(Baothanhhoa.vn) - 652 tỷ đồng đã được giải ngân sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ (NĐ 67) về một số chính sách phát triển thủy sản. Thế nhưng, hiện nay, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang gặp khó, bởi nhiều ngư dân có tâm lý không muốn trả nợ?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều ngân hàng gặp khó khi thu hồi vốn theo Nghị định 67

652 tỷ đồng đã được giải ngân sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ (NĐ 67) về một số chính sách phát triển thủy sản. Thế nhưng, hiện nay, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang gặp khó, bởi nhiều ngư dân có tâm lý không muốn trả nợ?

Tàu cá của ngư dân phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) được vay vốn đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) thực hiện ký hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới tàu cá theo NĐ 67 nhiều nhất so với các ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh. Khi cho khách hàng vay vốn, ngân hàng đã thẩm định dự án vay vốn theo đúng quy trình, quy định. Cụ thể, thẩm định hiệu quả số chuyến tàu đi biển thực tế trung bình hàng năm, sản lượng khai thác, các chi phí thực tế phát sinh... từ đó xác định doanh thu, nguồn trả nợ. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, Agribank Thanh Hóa không thể kiểm soát được nguồn thu từ khai thác của chủ tàu để thu nợ do tính chất của việc đánh bắt xa bờ. Một nghịch lý đang xảy ra đó là, Agribank Thanh Hóa hiện có gần 600 khách hàng đang vay vốn để đầu tư đóng tàu cá công suất lớn, với dư nợ hơn 610 tỷ đồng theo lãi suất thương mại thông thường và có thế chấp tài sản thì được người vay lại trả lãi, gốc đầy đủ. Trong khi đó, đối với dư nợ cho vay đóng tàu theo NĐ 67 lại phát sinh nợ xấu. Theo đó, tính đến ngày 31-7-2018, Agribank Thanh Hóa đã ký hợp đồng với 38 chủ tàu cá theo NĐ 67, tổng số tiền đã giải ngân đạt hơn 392 tỷ đồng, song mới thu nợ được 16,2 tỷ đồng. Bên cạnh những chủ tàu trả nợ đúng kỳ hạn cam kết, ngân hàng có 11 chủ tàu vay theo NĐ 67 không thực hiện trả nợ gốc, lãi đúng cam kết.

Để tạo điều kiện cho ngư dân, Agribank Thanh Hóa đã phải cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cho ngư dân với số tiền hơn 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, các chủ tàu vẫn cố tình chây ỳ, dẫn đến nợ quá hạn tăng cao, với số tiền 90 tỷ đồng. Tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), có 4 chủ tàu vay vốn theo NĐ 67, hiện dư nợ mỗi tàu từ 14 đến 15 tỷ đồng tại ngân hàng. Dù đã hạ thủy cho tàu khai thác từ năm 2016, nhưng các chủ tàu vẫn khai báo thua lỗ, trốn tránh việc trả nợ cho ngân hàng. Cụ thể, ông Lê Văn Còng, chủ tàu TH91646-TS, khai lỗ gần 700 triệu đồng/năm, đang nợ quá hạn tại ngân hàng gần 450 triệu đồng; ông Trương Đình Sòng, chủ tàu TH91645-TS, khai lỗ hơn 600 triệu đồng/năm, đang nợ quá hạn tại ngân hàng gần 450 triệu đồng; ông Lê Văn Lực, chủ tàu TH 91709-TS, báo lỗ hơn 600 triệu đồng/năm, nợ quá hạn tại ngân hàng gần 300 triệu đồng; ông Đỗ Quang Nam, chủ tàu TH91692-TS, báo lỗ hơn 500 triệu đồng, nợ quá hạn tại ngân hàng gần 250 triệu đồng. Điều đáng nói, mặc dù khai, báo lỗ lớn, nhưng các tàu này vẫn liên tục ra khơi, gây nhiều khó khăn cho cán bộ tín dụng của ngân hàng trong công tác đôn đốc, thuyết phục chủ tàu trả nợ theo cam kết.

