(Baothanhhoa.vn) - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XVII ngày 9-7, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Chương trình 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 11 huyện miền núi giai đoạn 2015 - 2017.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kết quả giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất ở các huyện miền núi

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XVII ngày 9-7, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Chương trình 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 11 huyện miền núi giai đoạn 2015 - 2017.

Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tham quan mô hình sản xuất nuôi trâu sinh sản tại xã Xuân Thái, huyện Như Thanh.

Góp phần thay đổi tập quán sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Để triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09/ NQ - TU ngày 4-11-2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở miền núi; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 66/2017/ NQ - HĐND ngày 12-7-2017 Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn sự nghiệp giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2017 - 2020.

Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XVII, thời gian qua Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Chương trình 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 11 huyện miền núi giai đoạn 2015 - 2017 tại nhiều địa phương khu vực miền núi.

Kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy trên cơ sở Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 66 của HĐND tỉnh, các cấp, các ngành đều đã quán triệt, tuyên truyền triển khai, ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện; hướng dẫn chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đảm bảo đúng quy định pháp luật. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững được nâng lên. Việc lựa chọn nội dung, đối tượng thụ hưởng đảm bảo công khai, dân chủ, đúng theo các văn bản hướng dẫn. Việc hướng dẫn lựa chọn nội dung hỗ trợ định hướng xây dựng mô hình sản xuất cơ bản phù hợp với điều kiện của địa phương; đáp ứng như cầu và khả năng sản xuất của các hộ nghèo, cận nghèo xuất phát từ nhu cầu và sự lựa chọn của người dân. Nội dung hỗ trợ thiết thực, giảm dần hỗ trợ trực tiếp theo hình thức cấp phát cho không chuyển dần sang hỗ trợ thông qua dự án, mô hình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Việc triển khai đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo nên chuyển biến rõ nét về việc thay đổi tập quán sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, miền, từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện cả về sinh kế và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Giai đoạn 2015 - 2017, tổng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 30a là 200.952 triệu đồng; từ Chương trình 135 là 108.971 triệu đồng và từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho 11 huyện miền núi là 32.398 triệu đồng.

Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 30a đã hỗ trợ chăm sóc, giao khoán, bảo vệ rừng là 473.601 ha, kinh phí hỗ trợ 88.498 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 35.835 hộ, kinh phí hỗ trợ 99.813 triệu đồng; hỗ trợ tập huấn, truyền nghề cho 74 lớp, kinh phí thực hiện 729 triệu đồng, hỗ trợ vắc - xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm 4.946 liều vắc xin các loại, kinh phí 7.712 triệu đồng, hỗ trợ trạm khuyến nông huyện xây dựng 26 mô hình chăn nuôi và trồng trọt, kinh phí 4.200 triệu đồng.

Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 135 đã hỗ trợ giống phân bón, giống gia súc, gia cầm, hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi, giống thủy sản, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, tham quan, học tập các mô hình... cho 29.837 lượt hộ gia đình tham gia, với kinh phí hỗ trợ 108.542 triệu đồng.

Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các đơn vị đã lựa chọn xây dựng trên 300 mô hình phát triển sản xuất, một số địa phương đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp như: mô hình cơ giới hóa nông nghiệp của các hợp tác xã Cẩm Tâm, Cẩm Lương, Cẩm Tú huyện Cẩm Thủy; mô hình mạ khay cấy, phân viên nén dúi sâu huyện Như Thanh; mô hình trồng vầu, trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở huyện Quan Sơn; mô hình chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản ở các huyện miền núi.

Nguồn vốn đầu tư còn dàn trải, phân tán

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng cho thấy quá trình triển khai thực hiện các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình còn có những hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục.

Trong đó, việc định hướng lựa chọn một số nội dung hỗ trợ chưa phù hợp với điều kiện về trình độ, khả năng sản xuất của hộ nghèo, công tác hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế. Đầu tư còn dàn trải, phân tán nên hiệu quả thấp. Đơn cử như mô hình trồng cây ăn quả (cam, quýt, bưởi, khoai mán); chăn nuôi lợn nái ngoại, nuôi ong lấy mật, nuôi thỏ, gà, vịt, chim trĩ, bồ câu pháp... . Một số mô hình kết thúc dự án là chấm dứt như: trồng cây giảo cổ lam ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước; nuôi lợn ở bản Phé, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa; nuôi thỏ New Zealand ở xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn; nuôi dê, trồng bưởi ở xã Luận Khê, huyện Thường Xuân, nuôi gà ri ở xã Phúc Đường, huyện Như Thanh; trồng chuối tiêu hồng ở huyện Như Xuân...

