(Baothanhhoa.vn) - Nhận định rõ những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CĐCCCT), ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã, đang tập trung làm rõ những nguyên nhân. Trên cơ sở đó, hoạch định các nhóm giải pháp đồng bộ và xây dựng lộ trình CĐCCCT hiệu quả, bền vững trong giai đoạn tới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - những vấn đề đặt ra: Cho một lộ trình bền vững

Nhận định rõ những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CĐCCCT), ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã, đang tập trung làm rõ những nguyên nhân. Trên cơ sở đó, hoạch định các nhóm giải pháp đồng bộ và xây dựng lộ trình CĐCCCT hiệu quả, bền vững trong giai đoạn tới.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - những vấn đề đặt ra: Cho một lộ trình bền vững

Diện tích CĐCCCT trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được liên kết bao tiêu sản phẩm tại xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa). Ảnh: Hương Thơm

Việc CĐCCCT ở hầu hết các địa phương chưa gắn với tích tụ, tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hơn nữa, những diện tích nằm trong vùng CĐCCCT đa phần là điều kiện sản xuất khó khăn, hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài ra, ở khu vực miền núi, phần lớn diện tích được chuyển đổi là vùng đồi, dốc, địa hình bất thuận, không chủ động được nguồn nước tưới, cơ sở hạ tầng yếu kém.

Tại một số địa phương, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ về nguyên nhân khiến việc CĐCCCT chưa đạt được hiệu quả, mục tiêu như mong muốn. Ông Lê Trọng Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa, chia sẻ: Sau nhiều năm thực hiện CĐCCCT, đến nay, huyện vẫn chưa thể xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nên việc CĐCCCT thiếu bền vững. Nguyên nhân là do, diện tích đất thuộc diện chuyển đổi manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu được thực hiện linh hoạt theo năm hoặc theo vụ, nhất là đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả kinh tế, để khi cần thiết có thể trở lại sản xuất lúa. Bên cạnh đó, ở hầu hết các diện tích được chuyển đổi, hệ thống kết cấu hạ tầng đã được đầu tư, cải tạo song nguồn lực hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc đưa các cây trồng hàng hóa vào sản xuất quy mô lớn. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện, một bộ phận người dân còn e ngại việc chuyển đổi cây trồng, việc thực hiện chuyển đổi không đồng đều giữa các hộ gây khó khăn cho quá trình bảo vệ và chăm sóc cây trồng. Điều kiện thời tiết những năm gần đây diễn biến thất thường, không theo quy luật, thiên tai thường xuyên xảy ra cũng đã làm ảnh hưởng đến lộ trình và định hướng CĐCCCT của huyện.

Chia sẻ về những khó khăn trong CĐCCCT của địa phương, Ông Lương Văn Phúc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Lang Chánh, cho biết: Từ năm 2017, huyện đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để đưa cây khoai tây vào trồng trên diện tích chuyển đổi theo hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, mô hình bị thất bại bởi sản phẩm thu được không đạt được năng suất và chất lượng như tiêu chuẩn đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ canh tác, khả năng tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp của người dân hạn chế và sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, quy mô sản xuất nhỏ, trên địa hình khó canh tác, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, gây trở ngại trong quá trình sản xuất cũng như thu hoạch sản phẩm. Vì thế, hiện việc thực hiện chuyển đổi đại trà trên địa bàn huyện Lang Chánh mới chỉ dừng lại ở một số loại cây thông thường, thuộc đối tượng dễ chăm sóc, như: ngô, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, cây thức ăn chăn nuôi.

Trên thực tế, đã có những địa phương xây dựng được mô hình CĐCCCT đáp ứng được cả tiêu chí lượng và chất. Đơn cử như cánh đồng chuyên trồng cây rau màu của thôn Thuận Hậu, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân. Sau gần 5 năm chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây rau màu, cánh đồng luôn đạt lợi nhuận từ 150 đến 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 đến 10 lần so với trước khi chưa chuyển đổi. Điều đáng nói là toàn bộ diện tích chuyển đổi đều được HTX và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, với giá cam kết cao hơn 10 đến 15% so với thị trường. Chia sẻ kinh nghiệm làm nên sự thành công của mô hình, bà Đỗ Thị Hoa, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh, cho biết: Sở dĩ mô hình chuyển đổi của HTX luôn đạt hiệu quả kinh tế cao là do trước khi thực hiện CĐCCCT, UBND xã Xuân Minh đã chỉ đạo, tạo điều kiện cho HTX hoàn thành việc tích tụ, tập trung đất đai thông qua hình thức đổi điền, dồn thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc góp đất sản xuất giữa các hộ dân với HTX. Sau khi tạo được vùng sản xuất tập trung, HTX tìm kiếm đối tác để thực hiện liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo đơn đặt hàng. Thấy được tiềm năng về diện tích đất, đáp ứng yêu cầu duy trì được vùng nguyên liệu, nên HTX nhanh chóng thu hút được doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Trên cơ sở làm rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện CĐCCCT, chúng ta thấy rằng, để CĐCCCT đáp ứng được 2 mục tiêu lớn về nâng suất, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững trước tiên cần có sự đồng thuận cao giữa chính quyền địa phương và Nhân dân. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc CĐCCCT. Đồng thời, lựa chọn giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái và khả năng chống chịu được sâu, bệnh tốt; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng, vật nuôi chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Việc CĐCCCT cần gắn với tích tụ, tập trung đất đai và xây dựng mối liên kết 4 “nhà” (nhà nông, Nhà nước, HTX và doanh nghiệp), từ đó tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Cùng với đó, để đáp ứng được yêu cầu trong CĐCCCT, các sở, ngành và địa phương cần quan tâm đến việc huy động nguồn lực thông qua nguồn vốn từ các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, kết hợp với xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

Để có một lộ trình bền vững cho CĐCCCT trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới, ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Ngành nông nghiệp đang định hướng cho các địa phương và bà con nông dân đẩy mạnh CĐCCCT theo hướng phù hợp với thị trường. Việc CĐCCCT trong giai đoạn mới sẽ tập trung phát triển các đối tượng cây trồng có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và góp phần xóa đói, giảm nghèo. CĐCCCT gắn với tích tụ, tập trung đất đai, từ đó tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực, tăng khối lượng sản phẩm hàng hóa, tạo ra được những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Để làm được những điều này, trên cơ sở định hướng của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cần tiến hành rà soát lại diện tích sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp kém hiệu quả kinh tế để xây dựng kế hoạch CĐCCCT phù hợp. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương huy động nguồn lực thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách và xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phù hợp với yêu cầu CĐCCCT; trong đó, ưu tiên đầu tư các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất còn khó khăn; đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại xây dựng các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản. Ưu tiên thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện CĐCCCT gắn với tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá thể tham gia CĐCCCT gắn với sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan đến CĐCCCT. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ thâm canh CĐCCCT và quản lý bền vững tài nguyên đất nông nghiệp. Đây được xem là giải pháp quan trọng để tỉnh Thanh Hóa xây dựng được lộ trình CĐCCCT theo hướng bền vững trong giai đoạn tới.

Nhóm PV Kinh tế


Nhóm PV Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]