Thực hiện NĐ 67, trong gần 4 năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân được vay vốn thực hiện đóng mới, nâng cấp những con tàu hiện đại, công xuất lớn đủ sức để vươn khơi xa khai thác hải sản. Nhờ đó, đến 31-7, toàn tỉnh đã đóng mới 58 tàu cá gồm 23 tàu vỏ gỗ, 35 tàu vỏ thép. Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 58 chủ tàu, tổng số tiền đã giải ngân đạt 652 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng đã ký hợp đồng cho vay vốn lưu động đối với 35 chủ tàu, với dư nợ 20,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng cho vay vốn đóng tàu theo NĐ 67 đang gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ. Toàn tỉnh hiện có 21 tàu cá không thực hiện trả nợ cho ngân hàng theo đúng kỳ hạn. Trong đó, huyện Hậu Lộc 9 tàu, Hoằng Hóa 6 tàu, Nga Sơn 5 tàu, Tĩnh Gia 1 tàu. Theo quy định, để được ngân hàng cho vay vốn, chủ tàu phải cam kết công khai các hợp đồng đầu tư cho ngân hàng giám sát để quản lý dòng tiền, bảo đảm khả năng thu hồi nợ. Song thực tế, rất nhiều ngư dân sau khi khai thác đã bán hết hải sản ở ngoài khơi hoặc bán ở tỉnh khác, khiến ngân hàng cho vay không thể giám sát dòng vốn, không có cơ sở thẩm định việc chủ tàu lỗ hay lãi.

Thực tế, việc một số ngư dân cố tình không trả nợ cho ngân hàng là tình trạng đáng lo ngại, là những rào cản lớn đối với các ngân hàng, vì nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động cho vay là phải bảo đảm khả năng thu hồi vốn. Nếu không khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, thì các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi vốn đã cho vay.

Chủ tàu phải thực hiện đúng theo những cam kết với ngân hàng

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 67), hiện nay, một số tàu vay vốn ngân hàng theo NĐ 67 đã phát sinh nợ quá hạn khiến các ngân hàng gặp khó trong thu hồi nợ.

Bên cạnh các chủ tàu có ý thức tốt trong việc trả nợ, còn có những chủ tàu hoặc có tâm lý trông chờ, chây ì trong việc trả nợ vay ngân hàng, hoặc hoạt động khai thác, kinh doanh không hiệu quả, gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trên địa bàn. Cá biệt, có một số chủ tàu do không muốn trả nợ đã cố tình trốn tránh, không hợp tác với ngân hàng, cung cấp thông tin về doanh thu không trung thực, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ vay...

Để nâng cao chất lượng tín dụng theo NĐ 67, các ngân hàng thương mại cần phối hợp với chủ tàu thực hiện những biện pháp hỗ trợ như điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho khách hàng. Nếu đã thực hiện những biện pháp hỗ trợ nhưng chủ tàu vẫn không trả được nợ, không phối hợp trong việc trao đổi và thống nhất phương án xử lý thì ngân hàng buộc phải tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật. Trường hợp chủ tàu đã vay vốn theo NĐ 67 nhưng không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu cá, hoặc đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động, sẽ bàn giao lại tàu và khoản nợ vay cho chủ tàu mới được UBND tỉnh phê duyệt thay thế.

Tuy nhiên, để giảm tỷ lệ nợ quá hạn theo NĐ 67, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người vay, của từng chủ tàu phải thực hiện đúng theo những cam kết với ngân hàng khi đã được tạo điều kiện cho vay vốn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi.

