Khi công nghệ, tin học trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Một trong những điểm mới trong dự thảo Thông tư mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa được công bố đó là bổ sung thêm môn Tin học và môn Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) thành môn thi tự chọn. Đây là những môn thi lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại Thanh Hóa, các trường học đã đảm bảo điều kiện dạy học 2 môn này nhưng đa phần chỉ ở mức tối thiểu.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi trong giờ học môn Công nghệ.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị ngay từ khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) vẫn còn khá nhiều khó khăn khi tổ chức dạy học môn Công nghệ do giáo viên đảm nhiệm môn học này hiện đã nghỉ hưu. Thầy Chu Hồng Văn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hiện nay do thiếu giáo viên Công nghệ nên giáo viên môn Vật lý của nhà trường đang chịu trách nhiệm dạy Công nghệ - Công nghiệp, còn giáo viên Sinh học sẽ kiêm giảng dạy Công nghệ - Nông nghiệp. Còn đối với môn Tin học thì nhà trường hiện có 4 giáo viên trình độ thạc sĩ, 2 phòng thực hành với 48 máy vi tính, đáp ứng tốt việc dạy học của giáo viên và học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng định hướng cho những học sinh thực sự có tố chất phù hợp đăng ký học môn Tin học cần chủ động tìm hiểu nội dung kiến thức, nỗ lực tự học, tự tìm hiểu, thực hành tại nhà để thành thục thao tác và kiến thức, tránh trường hợp đăng ký môn Tin học vì thích sử dụng máy tính nhưng năng lực môn học lại hạn chế.
Chia sẻ về sự chuẩn bị đối với môn Tin học, thầy Nguyễn Tài Quyển, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 5 (Triệu Sơn) cho biết: Giáo viên bộ môn đã được tham gia đầy đủ các khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngay từ khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất mà nhà trường phải đối mặt là việc thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng Tin học do kinh phí bảo dưỡng, bổ sung máy móc hạn hẹp. Ngoài ra, do chỉ có số ít học sinh đăng ký học nên rất khó để bố trí thành lớp.
Thầy Quyển cho biết thêm, từ định hướng của Bộ GD&ĐT tùy thuộc vào cơ sở vật chất, đội ngũ để bố trí các môn tự chọn cho phù hợp, làm sao để tận dụng được tối đa nguồn lực hiện có, nhà trường đã có sự định hướng, tư vấn cho học sinh có lựa chọn phù hợp với điều kiện hiện có của nhà trường. Ngoài ra, hiện nay các tổ hợp xét tuyển của các trường đại học chưa có 2 môn Tin học và Công nghệ nên học sinh cũng có xu hướng lựa chọn các môn văn hóa để đăng ký học.
Thực tế tại đa phần các trường học hiện nay phần đông học sinh sẽ lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội, trong khi tổ hợp khoa học tự nhiên và kỹ thuật ít được quan tâm, lựa chọn hơn. Thêm vào đó, 2 môn học này hiện chưa “có mặt” trong tổ hợp xét tuyển của các trường đại học nên ít được học sinh lựa chọn.
Thầy Nguyễn Anh Thế, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Trước đây, 2 môn Tin học và Công nghệ chưa được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong các kỳ thi học sinh giỏi thì cũng mới chỉ có môn Tin học được tổ chức thi chứ chưa có môn Công nghệ. Do đó, số lượng học sinh đăng ký thi 2 môn này rất ít. Thậm chí, giáo viên cũng chưa có kinh nghiệm ra đề thi đối với 2 môn học này.
“Hiện nay, tại Trường THPT Nguyễn Trãi mỗi lớp học có 1 bộ máy vi tính riêng tại phòng học và 1 ti vi thông minh để phục vụ cho việc giảng dạy các môn học trong đó có 2 môn Tin học và Công nghệ. Nhà trường cũng có đầy đủ giáo viên chuyên ngành Tin học và Công nghệ đáp ứng tốt việc giảng dạy các môn học này. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường còn thiếu hầu hết các phòng chức năng nên phòng thực hành dành cho 2 môn học này chưa có”, thầy Thế cho biết thêm.
Tương tự, tại các trường học khu vực miền núi của tỉnh, các điều kiện giảng dạy môn Tin học và Công nghệ cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Chắc chắn sau khi trở thành các môn thi tự chọn của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, “vị thế” của 2 môn Tin học và Công nghệ sẽ được nâng lên, các điều kiện phục vụ cho môn học cũng sẽ được quan tâm đầu tư đúng mức, có lộ trình rõ ràng... để học sinh có điều kiện, cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại và phát triển các kỹ năng toàn diện hơn, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài nước, đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật trong thời đại công nghệ 4.0.
Hy vọng cùng với định hướng của Bộ GD&ĐT, sự quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các địa phương, sự nỗ lực của các nhà trường, sự quan tâm của phụ huynh, học sinh, môn Tin học và Công nghệ sẽ được triển khai hiệu quả, đạt được kết quả tích cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:11:00
IELTS 7.0 cần bao nhiêu từ vựng? Bí quyết học từ vựng hiệu quả
-
2024-11-21 10:01:00
Đầu tư mua sắm trang thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp khó
-
2024-09-01 06:20:00
Công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025
Học sinh khoá đầu tiên FPT School Thanh Hoá trải nghiệm 2 tuần định hướng cực chất
Học thêm thực chất
Ngành Giáo dục Hậu Lộc vững tin bước vào năm học mới
Ocean Edu đồng hành cùng hàng chục ngàn phụ huynh và học sinh trong hành trình “Cùng con hạnh phúc - Thấu hiểu và đồng hành”
[Video]: Mường Lát sẵn sàng cho năm học mới
Đưa phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng
171 học sinh được nhận thưởng từ Quỹ khuyến học Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh
Master Media Academy sẵn sàng đón chào mùa tuyển sinh 2024
Tự hào Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