(Baothanhhoa.vn) - Tình trạng sạt lở bờ sông Mã đoạn qua xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy) đã xảy ra từ nhiều năm, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân, thậm chí có đoạn sạt lở vào đất khu dân cư, nguy cơ đe dọa đến nhà ở của các hộ dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp nào để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông Mã, đoạn qua xã Cẩm Vân?

Tình trạng sạt lở bờ sông Mã đoạn qua xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy) đã xảy ra từ nhiều năm, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân, thậm chí có đoạn sạt lở vào đất khu dân cư, nguy cơ đe dọa đến nhà ở của các hộ dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Sạt lở bờ sông Mã đoạn qua thôn Vân Trai, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy).

Theo phản ánh của một số người dân, chúng tôi đã về xã Cẩm Vân. Được biết, xã có khoảng 7 km đường sông cả hai bên bờ tả, hữu.

Dẫn chúng tôi đến những đoạn sông bị sạt lở tại bãi sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Vân Trai, ông Nguyễn Ngọc Văn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Vân Trai, cho biết: Tình trạng sạt lở bờ sông đoạn qua thôn Vân Trai đã xảy ra từ lâu, nhưng mấy năm gần đây, tốc độ diễn ra nhanh hơn, có đoạn ăn sâu vào đất nông nghiệp hàng chục mét. Từ năm 2012 đến giữa năm 2017, do hoạt động khai thác cát trên tuyến sông này diễn ra rầm rộ, cộng thêm nhiều đợt mưa lũ, xả nước của nhà máy thủy điện, có đợt nước ngập trắng cánh đồng, nước rút là cuốn trôi theo hoa màu và đất nông nghiệp của người dân.

Tại thôn Quan Bằng, nơi có 108 hộ dân đang sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở bờ sông, trong đó có 25 hộ bị ảnh hưởng đến diện tích đất ở. Bà Phạm Thị Oanh than thở: Nhà bà trước đây có khoảng 1.500m2 đất ở, đất vườn thì nay đã mất hơn 500m2. Trước đây, phía bờ sông có cả rặng tre ven sông, đường hành lang để xe vào khai thác mía trong vườn, nhưng giờ sạt lở đã vào tận vườn. Nhất là đợt lũ lụt cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa rồi, nước sông dâng cao sát mép nền nhà, nước rút thì bờ cũng sạt nghiêm trọng. Bà Oanh lo lắng nếu cứ theo đà này, chẳng mấy mùa mưa bão nữa, sạt lở sẽ vào tận nhà ở, mà gia đình bà với các hộ xung quanh chỉ làm nông nghiệp thuần túy, cuộc sống khó khăn, lấy đâu ra tiền mà mua đất chuyển đi nơi khác.

Ông Đồng Văn Ngọc, Trưởng thôn Quan Bằng cho biết: Hai năm trở lại đây, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn, có những hộ dân, bờ sạt chỉ còn cách nhà ở khoảng 5-6m. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, có phương án kè bảo vệ đất ở cho người dân.

Ông Trương Công Hòa, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân đánh giá: Việc sạt lở đất trên đoạn sông Mã qua địa bàn xã Cẩm Vân xảy ra từ nhiều năm nay, do quy luật bên lở, bên bồi. Tính đến khoảng giữa tháng 8-2018, chiều dài sạt lở bờ sông khoảng 3,6 km, có 6 điểm sạt lở. Trước kia tốc độ sạt lở diễn ra chậm, nhưng những năm gần đây, tình trạng này diễn ra nhanh hơn, nhất là những năm nước lũ dâng cao, có đoạn dòng nước chảy siết gây sạt lở nặng. Riêng đợt lũ lụt cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, địa phương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy nhiên vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể diện tích bị ảnh hưởng. Để giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở bờ sông, chính quyền địa phương đã đề nghị các cơ quan chức năng cho gia cố, kè tuyến bờ sông trên địa bàn xã.

Theo tìm hiểu, người dân ở đây cho biết, dự án gia cố, kè tuyến bờ sông ở một số đoạn trên địa bàn xã Cẩm Vân cũng đã được chấp thuận chủ trương, tuy nhiên ở thời điểm khoảng năm 2012, khi thực hiện cắt giảm đầu tư công thì việc thực hiện dự án phải dừng lại. Và, diện tích đất nông nghiệp, đất ở của người dân cứ thế bị cuốn theo dòng nước. Điều đáng nói, nhiều ý kiến người dân ở xã Cẩm Vân cho rằng, tình trạng các mỏ cát được cấp phép khai thác dày đặc, rầm rộ trên tuyến sông Mã đoạn qua xã Cẩm Vân, Cẩm Tân và một số xã lân cận những năm gần đây là nguyên nhân góp phần làm cho tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng thêm. Riêng với xã Cẩm Vân, chỉ hơn 1 km sông mà có tới 3 mỏ khai thác cát số 45, 46, 47 được cấp phép khai thác từ năm 2012. Chỉ đến khoảng giữa năm 2017, thì hoạt động khai thác cát mới dừng lại do các mỏ cát hết thời hạn được cấp phép.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, tháng 9-2018, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, đánh giá tình hình sạt lở đất bờ sông Mã, đoạn qua xã Cẩm Vân, Cẩm Tân. Theo đó, tại Công văn số 6136/STNMT-TNKS ngày 1-10-2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường, kết luận: Tại bờ sông Mã thuộc xã Cẩm Vân có 4 điểm sạt lở tại thôn Đồi Vàng, Vân Trai, Eo Lê, Quan Bằng với tổng chiều dài khoảng 2.850m, vách sạt lở cao từ 2-4m so với mặt nước, sạt lở vào đất canh tác, đất ở của nhân dân. Tại bờ sông Mã thuộc xã Cẩm Tân không có hiện tượng sạt lở bờ sông. Cũng tại văn bản này, ý kiến của UBND huyện Cẩm Thủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Hiện tượng sạt lở bờ sông đoạn qua xã Cẩm Vân đã xảy ra từ nhiều năm nay, kể cả trước khi các mỏ được cấp phép khai thác cát, nhất là vào thời gian ảnh hưởng của mùa mưa lũ. Vì vậy, sơ bộ có thể nhận định nguyên nhân chính gây sạt lở bờ, bãi sông ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân là do ảnh hưởng của dòng chảy, mưa lũ, chưa có cơ sở khẳng định do khai thác cát tại mỏ 45, 46, 47 gây ra. Tổng hợp ý kiến của các ngành và địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải lập phương án bảo đảm an toàn đối với bờ, bãi sông gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi trình hồ sơ gia hạn giấy phép khai thác. Hiện nay, các đơn vị đã lập hồ sơ thăm dò phê duyệt trữ lượng, chưa lập hồ sơ cấp phép khai thác, chưa lập phương án an toàn đối với bờ, bãi sông, do đó chưa cấp phép khai thác cho các đơn vị.

Trước thực tế tình trạng sạt lở nghiêm trọng đã và đang diễn ra, người dân xã Cẩm Vân đang thấp thỏm lo âu và mong muốn các ngành chức năng cần nghiêm túc đánh giá lại hiện trạng, nguyên nhân gây sạt lở để đưa ra phương án phòng, chống phù hợp, hạn chế tình trạng sạt lở bờ, bãi sông nhằm bảo vệ đất ở, đất nông nghiệp lâu dài cho người dân, tránh gây thêm những dư luận không tốt tại địa phương.


Bài và ảnh: Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]