(Baothanhhoa.vn) - Sản xuất hữu cơ không chỉ tạo ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn ít gây tác động xấu cho môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để thành công với nông nghiệp hữu cơ, các nông trại đã phải rất kiên trì, vượt qua hàng loạt khó khăn, thử thách.

Nhiều rào cản trong phát triển nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất hữu cơ không chỉ tạo ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn ít gây tác động xấu cho môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để thành công với nông nghiệp hữu cơ, các nông trại đã phải rất kiên trì, vượt qua hàng loạt khó khăn, thử thách.

Nhiều rào cản trong phát triển nông nghiệp hữu cơTrang trại hữu cơ Nguyễn Xuân, thôn Xuân Thái, xã Yên Thọ (Yên Định) là trang trại đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chuẩn hữu cơ/organic quốc gia.

Trang trại hữu cơ Nguyễn Xuân, thôn Xuân Thái, xã Yên Thọ (Yên Định) là một trong những trang trại đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chuẩn hữu cơ/organic quốc gia, với sản phẩm bưởi Diễn trên diện tích được chứng nhận 70.000m2, sản lượng khoảng 250 tấn/năm. Anh Nguyễn Xuân Khải - chủ trang trại cho biết: Để đạt tiêu chuẩn hữu cơ/organic quốc gia cho sản phẩm bưởi Diễn, trang trại phải thực hiện 8 không, đó là không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích, không đánh bồn và xáo xới gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây. Quá trình thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ trang trại đã phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) trong thời gian 4 năm. Hàng năm, trang trại được cán bộ, kỹ sư của trung tâm theo dõi, kiểm tra để hoàn thiện các yêu cầu và sản phẩm của trang trại đều được gửi về trung tâm phục vụ việc kiểm định đánh giá. Đến tháng 10-2020, các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm đã đạt và được trung tâm cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ/organic.

Thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, giai đoạn 2020–2030, thời gian qua ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh ban hành để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, đã từng bước hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, bền vững. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ theo các chuỗi giá trị... Ngoài nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, đã huy động được các nguồn vốn khác để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chủ lực, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh mới có 2 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017, đó là Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (Đông Sơn) và trang trại hữu cơ Nguyễn Xuân (Yên Định). Nguyên nhân dẫn đến việc phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, đó là tỉnh ta chưa xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Phần lớn sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ở các địa phương trong tỉnh mới dừng lại ở dạng mô hình hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ, quy mô nhỏ lẻ và đang gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô hàng hóa. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất hữu cơ trên tổng diện tích đất canh tác rất thấp. Việc sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ khó nhân rộng do vốn đầu tư hạ tầng sản xuất ban đầu khá lớn nên chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân tham gia. Người tiêu dùng chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ. Do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, hạ tầng phụ trợ và chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, cung cấp vật tư cho nông nghiệp hữu cơ, như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc trừ sâu... cho nông nghiệp hữu cơ hầu như chưa có, danh mục vật tư đầu vào sử dụng trong sản xuất hữu cơ chưa được ban hành chi tiết. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phức tạp về quy trình sản xuất và giám sát.

Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]