(Baothanhhoa.vn) - Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất cho các tổ chức, đơn vị khoa học và công nghệ (KH&CN), những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ KH&CN phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, góp phần đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu đổi mới

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất cho các tổ chức, đơn vị khoa học và công nghệ (KH&CN), những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ KH&CN phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, góp phần đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu đổi mớiTrao giải thưởng khoa học và công nghệ lần thứ nhất năm 2020 cho các tác giả và nhóm tác giả đạt giải.

Xác định nguồn nhân lực là khâu then chốt để nâng cao vị thế của nhà trường, ngay từ khi thành lập, Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức đã coi trọng và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên (CBGV). Hiện, toàn trường có hơn 680 CBGV và lao động hợp đồng; trong đó, trên 96% CBGV có trình độ sau ĐH, với 25 phó giáo sư và 168 tiến sĩ. Nhà trường có nhiều GV được mời giảng dạy các chương trình liên kết đào tạo với trường ĐH nước ngoài như ĐH Soongsil - Hàn Quốc và được công nhận về trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ; nhiều GV tham gia giảng dạy các lớp chất lượng cao bằng tiếng Anh... Song song với công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng được đẩy mạnh và thu hút đông đảo CBGV, sinh viên tham gia. Trong những năm qua, CBGV nhà trường đã chủ trì thực hiện 15 đề tài cấp Nhà nước và đề tài thuộc Quỹ KH&CN quốc gia (Nafosted); hơn 50 đề tài cấp bộ; 67 đề tài cấp tỉnh và 538 đề tài, dự án cấp cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động sinh viên NCKH ngày càng được chú trọng và đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Năm học 2019-2020, nhà trường đã triển khai 95 đề tài NCKH sinh viên. Trong đó có 5 đề tài đạt giải nhất, 8 đề tài đạt giải nhì, 9 đề tài đạt giải ba, 10 đề tài đạt giải khuyến khích cấp trường; 63 đề tài đạt giải cấp khoa. Đặc biệt, có 3 đề tài NCKH sinh viên tham gia cuộc thi sinh viên NCKH do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, trong đó có 1 đề tài đạt giải nhì cấp bộ... Kết quả trên đã và đang khẳng định vị thế, vai trò của Trường ĐH Hồng Đức trong hệ thống giáo dục nước nhà, cũng như trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và cho đất nước.

Nhằm xây dựng nguồn nhân lực KH&CN, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đã ký hợp đồng với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các viện nghiên cứu hàng đầu trong nước như Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Nông hóa thổ nhưỡng, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu mía đường; ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện mía đường Looknow (Ấn Độ), Viện mía đường Quảng Tây (Trung Quốc), Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và các đối tác Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan... để đào tạo nhân lực có trình độ và tay nghề cho các ngành nông nghiệp công nghệ cao của Lasuco; tiếp nhận các tiến bộ KH&CN tiên tiến, hiện đại ứng dụng vào sản xuất. Chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để tiếp nhận và nắm bắt kịp thời các tiến bộ, kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất. Xây dựng chính sách thu hút cán bộ kỹ thuật cao, xem đó là chiến lược phát triển KH&CN của Lasuco. Đến nay, tổng số lao động của công ty là 779 người, trong đó trình độ ĐH và trên ĐH là 203 người, chiếm 26%; cao đẳng 103 người, bằng 13,2%; trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật 421 người, bằng 54%; chỉ có 52 lao động phổ thông, chiếm 6,6%.

Theo thống kê của Sở KH&CN, toàn tỉnh hiện có trên 3.000 cán bộ tham gia NCKH và phát triển công nghệ (tương đương với 1.229 cán bộ nghiên cứu toàn thời gian, đạt 3,5 người/vạn dân), tăng 8% so với năm 2015; đội ngũ cán bộ KH&CN trong các tổ chức KH&CN là 1.706 người, trong đó có 23 phó giáo sư, 201 tiến sĩ, 706 thạc sĩ. Số cán bộ NCKH và phát triển công nghệ ở 2 cơ sở giáo dục ĐH là 1.327 người (chiếm gần 42%), trong đó có phó giáo sư 23 người, 191 tiến sĩ. Sự gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng của nguồn nhân lực KH&CN trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn... Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, bước đầu đã hình thành một số nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp có năng lực nghiên cứu, chọn tạo và phát triển các giống lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, được thị trường tiếp nhận (thuộc Viện Nông nghiệp; Công ty TNHH Hồng Đức; Công ty Giống cây trồng Thanh Hóa); một số nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực y học là những ekip tiếp nhận và làm chủ các kỹ thuật tiên tiến, phức tạp trong ghép tạng như ghép thận, ghép giác mạc (thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt)...

Để tạo bước đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 12-4-2019 xét tặng Giải thưởng KH&CN Thanh Hóa lần đầu tiên (tổ chức trao giải năm 2020 (với 6 công trình được Hội đồng khoa học tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh xét tặng). Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước theo Quyết định 2359/QĐ-TTg ngày 25-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh ban hành Công văn số 3675/UBND-NN ngày 26-3-2020 thông báo tới các sở, ban, ngành, các trường ĐH, các tổ chức KH&CN và các doanh nghiệp đăng ký tuyển chọn tham gia đề án...

Ngoài các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực KH&CN, thiết nghĩ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về KH&CN. Xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn nhân lực KH&CN, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài và mở rộng các chương trình đào tạo ở nước ngoài để cán bộ KH&CN được cọ xát môi trường học thuật quốc tế. Cùng với thực hiện tốt cơ chế, chích sách, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, nhất là từ doanh nghiệp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Tăng cường huy động đầu tư ngoài ngân sách để phát triển tiềm lực, đặc biệt là cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho nhân lực KH&CN.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]