(Baothanhhoa.vn) - Do không có biên chế giáo viên dạy Tin học, kinh phí nhà trường hạn hẹp, không có nguồn trả lương cho giáo viên hợp đồng dẫn đến nhiều trường tiểu học (TH), THCS trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn phải đóng cửa phòng học Tin học, máy tính cất vào kho, hư hỏng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Không có giáo viên Tin học, hàng loạt phòng máy bỏ không

Do không có biên chế giáo viên dạy Tin học, kinh phí nhà trường hạn hẹp, không có nguồn trả lương cho giáo viên hợp đồng dẫn đến nhiều trường tiểu học (TH), THCS trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn phải đóng cửa phòng học Tin học, máy tính cất vào kho, hư hỏng.

Giáo viên Trường Tiểu học Quảng Bình (Quảng Xương) kiểm tra phòng máy vi tính của nhà trường sau nhiều tháng không hoạt động.

Trường chuẩn nhưng... thiếu chuẩn

Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trên địa bàn tỉnh có 553 trường TH đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 131 trường đạt chuẩn mức độ 2; 363 trường THCS đạt chuẩn. Theo quy định, để công nhận trường chuẩn quốc gia, đối với cấp TH, trường đạt chuẩn mức độ 2 phải có phòng máy tính và giáo viên dạy Tin học; đối với THCS, trường đạt chuẩn cũng phải có phòng máy vi tính và đủ giáo viên Tin học. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh, số giáo viên dạy Tin học tại các trường, đặc biệt là các trường TH chủ yếu là giáo viên hợp đồng, không có biên chế cho giáo viên Tin học. Nhiều trường do không có kinh phí duy trì phòng máy, trả lương hợp đồng cho giáo viên đã phải đóng cửa phòng máy, máy móc hư hỏng gây lãng phí về cơ sở vật chất.

Tại huyện Quảng Xương có 22/30 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 20 giáo viên dạy Tin học; TH có 30/31 trường đạt chuẩn, trong đó có 9 trường đạt chuẩn mức độ 2 nhưng chỉ có 1 giáo viên Tin học đã được biên chế, còn lại các trường muốn duy trì phòng máy phải chủ động hợp đồng với giáo viên Tin học.

Cô giáo Lê Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường TH Quảng Bình, xã Quảng Bình (Quảng Xương) cho biết: Nhà trường đạt chuẩn mức độ 2 năm 2012. Khi chuẩn bị công nhận chuẩn, nhà trường được đầu tư xây dựng phòng máy với 10 bộ máy tính để bàn và hợp đồng giáo viên dạy Tin học do huyện hỗ trợ kinh phí. Sau 2 năm, khi tỉnh không cho cơ chế hợp đồng giáo viên, để duy trì phòng máy, nhà trường phải tự hợp đồng giáo viên Tin học. Bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2017-2018, do nhà trường không còn kinh phí trả lương cho giáo viên hợp đồng nên đã dừng hợp đồng với giáo viên Tin học. Cũng từ học kỳ 2 của năm học này, học sinh nhà trường không được học môn Tin học nữa, phòng máy phải đóng cửa. Để máy móc đỡ hư hỏng, nhà trường tận dụng phòng máy làm phòng thư viện điện tử, thỉnh thoảng học sinh vào đọc báo, truyện.

Ông Lê Hữu Quang, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương cũng cho biết: Đây là tình trạng chung ở nhiều trường trên địa bàn huyện do môn Tin học đang là môn tự chọn, không bắt buộc nên không có chỉ tiêu biên chế giáo viên bộ môn này. Tuy nhiên, với các trường THCS đạt chuẩn và TH đạt chuẩn mức độ 2 thì môn học này là một trong những điều kiện để được công nhận chuẩn. Do phụ thuộc vào kinh phí của nhà trường nên những giáo viên hợp đồng môn Tin học ở các trường không ổn định, vì vậy xảy ra tình trạng nhiều trường bị gián đoạn về giáo viên dạy Tin học. Trước tình hình trên, huyện đã đề nghị tỉnh về biên chế giáo viên Tin học, tuy nhiên do huyện còn thiếu nhiều giáo viên văn hóa nên tỉnh ưu tiên tuyển giáo viên các môn văn hóa, Ngoại ngữ. Vừa qua, UBND tỉnh vừa phê duyệt cho huyện Quảng Xương hơn 100 chỉ tiêu biên chế giáo viên nhưng chủ yếu là chỉ tiêu giáo viên môn văn hóa và Ngoại ngữ.

Lãng phí cơ sở vật chất

Để xây dựng phòng máy, mỗi trường cần đầu tư hàng trăm triệu để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ dạy học môn Tin học. Giáo viên không có, phòng máy đóng cửa. Hệ thống máy tính không thường xuyên sử dụng nhanh chóng hư hỏng gây lãng phí về cơ sở vật chất.

Tại TP Sầm Sơn có 13 trường TH, 12 trường THCS, trong đó có 4 trường TH đạt chuẩn mức độ 2 và 8 trường THCS đạt chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 4 trường duy trì phòng máy, số trường chuẩn còn lại không có giáo viên giảng dạy nên không duy trì được phòng máy.

