(Baothanhhoa.vn) - Chiều 3–5, Đoàn Công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về tình hình phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 09/NQ-TW, ngày 9 – 2 - 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương khảo sát và làm việc về tình hình phát triển kinh tế biển tại Thanh Hóa

Chiều 3–5, Đoàn Công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về tình hình phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 09/NQ-TW, ngày 9 – 2 - 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tiếp và làm việc với đoàn. Cùng tham gia buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh...

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo kết quả phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hơn 10 năm qua, Thanh Hóa đã thực hiện có hiệu quả lĩnh vực kinh tế biển và ven biển trên nhiều ngành nghề. Về khai thác và chế biến hải sản, tỉnh chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng nghề cá để ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác hiệu quả nguồn lợi hải sản. UBND tỉnh đã phê duyệt chính sách tín dụng cho 65 chủ tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh phát triển được 7.428 tàu cá khai thác hải sản với tổng công suất gần 561.500 CV. Sản lượng hải sản khai thác của tỉnh liên tục tăng qua các năm: 74.368 tấn năm 2011 lên 109.039 tấn năm 2017.

Trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, trên địa bàn tỉnh có Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được triển khai từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, đến nay đã xuất xưởng lô sản phẩm thương mại đầu tiên. Sau khi vận hành 100% công suất thiết kế với 10 triệu thùng dầu thô/năm, dự án sẽ đáp ứng khoảng 40% xăng dầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp cho tăng trưởng của đất nước. Về phát triển du lịch biển, tỉnh đã và đang có nhiều dự án lớn đầu tư, nhất là dự án sân Golf và Khu nghỉ dưỡng Quốc tế FLC Samson Golflinks với tổng mức đầu tư gần 5.500 tỷ đồng tại TP Sầm Sơn. Giai đoạn 2007 – 2017, có 28 dự án du lịch đầu tư vào vùng ven biển của tỉnh, góp phần tăng lượng khách du lịch giai đoạn này lên 30,58 triệu lượt khách. Hiện tỉnh đã có quy hoạch và kêu gọi đầu tư dự án du lịch tại đảo Mê, nhiều vùng ven biển của tỉnh.

Việc xây dựng các khu kinh tế ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển được tỉnh thực hiện khá hiệu quả, nhất là Khu Kinh tế Nghi Sơn đã có 138 dự án đầu tư, trong đó 35 dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả. Về kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế hàng hải, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải, các khu bến dịch vụ, các cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá... Đến nay, đã đưa vào sử dụng 3 cảng cá, 4 bến cá, 3 âu trú bão; đang tiếp tục đầu tư một khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền. Hệ thống cảng biển tại Nghi Sơn phát triển mạnh với nhiều khu bến đã đưa vào sử dụng.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến cho rằng, đến năm 2020, Thanh Hóa có nhiều khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu theo Nghị quyết 09/NQ-TW. Thời gian tới, đồng chí đề nghị Trung ương cần chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW ở mức độ cao hơn bởi biển chính là cửa ngõ của Việt Nam ra thế giới, dựa vào biển để phát triển kinh tế nhanh và hiệu quả, sau đó đầu tư trở lại cho phát triển miền núi, phát triển nông nghiệp... Trung ương nên cân đối một nguồn lực nhất định để đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng ven biển, từ đó giúp phát triển kinh tế biển và ven biển. Trước mắt, cần ưu tiên hiện đại hệ thống giao thông đường bộ (trong đó cần hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ ven biển qua Thanh Hóa, Ninh Bình...); phát triển hệ thống cảng biển nhưng có trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải; đầu tư hệ thống đê biển và âu tránh trú bão cho tàu thuyền, hạ tầng du lịch, trong đó hỗ trợ xây dựng các hệ thống giao thông lớn đến các khu du lịch... Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng kiến nghị với đoàn công tác vấn đề hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ; nghiên cứu hỗ trợ các tỉnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm để nâng cao đời sống nhân dân ven biển. Với công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, đồng chí đề nghị Trung ương giúp các địa phương trang bị các phương tiện hiện đại để có thể ứng cứu kịp thời ngư dân khi có yêu cầu...

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá cao Thanh Hóa trong thực hiện nghị quyết với tinh thần nghiêm túc, bài bản, có chủ trương, có cơ chế, chính sách riêng, bố trí nguồn lực, trở thành một trong những tỉnh thực hiện nghị quyết rất thành công, có hiệu quả hàng đầu trong các tỉnh ven biển trên cả nước. Hiếm có tỉnh nào mà kinh tế biển và ven biển chiếm từ 53% đến 55% tỷ trọng cơ cấu kinh tế như Thanh Hóa, từ đó tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương. Một mục tiêu khó mà nhiều địa phương không đạt là tăng thu nhập của người dân ven biển gấp đôi bình quân chung của tỉnh, thì Thanh Hóa cũng đã đạt được.

Tuy nhiên, đồng chí Cao Đức Phát cũng thẳng thắn nêu ra hạn chế, thách thức, còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết; đồng thời đề nghị tỉnh cần triển khai nhiệm vụ quyết liệt hơn để đưa kinh tế biển phát triển ở tầm cao hơn. Riêng 3 lĩnh vực: Công nghiệp ven biển, du lịch, thủy sản cần tiếp tục khơi dậy tiềm năng để phát triển hơn nữa. Về quy hoạch phát triển kinh tế biển và ven biển, tỉnh cũng cần tính toán để có sự phát triển bền vững, không làm ô nhiễm môi trường; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để huy động tốt hơn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển; quan tâm nhiều hơn đến đào tạo nhân lực, tạo ra cơ hội việc làm cho cư dân vùng biển... Về những ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh, thay mặt đoàn công tác, đồng chí Cao Đức Phát tiếp thu và sẽ báo cáo với Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương liên quan.

Đoàn công tác khảo sát và tìm hiểu tỉnh hình phát triển sản xuất tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã đi khảo sát thực tế tình hình phát triển kinh tế biển tại huyện Tĩnh Gia và Khu Kinh tế Nghi Sơn. Cùng tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, huyện Tĩnh Gia.

Đồng chí Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc của đoàn công tác với lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp tỉnh và huyện Tĩnh Gia.

Tại đây, đoàn công tác đã làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia về tình hình phát triển du lịch ven biển, phát triển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội của người dân vùng biển huyện Tĩnh Gia.


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]