(Baothanhhoa.vn) - Hơn 2,5 tháng ròng nắng cháy kéo dài khiến các hồ thủy lợi trơ đáy, cây trồng khô héo. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, không còn theo quy luật... cảnh báo một mùa mưa bão năm 2020 phức tạp đang đến, rất cần sự chuẩn bị ứng phó thật kỹ lưỡng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và dự báo một mùa mưa bão phức tạp

Hơn 2,5 tháng ròng nắng cháy kéo dài khiến các hồ thủy lợi trơ đáy, cây trồng khô héo. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, không còn theo quy luật... cảnh báo một mùa mưa bão năm 2020 phức tạp đang đến, rất cần sự chuẩn bị ứng phó thật kỹ lưỡng.

Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và dự báo một mùa mưa bão phức tạpXử lý vết sạt chạy dài trên đê hữu sông Chu đoạn qua địa bàn xã Thọ Hải (Thọ Xuân) trong đợt mưa lũ đầu tháng 9-2019.

Tổng hợp từ Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, ngay từ sáng ngày 25-1, tức mùng 1 tết âm lịch, trên hầu khắp các địa phương trong tỉnh đã hứng chịu trận dông tố, lốc xoáy, kèm theo mưa đá. Đây được coi là hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có trong lịch sử khí tượng thủy văn Thanh Hóa, bởi đang là thời điểm cuối đông, đầu xuân. Đến cuối tháng 3, các huyện Lang Chánh, Mường Lát phải chịu hậu quả nặng nề bởi những cơn lốc xoáy, sấm sét và mưa đá. Sang tháng 4, các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát, Cẩm Thủy... tiếp tục hứng chịu những thiệt hại bởi hiện tượng thời tiết tương tự. Riêng trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh có tới 5 đợt mưa lớn, kết hợp dông lốc, tập trung ở các huyện miền núi phía Tây. So với những tháng 5 của những năm trước, đây cũng là sự bất thường về số đợt dông tố, lốc xoáy.

Về nhiệt độ, từ đầu năm đến nay, nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm. Ngay từ các tháng mùa xuân, nhiệt độ trung bình đã cao hơn nhiều năm từ 1,5 đến 3 độ C. Những đợt gió Lào (gió phơn) gây nắng nóng ngay từ đầu tháng 3 cũng sớm hơn nhiều năm. Đặc biệt, đợt nắng nóng lịch sử kéo dài hơn 2,5 tháng qua (nhiệt độ ngoài trời vào thời điểm buổi trưa ở nhiều nơi đã lên hơn 40 độ C, nắng nóng nhất là tại các khu vực Nghi Sơn, Bãi Trành...). Khiên hàng chục nghìn héc-ta lúa và cây trồng của tỉnh đã lâm vào cảnh hạn hán, thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Hiện tượng mưa từ đầu năm đến nay cũng có nhiều diễn biến thất thường. Những đợt mưa rào và dông, thậm chí kèm theo mưa đá xuất hiện đầu năm từ tháng 1 đến tháng 3 là hiện tượng hiếm thấy. Chưa phải mùa mưa nhưng lại xuất hiện nhiều đợt mưa, có đợt kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Từ tháng 5 hằng năm trở đi là mùa mưa thì lại nắng hạn gay gắt, chưa thấy xuất hiện những cơn mưa đáng kể. Hiện tượng mưa đang đi ngược với quy luật tự nhiên, gây bất ngờ cho cả những người làm công tác khí tượng thủy văn.

Lượng mưa thất thường khiến mực nước các dòng sông trên địa bàn tỉnh đồng loạt xuống thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước tại Trạm Thủy văn Lý Nhân trên sông Mã và Trạm Thủy văn Xuân Khánh trên sông Chu ở nhiều thời điểm xuống thấp nhất trong chuỗi số liệu từ trước đến nay của ngành thủy lợi Thanh Hóa. Tại 3 hồ chứa nước lớn nhất tỉnh là Cửa Đạt, Sông Mực và Yên Mỹ, lượng nước đo được vào thời điểm ngày 21-5 đều thấp hơn từ 3 - 4m đến hơn 10m so với cùng thời điểm những năm trước. Khi nước các dòng sông xuống thấp, nước thủy triều từ biển tràn vào phía thượng nguồn khiến sự thâm nhập mặn càng mạnh mẽ và sâu hơn vào phía đất liền. Trên sông Yên tại Trạm Thủy văn Ngọc Trà, độ mặn đo được lớn nhất trong các tháng đầu năm có thời điểm lên tới 25,5 phần nghìn. Trên sông Mã, tại Trạm Thủy văn Quảng Châu, độ mặn lớn nhất đo được trong các tháng đầu năm đạt tới 28,1 phần nghìn.

Trên cơ sở phân tích tình hình thủy văn và các diễn biến thời tiết trên thực tế, Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa đã đưa ra nhiều dự báo về tình hình thời tiết cực đoan trong những tháng cuối năm. Theo đó, từ nay đến khoảng tháng 11-2020, thời tiết thủy văn khu vực tỉnh Thanh Hóa dự báo có nhiều diễn biến phức tạp. Từ tháng 8 đến tháng 10, khả năng có nhiều đợt mưa lớn, gây lũ lớn cục bộ, tình trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất sẽ xuất hiện. Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra từ 3 đến 7 đợt lũ, trong đó có những cơn lũ lớn trên các dòng sông. Bên cạnh đó, cần đề phòng những cơn bão mạnh hoạt động trên biển Đông, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Thanh Hóa.

Dự báo mùa mưa bão năm 2020, có thể xuất hiện từ 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó có khoảng 5 đến 6 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Trong khoảng từ nay đến tháng 9, vùng ven biển của tỉnh có thể phải hứng chịu nhiều đợt sóng to, mưa bão lớn. Các đợt triều cường kết hợp với gió mùa Đông bắc gây sạt lở bờ biển, ảnh hưởng đến đời sống cư dân ven biển nhiều khả năng sẽ diễn ra vào các tháng 10 và 11 năm nay. Cùng với đó, từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng trên địa bàn tỉnh sẽ hứng chịu từ 8 đến 10 đợt không khí lạnh, kết hợp với các hình thế thời tiết khác gây mưa, có nhiều đợt mưa to đến rất to.

Năm nay, người trồng nhãn trên địa bàn tỉnh lại được mùa với những vườn nhãn trĩu quả. Theo kinh nghiệm dân gian đúc kết, những năm được mùa nhãn đều là những năm có lũ lụt và mưa bão lớn. Hiện, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã và đang phối hợp với các địa phương, triển khai các giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Các loại vật tư cho phòng chống thiên tai và phương án “4 tại chỗ” đang được các địa phương triển khai. Mùa mưa bão năm 2020 đang đến gần, rất cần sự chủ động trong triển khai các giải pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ các ngành, các địa phương và nhất là các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]