(Baothanhhoa.vn) - Theo các chuyên gia trên lĩnh vực thương mại bán lẻ, để phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nhanh và bền vững, bắt kịp xu hướng, cần hội tụ các yếu tố như: hạ tầng kỹ thuật internet đủ nhanh, mạnh, bảo đảm truyền tải các nội dung thông tin bao gồm âm thanh, hình ảnh.

Cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Theo các chuyên gia trên lĩnh vực thương mại bán lẻ, để phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nhanh và bền vững, bắt kịp xu hướng, cần hội tụ các yếu tố như: hạ tầng kỹ thuật internet đủ nhanh, mạnh, bảo đảm truyền tải các nội dung thông tin bao gồm âm thanh, hình ảnh.

Cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển thương mại điện tửThanh toán tiện lợi qua POS tại hệ thống TokyoLife.

Về pháp lý, cần có luật về TMĐT công nhận tính pháp lý của các chứng từ điện tử, các hợp đồng điện tử ký qua mạng; có luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ sự riêng tư, bảo vệ người tiêu dùng... để điều chỉnh các giao dịch qua mạng. Đồng thời, phải có cơ sở thanh toán điện tử an toàn bảo mật như thanh toán qua thẻ, thanh toán qua EDI... Các ngân hàng phải triển khai hệ thống thanh toán điện tử rộng khắp; có hệ thống cơ sở chuyển phát hàng nhanh chóng, kịp thời và tin cậy; có nhân lực am hiểu kinh doanh, công nghệ thông tin, TMĐT để triển khai tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến, bán hàng và thanh toán qua mạng.

Theo những dữ liệu điều kiện trên, tỉnh Thanh Hóa có thể được nhận định là một trong những địa phương có hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và đầu tư hạ tầng TMĐT phục vụ sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu các sản phẩm hàng hóa khá phát triển. Từ đó, đưa TMĐT trở thành kênh giao dịch tiện lợi cho người mua, người bán trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiện nay, hệ thống viễn thông internet của Thanh Hóa đảm bảo triển khai tốt các ứng dụng về thông tin điện tử. Các hình thức thanh toán điện tử phổ biến gồm: thanh toán thông qua thẻ (POS, ATE...), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động. Theo đó, phát triển TMĐT đã mang lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp, thông qua kênh phân phối trên sàn TMĐT. Việc ứng dụng CNTT và phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tốt.

Đến nay, các tiêu chuẩn trao đổi, thu thập dữ liệu được ứng dụng trong hầu hết các giao dịch TMĐT, loại hình doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) tại Thanh Hóa. Đã có 70% doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng thư điện tử trong giao dịch và trao đổi thông tin; 50% doanh nghiệp có website riêng, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 35% doanh nghiệp tham gia website, TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; 10% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý và kinh doanh.

Hiện nay, 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ qua phương tiện điện tử; 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử; 20% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, như: vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển kênh giao dịch điện tử và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sử dụng hình thức không tiền mặt, thanh toán tiền mua xăng dầu qua thẻ Flexicard...

Tỉnh Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 100% doanh nghiệp có website được cập nhật đầy đủ thông tin về giới thiệu, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 100% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ. Thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian chiếm 80%; 60% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT và các hoạt động của đơn vị; 70% các giao dịch mua hàng trên website TMĐT của doanh nghiệp có hóa đơn điện tử; 50% số xã, phường, thị trấn có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.

Hiện nay, Sở Công Thương Thanh Hóa đang phối hợp với các đơn vị tích cực phổ biến, tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực TMĐT cho đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, mở các lớp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng như tin học văn phòng, quản trị mạng, các nghiệp vụ chuyên ngành TMĐT... Ngành công thương tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT; xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp tự triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình tiên tiến; cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá marketing hiệu quả trên website. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT nhằm trao đổi, quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Bách Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]