(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, huyện Triệu Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN, TTCN). Nhiều dự án đầu tư đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Hiện huyện đang tiếp tục tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN) hiện có, lập quy hoạch thành lập các CCN mới; các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Huyện Triệu Sơn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Thời gian qua, huyện Triệu Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN, TTCN). Nhiều dự án đầu tư đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Hiện huyện đang tiếp tục tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN) hiện có, lập quy hoạch thành lập các CCN mới; các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Huyện Triệu Sơn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệpMột góc khu công nghiệp liên xã Dân Lý, Dân Lực, Dân Quyền.

Theo báo cáo của UBND huyện Triệu Sơn, trên địa bàn hiện có 4 CCN đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 2888/QĐ-UBND ngày 9-8-2017; trong đó, có 2 CCN đã đi vào hoạt động và 2 CCN đã lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đó là, CCN liên xã Dân Lý, Dân Lực, Dân Quyền, tổng diện tích 50 ha, tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng. Trong đó, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, gồm các hạng mục, như: kênh tiêu và hệ thống xử lý chất thải, đường gom, xây dựng đường điện 35KV..., tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ đồng. Hiện có 7 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cụm, với diện tích đất cho thuê 10,9 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 30%; tạo việc làm cho khoảng 1.400 lao động, thu nhập ổn định bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. CCN Đồng Thắng, diện tích quy hoạch 5,5 ha và hiện chưa được quy hoạch chi tiết xây dựng, chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật. CCN Nưa, diện tích quy hoạch 20 ha và hiện có 1 dự án với các nhà máy sản xuất bê tông thương phẩm, bê tông Asphalt, nhà máy gạch không nung và các dịch vụ hỗn hợp khác của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Bắc Nam đang đầu tư xây dựng, với diện tích khoảng 3,2ha. UBND huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Nưa để thu hút các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. CCN Hợp Thắng, diện tích 70 ha, tổng mức đầu tư 525 tỷ đồng và nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH Đầu tư Trường Đại Lộc...

Hiện trên địa bàn huyện Triệu Sơn có một số dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh và đạt hiệu quả khá, như: nhà máy may xuất khẩu tại xã Vân Sơn, nhà máy may xuất khẩu Ivory xã Thọ Vực, nhà máy bê tông thương phẩm và gạch không nung Hà Thanh, nhà máy ván ép Triệu Thái Sơn... Đi đôi với đó, nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp hiện có trên địa bàn đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đầu tư nhà xưởng, đổi mới dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, như: Công ty TNHH Sơn Trung Hiếu, Công ty TNHH Triệu Thái Sơn, Công ty TNHH Giày ALERON Việt Nam... Ngoài ra, trên địa bàn huyện, các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đang thực hiện các bước đầu tư, như: Nhà máy may The S&S Vina tại xã Hợp Thành, với diện tích 2,3ha, tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng; nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại xã Đồng Tiến, diện tích 4,7ha, công suất 5 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng; nhà máy may xuất khẩu S&D tại xã Dân Lực, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng; nhà máy bê tông thương phẩm, bê tông Asphalt và gạch không nung tại thị trấn Nưa, tổng mức đầu tư 34,7 tỷ đồng; khu thương mại dịch vụ, trưng bày sản phẩm và chế biến lâm sản Thông Hạnh tại xã Thọ Sơn, tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng...

Về TTCN, đến nay trên địa bàn huyện có 2.462 cơ sở cá thể sản xuất TTCN, tăng 228 cơ sở so với năm 2015, giải quyết việc làm cho trên 8.000 lao động, thu nhập bình quân 70 triệu đồng/lao động/năm; với các ngành nghề như mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, sản xuất kim khí, cơ khí gò hàn, chế biến nông sản thực phẩm... được duy trì sản xuất ổn định. Các ngành nghề truyền thống được khôi phục, việc nhân cấy nghề mới và đã tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, như: mô hình làm mi, tóc giả ở các xã Dân Lực, Dân Quyền.

Để đẩy mạnh phát triển CN, TTCN trên địa bàn, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, huyện Triệu Sơn xác định mục tiêu trong thời gian tới, đó là: Lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 CCN Hợp Thắng, với quy mô 70 ha; CCN Nưa quy mô 20 ha; điều chỉnh mở rộng CCN liên xã Dân Lực, Dân Lý, Dân Quyền lên 70 ha. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm để đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các CCN. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án CN chế biến, CN sử dụng nhiều lao động, CN có giá trị gia tăng cao, CN thân thiện với môi trường. Phấn đấu giá trị sản xuất CN đến năm 2025 đạt 17.457 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm từ 19,6% trở lên, giải quyết việc làm thêm cho 25.000 lao động.

Đồng chí Mai Nhữ Thắng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình phát triển CN trên địa bàn, giai đoạn 2021 – 2025. Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển CN, đó là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong phát triển CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa các cấp, các ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển CN. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc triển khai thực hiện chương trình phát triển CN trên địa bàn. Nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển CN, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư. Xây dựng, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 gắn với quy hoạch phát triển CN, đô thị và dịch vụ. Đầu tư phát triển các CCN gắn liền với xây dựng đồng bộ các cơ sở dịch vụ, điểm dân cư, tạo điều kiện sống và làm việc cho lao động ở các CCN. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng công nghệ tiên tiến và các dự án phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng xây dựng chương trình, dự án phát triển nguyên liệu vùng rau, quả các loại; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản... có chất lượng cao, gắn với đầu tư xây dựng cơ sở CN chế biến, tiêu thụ sản phẩm phù hợp.

Bài và ảnh: Xuân Hùng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]