ năm 2021 là 126 tỷ đồng thì trong 9 tháng, huyện đã thực hiện ước đạt trên 180,4 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2021 ước đạt 423 tỷ đồng, bằng 152,3% so với dự toán tỉnh giao.

Ông Hoàng Huy Tự, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND huyện Hà Trung nhận định: Thu tiền SDĐ chiếm tỷ trọng khoảng 50% các khoản thu ngân sách và chiếm khoảng 80% các khoản tăng thu trên địa bàn huyện. Nếu không chịu sự tác động của đại dịch COVID-19, thu từ tiền SDĐ còn tăng hơn nữa bởi nhiều cuộc đấu giá phải tạm hoãn để phòng, chống dịch. Một điều may mắn ở Hà Trung là giá đất khởi điểm và giá đất trúng thầu vẫn đang là giá thực tế, phù hợp với thị trường nên hạn chế tình trạng hủy thầu, bỏ cọc.

Từ số liệu của các huyện cho thấy, thị trường đất đai trên địa bàn tỉnh đang rất sôi động và ngày càng có giá trị, song cũng là bài toán mà các cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm khi ngân sách lệ thuộc quá nhiều vào khoản thu 1 lần từ nguồn tài nguyên đất đai.

... để đầu tư hạ tầng

“Thu ngân sách của xã chủ yếu phụ thuộc vào thu tiền SDĐ. Không có nguồn thu điều tiết từ việc cấp QSDĐ, các xã, thị trấn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chắc chắn nhiều hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản để thực hiện các chương trình mục tiêu của địa phương phải dừng lại vì không có vốn để thực hiện”, đó là trao đổi của ông Lê Thành Tâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Ninh (Quảng Xương) chia sẻ với chúng tôi.

Theo ông Tâm, Quảng Ninh là một xã nằm ven Quốc lộ 1A, nếu như trong 2020, thu ngân sách xã chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng do trong năm không có MBQH nào được tổ chức đấu giá; các khoản thu từ dịch vụ giảm đáng kể, chỉ đạt 71% so với kế hoạch thì trong năm 2021 do hoàn thiện thủ tục và tổ chức đấu giá QSDĐ nên thu ngân sách của xã ước tăng gấp nhiều lần.

Để có nguồn tăng thu đó, từ đầu năm 2021 đến nay, xã Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị thực hiện đấu giá được 4 MBQH số 3104, 3107, 3108 và 5158, với tổng số 122 lô đất ở; tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 114 tỷ đồng. Trong 4 MBQH được đưa ra đấu giá, 3 MBQH có giá trị thấp (tổng số tiền trúng đấu giá hơn 14 tỷ đồng), chỉ có MBQH số 5158 tại vị trí trung tâm xã Quảng Ninh được tổ chức đấu giá vào tháng 8-2021 là có giá trị cao (tổng giá khởi điểm ban đầu dự kiến hơn 74 tỷ đồng, kết quả đấu giá lên trên 100 tỷ đồng). Sau khi trừ chi phí và khoản điều tiết, tổng số tiền dự kiến thu vào ngân sách xã từ đấu giá QSDĐ năm 2021 là hơn 40 tỷ đồng.

Nguồn thu từ khai thác cấp QSDĐ, xã Quảng Ninh ưu tiên cho đầu tư một số công trình trường học trên địa bàn và thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao bởi địa phương đang phấn đấu đến năm 2022 sẽ được công nhận xã NTM nâng cao. Trong đó, dự kiến khoảng 3 tỷ đồng trả nợ công trình đã quyết toán; hơn 8 tỷ đồng dự kiến chi cho các công trình hoàn thành chưa phê duyệt quyết toán; hơn 4 tỷ đồng cho công trình đường giao thông từ UBND xã đi Trường THCS Quảng Ninh đang thi công. Một số công trình mới xã đề nghị được phê duyệt, như: xây dựng, sửa chữa cải tạo nhà văn hóa, cải tạo các hạng mục trường mầm non, THCS, công sở xã và xây dựng đường giao thông... với ngân sách xã dự kiến gần 16 tỷ đồng. Số tiền còn lại xã tiếp tục xin ý kiến của huyện cho xã đầu tư xây dựng thêm các hạng mục công trình xây dựng NTM nâng cao.

Tại xã Xuân Sinh (Thọ Xuân), 46 lô đất tại MBQH số 983, khu dân cư đồng Vũng Cao, thôn Bột Thượng thu về số tiền trúng đấu giá QSDĐ rất cao so với giá sàn ban đầu. Theo dự kiến, nguồn thu này sẽ là nguồn vốn để địa phương thanh quyết toán một số công trình dự án đang triển khai. Tuy nhiên, tình trạng người trúng đấu giá lần lượt bỏ cọc, phải hủy kết quả trúng đấu giá đã khiến địa phương rơi vào cảnh “hụt” thu ngân sách. Hiện tại một số dự án như giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng đã triển khai nhưng địa phương đang gặp khó về nguồn vốn thanh quyết toán với nhà thầu. Bên cạnh đó, do phải đấu giá lại, đồng nghĩa với việc giá trị không thể đạt như trước và lại phải chờ thời gian để người trúng đấu giá hoàn thành nghĩa vụ tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu ngân sách cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn thu từ đấu giá QSDĐ vào ngân sách là nguồn vốn chính để thực hiện các dự án đầu tư mới, nhất là ở thời điểm các địa phương đang tập trung nâng cấp, xây dựng các công trình nhằm tiếp tục củng cố và hoàn thiện các tiêu chí NTM, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu như hiện nay. Tại huyện Nga Sơn, trong 9 tháng năm 2021, toàn huyện đã triển khai nâng cấp 11,32 km đường trục xã, 14,5 km đường trục thôn và ngõ xóm; cứng hóa và kiên cố hóa 17,3 km đường nội đồng, xây dựng 20,8 km rãnh thoát nước khu dân cư; xây dựng mới, nâng cấp 21,25 km kênh mương nội đồng; nâng cấp 9 trường học các cấp với 30 phòng học được xây mới, nâng cấp; chỉnh trang, nâng cấp 4 nhà văn hóa xã, xây dựng chỉnh trang 4 nhà văn hóa, 11 khu thể thao thôn... Để thực hiện các công trình, dự án, hạng mục trên, tổng số vốn huy động xây dựng NTM toàn huyện là 879,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ hơn 27,7 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 100,2 tỷ đồng, ngân sách xã 150,7 tỷ đồng và nhiều nguồn vốn huy động khác.

Thu từ tiền SDĐ luôn được xác định là nguồn thu lớn cho ngân sách, cũng là nguồn lực tài chính quan trọng để tăng nguồn chi đầu tư phát triển, đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vì lẽ đó, khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã “tranh thủ” cơ chế điều tiết ngân sách theo hướng ưu tiên cho cơ sở để tập trung thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án đất ở nông thôn để đấu giá QSDĐ và để có nguồn vốn cho đầu tư xây dựng, có địa phương đã quy hoạch bài bản, khai thác hiệu quả, nhưng cũng có không ít nơi làm một cách ồ ạt, tận thu dẫn đến nhiều hệ lụy.

Công Quang – Việt Hương

Bài 2: Siết chặt quản lý, hạn chế hệ lụy.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]