(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối hạ, đầu thu, khu rừng ngập mặn chạy dài tít tắp ven biển Nga Sơn lại bung nở hoa trắng cả một vùng. Hàng triệu cây bần, cây đước, rồi sú vẹt hàng chục năm tuổi đã trở thành môi trường phát triển lý tưởng của các loài thủy sinh và nhất là bầy ong mật đông đúc hơn 2.000 đàn, mang lại thu nhập lớn cho các hộ gia đình...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Biến rừng ngập mặn ven biển thành tiềm năng làm giàu

Những ngày cuối hạ, đầu thu, khu rừng ngập mặn chạy dài tít tắp ven biển Nga Sơn lại bung nở hoa trắng cả một vùng. Hàng triệu cây bần, cây đước, rồi sú vẹt hàng chục năm tuổi đã trở thành môi trường phát triển lý tưởng của các loài thủy sinh và nhất là bầy ong mật đông đúc hơn 2.000 đàn, mang lại thu nhập lớn cho các hộ gia đình...

Hàng nghìn đàn ong nuôi tại ven rừng ngập mặn Nga Sơn, giúp nhiều hộ gia đình làm giàu.

“Bức tường xanh” chắn sóng...

Dòng sông Lèn, những tưởng chỉ mang lũ lụt hằng năm về cho các huyện cuối nguồn là Hà Trung và Nga Sơn, thì ở nơi hợp lưu với biển, lại trở nên êm đềm, tràn đầy sức sống. Đó chính là đoạn gần cửa biển Lạch Sung - ranh giới giữa hai huyện Nga Sơn và Hậu Lộc với hệ thống rừng ngập mặn xanh ngát tầm mắt. Riêng phía bờ Bắc của vùng cửa biển này, thuộc vùng triều chạy qua các xã Nga Tân và Nga Thủy của huyện Nga Sơn với khu rừng ngập mặn kéo dài hơn 4km vẫn quanh năm xanh mướt. Cuốc bộ gần 3 cây số ven biển xã Nga Thủy - nơi chưa có đê biển, chúng tôi mới thấy hết được sức sống mãnh liệt và vai trò to lớn của “bức tường xanh” chắn sóng này. Rừng cây là sự “chen chúc” của các loài thực vật đầm lầy, như: Bần, đước, sú, vẹt, tạo nên quần thể thực vật tương hỗ cho nhau chống lại sự khắc nghiệt của bão tố, sóng triều. Cây rừng ở đây cao trung bình từ 3 đến 6m, từ thân cây mọc ra hệ thống rễ tua tủa như triệu triệu cánh tay ôm trọn bãi sình lầy. Phóng tầm mắt xa xa, một màu xanh miên man như xua tan cái nắng heo hắt của những ngày mới qua đợt bão. Trên hầu hết những cành nhánh, mắt cây, từng chùm hoa trắng thi nhau khoe sắc. Đó cũng là nơi những bầy ong cần cù tìm hoa, lấy mật. Dưới tán cây, khi nước triều rút đi, các loại cua, cáy, cá kèo... rào rào trốn chạy khi thấy bóng người. Thế mới thấy, “lá phổi xanh” nơi cửa biển Nga Sơn này chính là môi trường trú ngụ quan trọng cho các loài thủy sinh sinh trưởng và phát triển. Nơi được coi là hoang vắng, khá xa các khu dân cư này cũng chính là chỗ trú ngụ và kiếm ăn của nhiều loài chim di cư, nhất là loài cò trắng, đồng thời là nơi làm tổ của nhiều loài chim bản địa. Khu rừng với hệ thống gốc và rễ cây chi chít cũng góp phần làm giảm cường độ của nước thủy triều, hạn chế sự xâm thực của những con sóng để bảo vệ cho hệ thống đê điều và hàng trăm héc - ta vùng triều nuôi trồng thủy sản nước lợ ngay ở phía trong. Chính hệ thống rễ của khu rừng này cũng góp phần giữ nguồn nước ngầm, thành môi trường sống lưu giữ nhiều loài thủy sinh đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt hoặc tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh. Được xem là khu rừng ngập mặn phát triển và có sinh khối lớn bậc nhất của Thanh Hóa hiện nay với hệ thống cây trưởng thành hàng chục năm tuổi, hằng năm, quả của những cây này rụng xuống bãi lầy, tiếp tục mọc lên những cây non như là sự tiếp nối của sự phát triển.

