(Baothanhhoa.vn) - Xác định vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững

Góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững

Mô hình ươm cây giống lâm nghiệp của HTX Thành Oanh, thị trấn Nông Cống (Nông Cống).

Xác định vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Nhiều đề tài, dự án, mô hình trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội được triển khai thực hiện, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thống kê từ năm 2011 đến nay, tính riêng nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và cấp tỉnh đã có hơn 300 đề tài, dự án được ngành KH&CN và các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai, thực hiện. Ở cấp quốc gia các nhiệm vụ KH&CN phần lớn thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu, như: Mô hình phát triển kinh tế theo hướng sinh thái tổng hợp tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp; nghiên cứu giải pháp chống thoái hóa, phục hồi và phát triển bền vững rừng luồng; ứng dụng công nghệ mới xây dựng hệ thống cấp nước, xử lý nước thải và tăng cường chống nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Đa khoa Như Thanh và Lang Chánh... Ngoài ra, các nhiệm vụ KH&CN cũng tập trung tuyên truyền, phổ biến các kiến thức liên quan đến sở hữu trí tuệ; tạo lập, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng, quảng bá thương hiệu của sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương, như: Nhãn hiệu tập thể nước mắm Do Xuyên - Ba Làng của xã Hải Thanh (Tĩnh Gia); nhãn hiệu chứng nhận “Chè lam Phủ Quảng” huyện Vĩnh Lộc... Bên cạnh đó, một số dự án thuộc chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập cũng được thực hiện có hiệu quả như dự án khai thác và phát triển nguồn gen Khôi tía (Ardisia gigantifolia Stapf) làm nguyên liệu sản xuất thuốc; dự án nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen dược liệu lan gấm (Anoectochilus formosanus Hayata) tại Thanh Hóa và một số tỉnh Bắc Trung bộ.

Đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, sau khi nghiệm thu ứng dụng vào thực tiễn đã góp phần tích cực vào sự phát triển của từng ngành, từng địa phương, từng lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và y dược. Ví như hơn 100 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp được triển khai từ năm 2011 đến nay chủ yếu tập trung vào khảo nghiệm, trình diễn, tuyển chọn, lai tạo các giống mới, như: Các giống lúa có năng suất Thanh Ưu 3, Thanh Ưu 4, Thuần Việt 2, Thuần Việt 7, Thanh Hoa 1, Hồng Đức 9, nếp hạt cau; chuyển giao và hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm, đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá hồi vân, cá tầm, cá lóc, cá chẽm, cá lăng chấm, ốc hương...

Qua khảo sát, đánh giá, năm 2016, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 42 mô hình áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trong đó, một số mô hình được áp dụng rộng rãi, như: Mô hình sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ, có quy mô 180 ha, được triển khai tại huyện Thiệu Hóa; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mía tại huyện Thạch Thành. Từ năm 2017 đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới, gắn với bao tiêu sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình, như liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa lai F1 đạt 280 ha; mô hình thâm canh lúa hữu cơ Power and diện tích 200 ha tại 2 huyện Yên Định và Triệu Sơn... Trong lĩnh vực y dược, hàng chục đề tài, dự án được triển khai thực hiện cũng tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng một số bệnh phổ biến trong cộng đồng, như: Nghiên cứu thực trạng bệnh hen phế quản, thực trạng nhiễm sán lá trên người, thực trạng bệnh loãng xương ở phụ nữ tại các huyện miền núi Thanh Hóa; ứng dụng xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính điều trị ung thư vòm họng và hạ họng thanh quản; ứng dụng hệ thống chụp mạch kỹ thuật số trong chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch vành; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật tim hở để điều trị bệnh thông liên thất bẩm sinh; nghiên cứu sản xuất các loại thuốc đông dược theo quy trình sản xuất chế biến dược liệu theo quy trình khép kín, an toàn, bào chế các sản phẩm theo các bài thuốc gia truyền góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe y tế cho cộng đồng như: Hoàn Sinh Lực, Hầu Tê Hoàn, Thập Hoàng Hoàn...

Nhìn chung, các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cũng thông qua thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã ươm tạo và hình thành các sản phẩm mới có hàm lượng KH&CN cao, làm cơ sở cho việc hình thành các doanh nghiệp KH&CN của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 23 doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ 3 cả nước sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao KH&CN của tỉnh còn có những hạn chế, như: Chưa có nhiều các sản phẩm có khả năng tạo đột phá trong phát triển kinh tế, thiếu các giải pháp có khả năng giải quyết dứt điểm các vấn đề xã hội hiện nay do nguồn vốn đầu tư cho phát triển KH&CN còn thiếu và không đồng bộ. Vẫn còn nhiều đề tài, dự án chậm ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt tình trạng khi nguồn hỗ trợ ban đầu không còn nữa, người dân bỏ mô hình và trở lại với cách thức sản xuất cũ vẫn xảy ra... Từ những hạn chế này đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, nền tảng, động lực của KH&CN đối với sự phát triển bền vững. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cần nâng cao trách nhiệm trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần đổi mới cũng như huy động mọi nguồn lực phát triển KH&CN, tạo ra thành quả KH&CN có chất lượng góp phần hiện đại hóa nền sản xuất công, nông nghiệp... trong giai đoạn hội nhập.

Lê Phong


Lê Phong

Từ khóa:Dự án

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]