(Baothanhhoa.vn) - Trước vấn nạn thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư các cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT) nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc phân phối, tổ chức bán hàng và phát triển còn gặp nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển các cửa hàng thực phẩm an toàn còn nhiều khó khăn

Trước vấn nạn thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư các cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT) nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc phân phối, tổ chức bán hàng và phát triển còn gặp nhiều khó khăn.

Phát triển các cửa hàng thực phẩm an toàn còn nhiều khó khăn

Các mặt hàng thực phẩm an toàn được bày bán tại cửa hàng HC farm, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa).

Được biết, hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được bán tại các cửa hàng TPAT đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, một số sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc và xác nhận sản phẩm trong chuỗi cung ứng TPAT... Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi ở một số cửa hàng TPAT trên địa bàn tỉnh, khó khăn chung thường gặp là nguồn cung cấp sản phẩm chưa ổn định, số lượng và chủng loại các mặt hàng như: Rau, củ, quả,.. còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng...Tìm hiểu tại cửa hàng TPAT ITC Food, 51F Mai An Tiêm, phường Lam Sơn (TP Thanh Hoá), chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ cửa hàng cho biết: Các mặt hàng được bán tại cửa hàng có yêu cầu cao về chất lượng VSATTP, tuy nhiên, trên thị trường có nhiều nguồn cung cấp khác nhau, để lựa chọn được sản phẩm theo tiêu chí của cửa hàng không phải dễ... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số nơi có thể cung ứng được sản phẩm có chất lượng, như: HTX rau an toàn Hoằng Hợp, HTX Quảng Thắng; Công ty TNHH Nghiên cứu, phát triển giống đặc sản King Food... Bên cạnh đó, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nơi cung cấp chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng giá cả và số lượng thực phẩm không ổn định. Cũng theo chị Tuyết, so với các chợ truyền thống, các cửa hàng TPAT có chi phí đầu tư cao, như: Tiền thuê mặt bằng, nhân công, thiết bị bảo quản..., thực phẩm được nhập từ những trang trại trồng rau sạch giá cao hơn so với sản xuất theo quy trình thông thường. Vì vậy, giá thực phẩm tại các cửa hàng TPAT luôn cao hơn ở các chợ truyền thống.

Theo tìm hiểu, một trong những khó khăn phát triển các cửa hàng TPAT đó là chưa xây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng, đa số vẫn đang chọn cách mua thực phẩm ở những địa chỉ quen thuộc. Chị Lê Mai Phương, 52 Lạc Long Quân, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), cho biết: “Ngoài lý do về giá cả thì hiện nay không ít người tiêu dùng còn hoài nghi về độ “sạch” của thực phẩm nên chưa mấy tin dùng. Có một số người đánh đồng với các sản phẩm ở các chợ, thậm chí họ còn cho rằng tem chứng nhận rau an toàn có thể mua được”. Một thực trạng có thể dễ dàng nhận thấy là phần lớn người tiêu dùng không quan tâm đến giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ mà chỉ quan sát tem mác trên sản phẩm, điều đó phần nào đã tạo cơ hội cho nhiều cơ sở “giả” tiếp cận thị trường một cách dễ dàng, gây khó khăn cho những cơ sở kinh doanh chân chính. Hơn nữa, trên thị trường, các cửa hàng TPAT chưa có biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tạo niềm tin và cách phân biệt sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng...

Để giải quyết những khó khăn và mở rộng chuỗi các cửa hàng TPAT, đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Cần xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và người kinh doanh. Việc chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng TPAT từ trồng trọt, chăn nuôi đến tay của người tiêu dùng là việc làm cần thiết để tiếp tục phát triển các cửa hàng trong thời gian tới nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường, nắm bắt sản phẩm nào được khách hàng ưa chuộng, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng để đổi mới sản phẩm, nhập bán các loại TPAT phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Để đẩy mạnh việc tiêu thụ, các cửa hàng TPAT cũng cần nỗ lực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội, kinh doanh trực tiếp, hoặc giao hàng tận nhà. Bên cạnh đó, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng đối với thực phẩm sạch cũng là vấn đề cần được quan tâm. Ngoài các giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, ATVSTP,... các cửa hàng cần trang bị thêm thiết bị kiểm tra tại chỗ về các chỉ tiêu của TPAT. Cùng với đó, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cần thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng thực phẩm tại các cửa hàng cũng như nơi sản xuất. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]