(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh ta có nhiều loại cây trồng đặc sản có nguồn gốc bản địa nổi tiếng trên thị trường, như: Bưởi Luận Văn (Thọ Xuân), quýt vòi (Ngọc Lặc), quýt hôi (Quan Hóa), quế Ngọc (Thường Xuân),... Những năm gần đây, tỉnh ta đã triển khai một số dự án nghiên cứu, đề án bảo tồn nguồn gen các loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao. Từ hiệu quả bước đầu của các dự án đã phát triển được nguồn giống cây sạch bệnh, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát triển các loại cây trồng có nguồn gốc bản địa

Tỉnh ta có nhiều loại cây trồng đặc sản có nguồn gốc bản địa nổi tiếng trên thị trường, như: Bưởi Luận Văn (Thọ Xuân), quýt vòi (Ngọc Lặc), quýt hôi (Quan Hóa), quế Ngọc (Thường Xuân),... Những năm gần đây, tỉnh ta đã triển khai một số dự án nghiên cứu, đề án bảo tồn nguồn gen các loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao. Từ hiệu quả bước đầu của các dự án đã phát triển được nguồn giống cây sạch bệnh, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của địa phương.

Vườn bưởi Luận Văn của gia đình ông Nguyễn Văn Mậu, xóm 8, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) cho hiệu quả kinh tế cao.

Bưởi Luận Văn là giống trái cây đặc trưng của vùng đất đỏ xã Thọ Xương (Thọ Xuân) và từng trở thành thứ vật phẩm không thể thiếu trong mâm quả mỗi dịp lễ, tết. Theo chia sẻ của người dân, một cây bưởi tốt mỗi năm có thể cho thu hoạch từ 150 – 200 quả mang lại thu nhập cho người dân từ 3-4 triệu đồng. Song cây bưởi Luận Văn trên vùng đất Thọ Xương từng có thời gian bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Để bảo tồn và phát triển giống bưởi quý này, ngày 17-7-2006 của UBND tỉnh đã có Quyết định số 1953/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục và cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ đợt VII năm 2006, đã giao cho Trung tâm Nuôi cấy mô thực vật Thanh Hóa triển khai thực hiện đề tài khoa học: “Ứng dụng công nghệ vi ghép trong sản xuất, phát triển cây bưởi Luận Văn đặc sản của Thanh Hóa”. Ông Nguyễn Văn Huấn, cán bộ nông nghiệp xã Thọ Xương, cho biết: Đề tài nghiên cứu, phục tráng giống bưởi đặc sản Luận Văn đã góp phần bảo tồn nguồn gen quý, là điều kiện để xây dựng mô hình trồng thâm canh bưởi Luận Văn có năng suất, chất lượng cao tại xã Thọ Xương. Đến nay, toàn xã đã phát triển được 22 ha bưởi Luận Văn. Trong đó, chủ yếu được phát triển theo mô hình cải tạo vườn tạp. Theo ông Nguyễn Văn Mậu, một chủ vườn tại thôn 8, xã Thọ Xương: Gia đình đã tìm hiểu thị trường để đa dạng hóa mẫu mã, như mẫu bưởi hồ lô, bưởi khắc chữ tài, lộc... Nhờ vậy, giá trị kinh tế được nâng lên, ước tính doanh thu từ bưởi Luận Văn của gia đình đạt 800 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt từ 200-300 triệu đồng/năm.

Trước nguy cơ mất đi loài quế Ngọc vốn gắn bó với đời sống văn hóa, xã hội của đồng bào Thái địa phương, từ năm 2010, UBND huyện Thường Xuân đã lập quy hoạch vùng; đồng thời, xây dựng triển khai chính sách hỗ trợ các hộ gia đình đăng ký trồng quế. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp vào thu mua sản phẩm quế, thực hiện liên kết chuỗi, nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm theo hướng tiêu thụ nội địa và hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, tháng 1-2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát triển bền vững cây quế Ngọc huyện Thường Xuân, giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đề án được triển khai thực hiện trên địa bàn 17 xã, thị trấn của huyện; trong đó, tập trung ở khu vực “5 Xuân”, gồm các xã: Vạn Xuân, Xuân Lẹ, Xuân Chinh, Xuân Lộc, Xuân Thắng, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng từ nguồn của Trung ương, của tỉnh, của huyện và của nhân dân. Theo đó, ban quản lý dự án tuyển chọn 1.000 cây quế giống quế Ngọc, có bộ gen tốt để bảo tồn nguồn gen bản địa. Bà Hà Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thường Xuân, cho biết: Sau gần 3 năm thực hiện đề án, huyện Thường Xuân đã triển khai nhân giống và trồng mới được gần 230 ha quế. Dự kiến đến năm 2020, huyện sẽ trồng mới 1.000 ha quế. Kết quả bước đầu của đề án góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây quế, tạo ra được vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng nhu cầu chế biến tiêu dùng của thị trường, làm thay đổi đáng kể cơ cấu ngành, nghề và tạo việc làm ổn định cho nhân dân trong vùng; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây quế Ngọc.

Theo đánh giá của các địa phương, hầu hết những loại cây trồng bản địa đều đang đứng trước nguy cơ suy giảm về số lượng và chất lượng bởi người dân chưa hiểu hết được giá trị của cây bản địa, chưa chăm sóc, phát triển phù hợp. Hơn nữa, nếu việc bảo tồn và phát triển các giống cây trồng bản địa chỉ dừng lại ở việc nâng cao thu thập, phục tráng nguồn gen quý mà không kết hợp nhiều giải pháp song hành khác trong tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu thì hiệu quả của công tác bảo tồn khó được phát huy. Việc nghiên cứu phục tráng, bảo tồn nguồn gen các loại cây trồng có nguồn gốc bản địa không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh mà còn mang giá trị văn hóa, ghi dấu ấn về những sản vật quê hương trong lòng người dân và du khách bốn phương khi được thưởng thức. Do đó, để bảo tồn và phát triển được những cây trồng có nguồn gốc bản địa, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chuyên môn nhằm định hướng cho người dân về giá trị, hiệu quả kinh tế và lộ trình phát triển cụ thể, cũng như chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống cây trồng bản địa nhằm phục vụ có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững.


Bài và ảnh: Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]