Nguyễn Thanh An

(Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa)

Hỗ trợ ngân hàng quản lý nguồn thu, hiệu quả sản xuất của các chủ tàu

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 67) về một số chính sách phát triển thủy sản, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển đã tập trung tuyên truyền, khuyến khích ngư dân cải hoán, đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi bám biển khai thác hải sản. Việc một số chủ tàu chây ỳ trả nợ trong thời gian vừa qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu hồi nợ của ngân hàng. Để khắc phục tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn hiện nay cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan trong việc hỗ trợ ngân hàng quản lý nguồn thu, hiệu quả sản xuất của các chủ tàu.

Hiện, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang tăng cường phối hợp với các địa phương ven biển tập trung tuyên truyền, vận động để nâng cao trách nhiệm trả nợ của ngư dân khi đến hạn; thường xuyên theo dõi, cập nhật, quản lý và đề xuất giải pháp để các chủ tàu khai thác hải sản hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chi cục cũng đang tích cực triển khai Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67 để ngư dân tiếp cận các nguồn vốn đóng mới tàu cá có công suất lớn vươn khơi, bám biển khai thác hải sản.

Nguyễn Đức Cường

(Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa)

Cơ sở vật chất hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng được cho tàu cá có công suất lớn

Trong quá trình hoạt động, vẫn còn nhiều tàu cá được đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 67) chưa phát huy được hiệu quả kinh tế trong việc khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng được cho tàu cá có công suất lớn, các cửa lạch ra vào bị bồi lắng, trong đó có Cảng cá Lạch Bạng, khiến cho các tàu có công suất lớn rất khó vào neo đậu, bốc dỡ sản phẩm. Việc bồi lắng tại cảng cá làm cho nhiều tàu cá công suất lớn của huyện Tĩnh Gia phải neo đậu tại các cảng cá của địa phương khác không chỉ tiêu tốn nhiên liệu, mà còn không thể đánh giá được hiệu quả việc khai thác, kinh doanh của các chủ tàu vay vốn theo NĐ 67.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả khai thác của tàu cá đóng mới theo NĐ 67, UBND xã Hải Bình đã tích cực tuyên truyền cho ngư dân đầu tư trang thiết bị cần thiết trên tàu cá cũng như hầm bảo quản sản phẩm sau khai thác. Đồng thời, tạo điều kiện về mặt bằng, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết hỗ trợ ngư dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Được biết, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Xử lý khẩn cấp nạo vét cửa ra vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia”. Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển, đồng thời bảo đảm an toàn cho các phương tiện tàu thuyền, đề nghị các đơn vị liên quan nhanh chóng thực hiện dự án.

Trần Văn Sơn

(Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia)

Ngư dân mong muốn được tiếp tục hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá

Hơn ba năm trước tôi lập phương án vay 5,9 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Tĩnh Gia theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để đóng mới tàu vỏ gỗ làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Sau khi hạ thủy tàu, bình quân mỗi chuyến đi biển (khoảng 20 ngày) tàu của tôi lãi khoảng gần 100 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 8 lao động địa phương. Được vay vốn ưu đãi của ngân hàng, tôi luôn xác định đây là vốn vay, đã vay thì phải trả nợ. Bình quân mỗi tháng tôi phải trả gần 6 triệu đồng tiền lãi và hơn 20 triệu tiền gốc và không để xảy ra nợ quá hạn với ngân hàng. Bởi tôi nghĩ ngân hàng đã tin tưởng tạo đồng vốn cho gia đình tôi phát triển kinh tế thì mình cũng phải giữ uy tín, trả nợ đúng hạn.

Tuy nhiên, tôi được biết tới đây, ngư dân sẽ không được hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá nữa, nếu phải bỏ 100% phí mua bảo hiểm thì sẽ gặp nhiều khó khăn nếu mỗi năm phải bỏ ra hàng trăm triệu tiền bảo hiểm. Do vậy ngư dân mong muốn UBND tỉnh kiến nghị lên các bộ, ngành Trung ương ban hành chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho tàu cá để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển khai thác hải sản.

Bùi Văn Minh

(Chủ tàu TH 91729-TS, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia)


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]