...thành môi trường cho dòng mật ngọt

Chuyện nuôi ong quy mô lớn để làm giàu tại miền núi, vùng đồi thì nhiều, song mang hàng nghìn đàn ong đến bãi lầy nơi cửa sông, mép biển có lẽ là mô hình hiếm. Điều này đã được nhiều người dân thức thời ở các xã Nga Tân, Nga Thủy, Nga Thanh triển khai trong ít năm gần đây, cho hiệu quả kinh tế bất ngờ. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu nhờ liên tục nhân đàn và khai thác mật ong. Đi dọc khu rừng, chúng tôi ghi nhận từng hàng thùng (bọng) ong được xếp song song, chạy dài hàng trăm mét. Năm nay, gia đình ông Mai Văn Hạ ở thôn 1, xã Nga Thủy đã đưa về đây 140 đàn ong mật để hút mật hoa đang nở trắng một vùng cửa biển. Thời điểm chúng tôi có mặt, cũng là lúc gia đình ông Hạ đang khai thác mật. Từng cầu ong với mật vàng óng, được đưa vào thùng quay ly tâm, văng ra những giọt mật tinh túy, ngọt lịm. Lỉnh kỉnh những xô chậu, can nhựa sau gần 1 ngày, gia đình ông đã thu hoạch tới 300 lít mật ong.

Những người tham gia quay mật ong ở đây cho biết, mùa hoa nở rộ là từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, còn lại hoa nở rải rác đến gần hết mùa đông. Những tháng hoa nở nhiều, có khi chỉ một tuần, chủ các đàn ong đã tiến hành quay mật một lần bởi lúc này, mật sản sinh rất nhanh. Những ngày tháng 8 này, tần số quay mật ít dần do chỉ còn phần ít hoa nở muộn. Chị Trần Thị Yến, một người nuôi ong ở rừng ngập mặn xã Nga Thủy, đúc kết: Một đàn ong, trung bình cho thu hoạch khoảng 20 kg mật mỗi năm, với giá trung bình 100.000 đồng/kg. Chỉ cần phát triển 100 đàn, người nuôi ong ở đây đã có thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Ngoài bán mật, nhiều hộ còn nhân đàn mới với giá trên dưới 1 triệu đồng mỗi đàn.

Ở ven khu rừng này, hàng chục gia đình coi việc đặt nuôi ong là nghề chính, là giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế hộ để làm giàu. Hiện, người phát triển đàn ong nhiều nhất tại đây là anh Tuấn, quê xã Nga Thanh với 500 đàn, cho tổng thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận 700 đến 800 triệu đồng mỗi năm. Đến nay, tổng số đàn ong được nuôi ngay trong rừng ngập mặn nơi đây đã lên tới 2.000 đàn, dự kiến trong thời gian tới, số đàn còn tăng thêm. Ngoài ra, những hộ nuôi trồng thủy sản của các xã Nga Tân, Nga Thủy cách đó hàng trăm mét, cũng nuôi từ dăm bảy đàn đến hàng chục đàn ong ngay tại trang trại của mình để tận dụng nguồn hoa rừng, góp thêm cho thu nhập gia đình.

Chớm đông, các hộ gia đình nuôi ong ở đây lại thuê xe ô tô tải, chở ong đi tránh rét ở các vùng đồi huyện Thạch Thành, các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang... để chờ mùa hoa nhãn và vải nở vào đầu xuân năm sau. Hết mùa nhãn, vải, những đàn ong lại được đưa về vị trí quen thuộc nơi rừng ngập mặn Nga Sơn.

Từ rừng ngập mặn, sản sinh một lượng mật lớn, song đầu ra lại không khó khăn bởi theo các hộ, hoa những cây rừng lên từ nước mặn nên mật tốt, có mùi thơm và vị đậm đặc trưng. Theo quan niệm dân gian, đây là loại mật chữa được bệnh dạ dày khá hiệu nghiệm, nên nhiều người tìm mua.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]