Cô giáo Đỗ Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường TH Quảng Đại (TP Sầm Sơn) chia sẻ: Năm 2010, nhà trường được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Thời điểm công nhận chuẩn, nhà trường đã xây dựng một phòng máy với gần 20 máy tính và có giáo viên hợp đồng dạy Tin học cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Tuy nhiên, vài năm lại đây, do không có kinh phí trả lương cho giáo viên hợp đồng nên nhà trường dừng dạy môn Tin học. Phòng máy cũng đóng cửa từ đó. Do không thường xuyên sử dụng, hiện nay những bộ máy vi tính được trang bị trước đó đã bị hư hỏng nhiều. Qua kiểm tra của nhà trường, hiện còn 10 máy còn khả năng khắc phục để sử dụng được. Theo kế hoạch, năm học 2018-2019 nhà trường sẽ xây dựng để được công nhận lại chuẩn vì theo quy định nhà trường đã quá chuẩn 3 năm. Để trang bị lại phòng máy, dự kiến nhà trường cần khoảng 120 triệu chi phí tu sửa lại những bộ máy tính còn sử dụng được và bổ sung một số bộ máy mới. Ngoài ra, cần kinh phí trả lương cho giáo viên hợp đồng; kinh phí bảo trì, bảo dưỡng phòng máy hàng năm... Tuy nhiên, kinh phí của nhà trường không có, việc huy động xã hội hóa lại khó khăn, nhà trường phải chờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ địa phương mới thực hiện được.

Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Sầm Sơn, cho biết: Nguyên nhân khiến các phòng máy không còn duy trì hoạt động là do thành phố không được giao biên chế giáo viên môn Tin học, nguồn ngân sách thành phố hạn hẹp, các nhà trường cũng không có quỹ lương để chi trả cho giáo viên hợp đồng môn Tin học. Bên cạnh đó, để duy trì việc dạy học môn Tin học, ngoài việc có phòng máy, giáo viên, còn phải có kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng phòng máy. Hiện nay, các trường không có giáo viên dạy, phòng máy tính không hoạt động sẽ được tận dụng thành phòng làm việc cho giáo viên, phòng thư viện điện tử. Có nhiều trường do không sử dụng thường xuyên, máy tính trang bị đã lâu năm nên hư hỏng nhiều, không còn sử dụng được. Trong khi đó, các trường TH đạt chuẩn mức độ 2 và THCS đạt chuẩn buộc phải có phòng máy và giáo viên dạy Tin. Việc không có kinh phí bổ sung phòng máy và giáo viên dạy Tin học cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường đến hạn công nhận lại chuẩn không thực hiện được do không đủ điều kiện. Hiện nay, Sầm Sơn có 12 trường chuẩn quốc gia quá hạn chưa được công nhận lại. Trước tình trạng trên, thành phố cũng đã có đề xuất bổ sung giáo viên Tin học, tuy nhiên chưa được tỉnh phê duyệt.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Trịnh Vĩnh Long, Trưởng Phòng Giáo dục TH, Sở GD&ĐT, cho biết thêm: Việc thiếu giáo viên và không có giáo viên dạy Tin học ở các trường TH chuẩn quốc gia mức độ 2 là tình trạng chung ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Để công nhận trường chuẩn quốc gia, các trường phải đủ điều kiện theo quy định mới được công nhận. Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã rà soát rất kỹ. Trong tiêu chí về cơ sở vật chất có yêu cầu về các phòng riêng dạy môn đặc thù như: Âm nhạc, Tin học, Mỹ thuật... Tại thời điểm kiểm tra, các trường đủ điều kiện đạt chuẩn, nhưng sau đó do nhiều yếu tố khách quan như: Giáo viên dạy môn Tin học chuyển đi nơi khác, giáo viên nghỉ việc do mức lương hợp đồng thấp, do trường không có kinh phí trả lương giáo viên... nhiều trường không còn giáo viên dạy Tin học. Không có giáo viên khiến các phòng máy không hoạt động được gây lãng phí cơ sở vật chất; học sinh chịu thiệt thòi khi không được học. Bên cạnh đó, điều này cũng ảnh hưởng đến việc công nhận lại trường chuẩn đối với các trường quá hạn. Vừa qua, Sở GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố về việc công nhận lại trường chuẩn quốc gia đã quá hạn. Đối với những trường đã quá hạn mà chưa công nhận lại chuẩn sẽ không còn trong danh sách trường chuẩn quốc gia.

Cũng theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 357 giáo viên biên chế dạy Tin học, trong đó có 57 giáo viên TH và 300 giáo viên THCS. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì môn Tin học sẽ là một trong số các môn học bắt buộc từ cấp TH (lớp 3). Kế hoạch đến năm 2019-2020, sẽ bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1. Vì vậy, tỉnh cũng cần có phương án xây dựng cơ sở vật chất cũng như lực lượng giáo viên để đảm bảo chất lượng cho môn học này.


Bài và ảnh: Nguyễn Quỳnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]