Đáng chú ý là công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nơi người dân chưa biết các nội dung chính sách được hỗ trợ nên còn thờ ơ, thụ động trong việc thực hiện, chưa thật sự tâm huyết, trách nhiệm đối với tài sản, hiện vật được hỗ trợ.

Việc rà soát, bình xét đối tượng thụ hưởng có nơi còn thiếu chính xác, phê duyệt trùng đối tượng như ở các huyện Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn; hỗ trợ sai đối tượng về chia đều giống, phân bón cho tất cả các hộ trong thôn như ở các huyện Quan Sơn, Quan Hóa. Nhiều nơi hỗ trợ tiền mua giống cây trồng, vật nuôi chưa đúng định mức, có hộ được nhiều, có hộ được ít so với quy định, có nơi lại hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo định mức bằng nhau hoặc lại quá định mức hỗ trợ, như ở Quan Hóa, Cẩm Thủy, Bá Thước...

Qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng chỉ rõ: Việc hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ dân còn rất hạn chế, làm việc nặng hành chính, thiếu sâu sát cơ sở. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số huyện còn chung chung, chưa thật sự quyết liệt, công tác kiểm tra, giám sát , sơ kết tổng kết chưa thường xuyên. Việc quản lý tài sản sau khi hỗ trợ cho đối tượng còn buông lỏng, để cho đối tượng sử dụng không đúng cam kết, sai mục đích nguồn vốn hỗ trợ, tự ý bán hoặc giết mổ vật nuôi như ở Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn... Khả năng duy trì các mô hình sản xuất và việc nhân rộng mô hình giảm nghèo còn thấp.

Qua các cuộc giám sát, nhiều địa phương cũng phản ánh việc giao vốn hàng năm rất chậm, gần cuối năm mới giao vốn về đến các xã, nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện do thời điểm này không còn phù hợp với thời vụ gieo trồng và điều kiện chăn nuôi. Việc giao kinh phí, hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí có nội dung chưa hợp lý khi một số huyện chỉ đạo việc mua trâu, bò sinh sản phải có hóa đơn đỏ mới được thanh quyết toán... Bên cạnh đó, nhiều nơi các hộ nghèo không có khả năng đối ứng để tham gia thực hiện chính sách do yêu cầu nguồn đối ứng còn cao.

Nên nghiên cứu tích hợp một số chương trình để thực hiện

Qua giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đề xuất với HĐND tỉnh có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ nên nghiên cứu, tích hợp 2 Chương trình 30a, Chương trình 135 vào 1 chính sách chung để tránh dàn trải và phân tán nguồn lực, thuận lợi trong thực hiện ; tăng định mức hỗ trợ các chính sách để phù hợp với điều kiện thực tế trong giai đoạn hiện nay. Ban hành hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, nội dung, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng 135, vùng bãi ngang ven biển.

Đề nghị HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân và doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sạch trên địa bàn miền núi, có chính sách hỗ trợ tiền công tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm.

Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn triển khai thực hiện thống nhất nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững 2018 - 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phân bổ nguồn vốn kịp thời ngay từ đầu năm để phù hợp với thời vụ sản xuất. Chỉ đạo tổng kết đánh giá hiệu quả các mô hình sản xuất để nhân ra diện rộng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm nguồn vốn chương trình được thực hiện hiệu quả, thiết thực.

Đối với các huyện miền núi cần triển khai tổng kết, đánh giá toàn diện các dự án mô hình đã và đang triển khai, xác định rõ mô hình hiệu quả, không hiệu quả, nguyên nhân để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thôn, bản và đối với đối tượng được thụ hưởng nhằm thực hiện chính sách có hiệu quả, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

Quá trình thẩm định, phê duyệt dự án phải bảo đảm đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách. Chỉ đạo các xã, thị trấn quản lý tốt đối với tài sản cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất đã được đầu tư, hỗ trợ, đúng với quy định; xây dựng quy chế quản lý, cam kết ràng buộc trách nhiệm đối với các chủ hộ. Kiên quyết thu hồi vốn nếu để xảy ra sai phạm.


Hồng Hạnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]