(Baothanhhoa.vn) - Trải qua nhiều biến động, thăng trầm, cho đến ngày nay nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn được lưu giữ, kế thừa và ngày càng phát triển. Góp phần quan trọng trong việc “giữ lửa” cho làng nghề không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết đang ngày đêm trao truyền lại “nguồn vốn” quý cho thế hệ sau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người “giữ lửa” nghề truyền thống

Trải qua nhiều biến động, thăng trầm, cho đến ngày nay nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn được lưu giữ, kế thừa và ngày càng phát triển. Góp phần quan trọng trong việc “giữ lửa” cho làng nghề không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết đang ngày đêm trao truyền lại “nguồn vốn” quý cho thế hệ sau.

Những người “giữ lửa” nghề truyền thống

Bà Nguyễn Thị Hội (bên phải), thôn Trường Thành, xã Trường Giang (Nông Cống) vẫn dành trọn “tâm huyết” với nghề làm nón lá.

Theo số liệu thống kê hiện toàn tỉnh có 155 nghề truyền thống, trong đó có 47 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Các làng nghề không chỉ có lịch sử hình thành và phát triển đến vài trăm năm tuổi, mà còn mang đậm nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Từ xa xưa khi nói đến Hoằng Hóa người ta nghĩ đến ngay làng nghề nước mắm Khúc Phụ (xã Hoằng Phụ), hay nghề mộc Hạ Vũ (xã Hoằng Đạt); còn Nga Sơn lại nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói; Nông Cống có nghề làm miến gạo (xã Thăng Long), nghề làm nón lá Trường Giang (xã Trường Giang)...

Thừa hưởng “lửa nghề” từ ông cha, gắn bó với gỗ, với đục, với bào từ khi còn rất nhỏ, chứng kiến biết bao thăng trầm đổi thay của làng nghề; anh Lê Gia Sản, chủ cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ Sản Thúy, thôn Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa), cho biết: nghề mộc ở đây là nghề “cha truyền con nối”. Từ xa xưa, những bàn tay tài hoa của người thợ làm nghề mộc làng Hạ Vũ đã từng có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc với những công trình đình chùa, miếu mạo được chạm khắc điêu luyện, tinh xảo. Đến khi chiến tranh loạn lạc, cũng có lúc người thợ đành buông đục búa để mưu sinh bằng nghề khác, nhưng ngọn lửa nghề của những người thợ chưa bao giờ tắt. Thế nên nghề mộc và sản phẩm mộc Hạ Vũ vẫn sống cho tới bây giờ...

Hơn 20 năm kinh nghiệm làm nghề, đến nay anh Sản không chỉ là chủ của cửa hàng đồ gỗ Sản Thúy nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh, mà cửa hàng anh còn thường xuyên tạo việc làm và dạy nghề cho nhiều lao động địa phương. Theo anh Sản, để làm ra được một bộ sản phẩm gỗ mỹ nghệ chất lượng cao đòi hỏi từ người thiết kế mẫu đến người thực hiện phải có óc thẩm mỹ, tài hoa, kết hợp với kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm của người thợ lành nghề. Để bắt kịp với xu hướng, thị hiếu của thị trường đòi hỏi những người thợ phải tìm tòi, cải tiến kỹ thuật, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi vậy, gia đình anh đã đầu tư mua máy, thiết bị để hỗ trợ công việc, nhằm tạo ra nhiều mẫu mã phong phú, giá thành cạnh tranh hơn. Ngoài các đồ dùng hàng ngày như giường, tủ, bàn ghế, cơ sở của anh còn thiết kế nhiều loại sản phẩm, như: tranh chân dung, hình chim thú, rồng, phượng... Nhờ sự nhạy bén, linh hoạt để thay đổi hướng tiếp cận với khách hàng nên trải qua hơn 20 năm, cơ sở sản xuất của anh ngày càng khẳng định được chỗ đứng vững chắc, góp phần phát triển làng nghề truyền thống của quê hương.

“Bén duyên” với nghề làm nón từ tấm bé, đến nay bà Lê Thị Bân, thôn Trường Thành, xã Trường Giang (Nông Cống) vẫn dành trọn “tâm huyết” cho nghề truyền thống. Vừa tỷ mẫn tạo hình cho những chiếc nón thêm sinh động, bà Bân vừa trò chuyện với chúng tôi: Từ khi mới chỉ 4 - 5 tuổi, tôi đã được mẹ cho làm quen với các công đoạn của nghề làm nón lá. Khi 8 tuổi tôi đã biết khâu nón một cách thành thạo. Đến nay, đã gần 50 năm gắn bó với nghề, công việc làm nón dường như ăn sâu vào trong tâm thức rồi, nên ngày nào tôi không làm là lại như người ốm dở. Nghề làm nón nơi đây không ai nhớ rõ đã có từ khi nào, chỉ biết sinh ra đã có nghề. Trải qua thời gian, cũng có lúc suy, lúc thịnh, nhưng đến nay nón lá Trường Giang vẫn được gìn giữ và phát triển.

Đặc trưng riêng của nón lá Trường Giang là sự hài hòa, cân đối với dạng chóp nhọn, vành rộng vừa phải, vừa mềm mại lại bền chắc, có màu trắng sáng đặc trưng. Để làm ra một sản phẩm - tác phẩm đẹp, bền là cả một nghệ thuật, từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm để hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng rồi bảo quản. Có lẽ nhờ sự tỉ mỉ, khéo léo của những người thợ trong mỗi công đoạn mà nón Trường Giang được rất được nhiều du khách ưa chuộng.

Sinh ra và lớn lên tại làng, luôn mang trong mình một tình yêu sâu sắc với chiếc nón lá quê hương. Bởi thế, không chỉ có bà Bân mà từ người già đến người trẻ, đàn ông hay đàn bà đều thành thục nghề làm nón, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước cùng giữ gìn nghề truyền thống. Bà Nguyễn Thị Hội, một người dân trong làng cho biết: “Với người dân thôn Trường Thành, làm nón vừa để duy trì truyền thống của ông cha lại vừa mang lại lợi ích kinh tế, giải quyết việc làm cho bà con, nhất là những lúc nông nhàn. Cùng với làm nông nghiệp, nghề làm nón đã giúp nhiều gia đình ở địa phương có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đầy đủ”. Mỗi ngày, một người dân ở đây có thể làm được từ 2 - 5 chiếc nón, giá bán bình quân từ 40 - 45 nghìn đồng/chiếc. Nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, thời gian qua nhiều hộ trong làng đã thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Được biết, năm 2014, làng nghề nón lá Trường Giang đã được công nhận làng nghề truyền thống; năm 2015, sản phẩm nón lá Trường Giang vinh dự lọt top 100 thương hiệu nổi tiếng cả nước; năm 2016 sản phẩm cũng đã được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể và từ đó Hiệp hội nón lá Trường Giang được thành lập.

Cơ chế thị trường đã và đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức. Bởi vậy, hơn ai hết vai trò của những người “giữ lửa” ngày càng quan trọng. Bằng tình yêu, tâm huyết đối với nghề ông cha để lại, tin rằng những người thợ ở các làng nghề sẽ làm tốt vai trò là những người kế nghiệp, giữ mãi lửa nghề cho hôm nay và mai sau. Song thiết nghĩ, để phát huy hơn nữa tinh hoa làng nghề, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực từ chính những cá nhân tâm huyết; thì các ngành, các cấp và địa phương cần chung tay vào cuộc. Có như thế, làng nghề mới ngày càng đứng vững và khẳng định được thương hiệu.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]