(Baothanhhoa.vn) - Mỗi chuyến tàu chở hàng nhập khẩu hay trung chuyển hàng hóa xuất khẩu qua cảng biển Nghi Sơn thường đem về cho nguồn thu ngân sách hàng tỷ đồng thuế xuất - nhập khẩu. Đặc biệt là những chuyến dầu thô nhập khẩu, có thể nộp nghĩa vụ thuế cho ngân sách hàng chục tỷ đồng. Thanh Hóa đang có nhiều nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn để ngày càng có thêm những chuyến tàu đến với cảng.

Khu Kinh tế Nghi Sơn - động lực tăng trưởng: Gọi những chuyến tàu

Mỗi chuyến tàu chở hàng nhập khẩu hay trung chuyển hàng hóa xuất khẩu qua cảng biển Nghi Sơn thường đem về cho nguồn thu ngân sách hàng tỷ đồng thuế xuất - nhập khẩu. Đặc biệt là những chuyến dầu thô nhập khẩu, có thể nộp nghĩa vụ thuế cho ngân sách hàng chục tỷ đồng. Thanh Hóa đang có nhiều nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn để ngày càng có thêm những chuyến tàu đến với cảng.

Khu Kinh tế Nghi Sơn - động lực tăng trưởng: Gọi những chuyến tàuNgày càng có nhiều tàu hàng quốc tế cập các bến của hệ thống cảng biển Nghi Sơn.

Những ngày cuối năm, khu vực cảng biển Nghi Sơn càng trở nên tấp nập. Từ cầu tàu của Cảng Quốc tế Nghi Sơn, dễ dàng nhận thấy gần chục tàu hàng cỡ lớn của các hãng hàng hải trong và ngoài nước đang cập Cảng Dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa, Cảng Tổng hợp quốc tế Đại Dương và neo chờ phía ngoài. Những hệ thống cần cẩu, rồi phương tiện bốc xếp hàng hóa dường như hoạt động hết công suất.

Ngoài hàng nghìn lượt tàu chở hàng rời trong và ngoài nước liên tục cập bến bốc xếp hàng hóa, hệ thống cảng biển Nghi Sơn còn thu hút được 2 hãng tàu mở tuyến vận tải container đi quốc tế. Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, trong năm 2023, có 2 hãng tàu vận tải hàng hóa bằng container đi quốc tế qua cảng biển Nghi Sơn. Trong đó, hãng CMA - CGM của Pháp 37 chuyến, hãng tàu VIMC 2 chuyến. Với 39 chuyến tàu container quốc tế đã đưa 11.039 container hàng hóa xuất và nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn.

Để có những chuyến tàu tấp nập là cả quá trình nỗ lực gọi mời của tỉnh và các cơ quan liên quan. Từ năm 2019, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND về hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế tại Cảng Nghi Sơn. Đến tháng 6/2020, tiếp tục ban hành Nghị quyết số 338/2020/NQ-HĐND về hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Nghị quyết số 115/2021/NQ-HĐND năm 2021 cũng ban hành trình tự, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng.

Chính sách được coi là đột phá nhất là Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh vào tháng 7/2022 để ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích mời gọi thêm các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng biển Nghi Sơn. Theo đó, mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua cảng biển Nghi Sơn được nâng lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với cơ chế cũ). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa.

Đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi các thủ tục để kêu gọi hãng tàu là nhiệm vụ quan trọng. Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn đã triển khai hệ thống khai báo tàu để các hãng đăng ký trực tuyến trước ít nhất 2 giờ tàu đi và đến. Với các thủ tục điện tử, các đơn vị đối tác, doanh nghiệp có hàng hóa trung chuyển qua cảng có thể giao dịch, đăng ký, nộp thuế trên hệ thống bất cứ giờ nào và ngày nào trong tuần. Ông Lê Hồng Phong, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, khẳng định: “Với gần 100% dịch vụ công ở đây đã được triển khai ở mức độ 4, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, hãng tàu, nhất là khâu khai báo và hoàn thuế. Hàng tuần, đơn vị đều tổ chức giao ban đánh giá công việc, khắc phục ngay những phát sinh và triển khai công tác công vụ. Trên thực tế, chưa có lô hàng nào bị chậm thủ tục, gây ảnh hưởng đến lịch trình của các chuyến tàu”.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, trong năm qua, đơn vị đã phối hợp với Cục Hải quan Thanh Hóa, Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đến các nhà đầu tư, hãng tàu và doanh nghiệp tìm hiểu vận chuyển hàng hóa bằng container đi quốc tế qua cảng biển Nghi Sơn. Ban cũng chủ động liên hệ, làm việc, kêu gọi mở tuyến qua cảng biển Nghi Sơn với Công ty TNHH Đại lý và Tiếp vận Hải An, Công ty TNHH Dịch vụ tiếp vận Toàn Cầu, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty CP Hàng hải VSICO... Nhiều doanh nghiệp có hàng hóa xuất, nhập khẩu lớn như: Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật và Đầu tư Ngọc Long, Công ty CP OPL Logistics, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các doanh nghiệp giày da, may mặc trên địa bàn tỉnh đã từng bước tạo được sự kết nối giữa hãng tàu và doanh nghiệp.

Từ thuở sơ khai đến sự phát triển mau lẹ hạ tầng, sau gần 2 thập kỷ đi vào hoạt động, hệ thống cảng biển Nghi Sơn đã khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Chỉ tính riêng tàu của hãng CMA - CGM đã đưa hàng hóa từ Cảng Nghi Sơn xuất khẩu tới 41 quốc gia tại 114 cảng biển, đưa hàng nhập khẩu đến từ 11 nước và 24 cảng thông qua việc nối tuyến. Những chính sách và nỗ lực thu hút những chuyến tàu đang dần biến cảng biển Nghi Sơn thành mắt xích quan trọng trong vận tải hàng hải quốc tế.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]