(Baothanhhoa.vn) - Vốn chỉ là một sản phẩm hỗ trợ điều trị, tăng cường sức khỏe, tuy nhiên, một số doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đã cố tình thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng (TPCN) để tăng giá, thu lợi. Bên cạnh đó, các loại TPCN không rõ nguồn gốc cũng xuất hiện ngày càng nhiều dưới vỏ bọc hàng hóa “xách tay”. Trong khi công tác kiểm soát còn hạn chế, bất cập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kiểm soát thực phẩm chức năng còn khó khăn, lúng túng

Vốn chỉ là một sản phẩm hỗ trợ điều trị, tăng cường sức khỏe, tuy nhiên, một số doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đã cố tình thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng (TPCN) để tăng giá, thu lợi. Bên cạnh đó, các loại TPCN không rõ nguồn gốc cũng xuất hiện ngày càng nhiều dưới vỏ bọc hàng hóa “xách tay”. Trong khi công tác kiểm soát còn hạn chế, bất cập.

Quản lý thực phẩm chức năng - cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra Sở Y tế kiểm tra một quầy thuốc tại huyện Nga Sơn.

Bán tràn lan nhưng khó kiểm soát

Vài năm gần đây, TPCN được mua một cách dễ dàng. Từ các hiệu thuốc, các cửa hàng kinh doanh tổng hợp đến mạng xã hội đều có bán các mặt hàng TPCN. Đa dạng về chủng loại là điều người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy khi tìm hiểu về mặt hàng này. Từ các loại thuốc bổ xương khớp, bổ gan cho người già đến collagen giúp đẹp da, ngăn ngừa lão hóa, thực phẩm giúp trẻ tăng chiều cao, ăn ngon, ngủ ngon, thậm chí có cả những loại TPCN được quảng cáo là hỗ trợ điều trị ung thư... đều được bày bán, quảng cáo một cách công khai.

Bên cạnh các mặt hàng có xuất xứ trong nước, nhiều loại TPCN có xuất xứ từ nước ngoài, được quảng cáo với những lời lẽ “có cánh” trên mạng xã hội. Một số công ty còn thực hiện phân phối các mặt hàng này theo hình thức đa cấp, đa cấp trá hình thông qua hoạt động hội thảo, tư vấn sức khỏe để bán TPCN không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Không ít công ty vì lợi nhuận và lợi dụng tâm lý “sính ngoại” đã “thần thánh hóa” công dụng của sản phẩm, bán hàng với giá cao gấp nhiều lần thực tế, gây thiệt hại kinh tế cho nhiều người tiêu dùng.

Mặc dù hoạt động mua bán TPCN trên thị trường tỉnh khá sôi động. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này dường như chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những khó khăn chính mà các lực lượng chức năng đưa ra là do lực lượng mỏng và thiếu thiết bị kiểm tra!? Đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Mặc dù trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất TPCN; tuy nhiên hoạt động buôn bán, kinh doanh TPCN những năm gần đây có sự phát triển đột biến. Đơn vị cũng đã lồng ghép các nội dung kiểm tra về TPCN trong các kế hoạch kiểm tra thuốc tân dược. Tuy nhiên, khâu hậu kiểm, kiểm soát chất lượng TPCN rất khó thực hiện. Một phần do thiếu thiết bị kiểm tra, một phần do TPCN thuộc chuyên ngành lĩnh vực y tế nên khi kiểm tra chỉ có thể kiểm soát giấy tờ lô hàng, nguồn gốc xuất xứ chứ không thể nhận biết chất lượng sản phẩm bằng mắt thường. Trong khi đó, công tác kiểm định, kiểm nghiệm tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Một vấn đề nan giải nữa là việc kiểm soát TPCN “xách tay” rất khó vì các giao dịch chủ yếu được thực hiện trên mạng xã hội.

Hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái

Không thể phủ nhận vai trò của TPCN đối với sức khỏe, TPCN có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh tật và hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, người dân cần hiểu đây chỉ là sản phẩm bổ trợ chứ không phải thuốc. Khi mắc bệnh, tuyệt đối không được từ bỏ thuốc mà chỉ dùng TPCN để hỗ trợ trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, phải tìm hiểu, mua sản phẩm ở những địa chỉ tin cậy. Không nên mua những loại TPCN không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi trên thị trường vì nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng là rất cao.

Thực tế, để quản lý thị trường TPCN, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43/2014/TT-BYT. Theo thông tư này, tại các quầy thuốc, TPCN phải có khu bày bán riêng để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đồng thời, quy định cụ thể việc ghi nhãn đối với từng loại TPCN, như: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt. Việc quảng cáo TPCN trên phương tiện thông tin đại chúng phải được kiểm định về nội dung và có dòng chữ chú ý “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện các khu bày bán riêng mới chỉ được thực hiện tại số ít nhà thuốc lớn. Đa số, các loại TPCN đều được bày bán chung với các loại dược phẩm, dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vì lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh TPCN cao nên nhiều doanh nghiệp cũng bất chấp các quy định của pháp luật để quảng cáo sai sự thật, cường điệu hóa công dụng của sản phẩm. Theo thống kê của Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, trong số những vi phạm về lĩnh vực quản lý TPCN đã được phát hiện, xử lý, có tới hơn 50% là vi phạm liên quan đến quảng cáo, như: Quảng cáo khi chưa được cơ quan y tế thẩm định nội dung, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt.

Với sự phát triển “nóng” của thị trường TPCN hiện nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cần xây dựng kế hoạch, vào cuộc mạnh mẽ hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Người tiêu dùng cũng cần chủ động trong việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin sản phẩm khi có nhu cầu sử dụng để tránh rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.


Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]