Huyền bí thác Trai Gái
Xuân Lẹ có lẽ là xã có số lượng thác nước nhiều nhất trên địa bàn huyện Thường Xuân. Nào là thác Canh Giang, thác Gió (thôn Xuân Sơn); thác Cánh Giang (thôn Bọng Nàng) và nổi tiếng hơn cả là thác Trai Gái ở thôn Liên Sơn.
Thác Trai Gái là nơi phụ nữ Thái ở Thường Xuân thường đến vui chơi, chụp ảnh. Ảnh: H.C
Thác Trai Gái gắn với câu chuyện tình yêu mà bao thế hệ vẫn còn kể lại cho nhau nghe. Chuyện kể rằng, một đôi trai gái không cùng bản mến nhau qua từng ánh mắt nhìn âu yếm, lời nói ngọt như giọt mật ong rừng; qua từng bước chân, nhát cuốc trong những lần gặp trên rừng, trên rẫy.
Biết cô gái đã đem lòng yêu mến chàng trai, nhưng bố mẹ cô gái không đồng ý, ép cô gái phải về làm dâu một gia đình giàu có, quyền lực ở trong vùng, với mong muốn con gái được sung sướng.
Nỗi buồn của chàng trai cô gái gửi theo tiếng “Pí Khùi”- sáo gọi bạn tình - vang cả góc rừng, làm con thú hoang, chim muông cũng mủi lòng. Một hôm, chàng trai có công việc phải đi sang xứ Mường xa. Cũng là ngày gia đình cô gái nhận lễ vật cưới từ gia đình giàu có nọ. Theo lệ, sáng hôm sau cô gái được nhà trai bắt về làm dâu. Nghe tin, chàng trai liền vượt núi rừng quay về bản. Cô gái ngồi khóc bên cửa, mang theo lời cầu nguyện được gặp lại người yêu. Và thỏa ước mong, chỉ nghe tiếng động dưới chân cầu thang, cô gái đã nhận ra người yêu. Họ gặp nhau, nói chuyện hiếu, nghĩa, ân tình, rồi cả hai cùng quyết định bỏ trốn. Họ dắt tay nhau luồn rừng, chân toác máu trong tiếng thú dữ gầm rú, sương mù mịt đêm trăng... và chạy như người có tội bị rượt đuổi phía sau.
Đến một ngọn núi cao có tiếng thác đổ, hai người ngồi ở một tảng đá lớn, cầu nguyện trời đất chứng giám cho tình yêu, mong được làm vợ chồng ở kiếp sau. Rồi họ cùng nhau nhảy xuống thác nước. Cảm động trước tình yêu chân thành ấy, các vị thần đã biến họ thành hai con cá Láu, quấn quýt bên nhau.
Ngoài vẻ đẹp thiên tạo, thác Trai Gái còn đẹp hơn nhờ rất nhiều những câu chuyện xung quanh nó. Ở quanh thác, thỉnh thoảng người đi rừng nhìn thấy đá thạch anh, hình lục lăng, trong suốt, có nhiều màu như giọt nước mắt của cô gái trên đường bỏ trốn cùng người yêu. Họ còn truyền tai nhau, hễ ai nhìn thấy đôi cá lạ dính nhau không rời thì sẽ gặp may mắn trong tình yêu. Mỗi người bằng cách tiếp cận các dị bản, lại kể về chuyện tình của đôi trai gái ở vùng đất Xuân Lẹ khác nhau. Song, qua năm tháng, câu chuyện ấy không nhạt nhòa mà còn được bồi đắp thêm qua tiếng sáo gọi bạn tình, văn hóa cưới xin, các điệu hát khặp...
Nằm trên núi Sẳn Pha, bắt nguồn từ con sông Năm Muồng chảy từ Nghệ An sang, thác Trai Gái có nhiều tầng (thác nhỏ) với các tên gọi: Canh Cù (còn gọi là Lanh Ngài), Nhà Bạt... Ở nhiều điểm có các bãi đá, phiến đá lớn bằng phẳng, thác nước cao tới cả trăm mét...
Hiện nay, thôn Liên Sơn có 106 hộ với 553 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái (trắng) chiếm 95%. Điều kiện giao thông đi lại khó khăn là cản trở lớn nhất trong đời sống sinh hoạt của người dân. Học sinh không thể đến điểm chính của trường mầm non, tiểu học mà phải học ở khu lẻ ngay trong thôn. Chưa tìm ra cách phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đến nay thôn vẫn còn gần 40% là hộ nghèo.
“Thực sự tôi vẫn mong có một ngày, thác Trai Gái sẽ được đầu tư về cơ sở hạ tầng. Bởi khi có sự đầu tư của nhà nước thì người dân cũng mới dám vay tiền ngân hàng để làm chòi, lán... bán hàng, phục vụ khách đến vui chơi. Ở trong thôn còn có một con suối nước nóng, mùa đông chúng tôi thường vào hốc đá tắm, nước ấm lắm”. Nhưng suối nước nóng ấy mới có bà con trong thôn, trong xã biết thôi. Đặc biệt, trong thôn còn khoảng 50 nhà gỗ. Nếu có sự kết nối giữa các lợi thế này, có thể sẽ mở ra cơ hội để bà con thoát nghèo, đời sống đỡ chật vật”, ông Lữ Văn Duyệt, Bí thư chi bộ thôn Liên Sơn nói.
Chia sẻ với chúng tôi tiềm năng du lịch của huyện Thường Xuân nói chung và xã Xuân Lẹ, ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân cho biết: Để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhằm cụ thể hóa đề án và quảng bá du lịch địa phương, huyện Thường Xuân đã rà soát, kiểm kê từ đó đưa vào danh mục đầu tư, quảng bá và xây dựng tour, tuyến đến các điểm tham quan. Trong đó, các thác nước đang được quan tâm.
HUYỀN CHI
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-06-20 09:48:00
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa
Viết lên hy vọng - Cuốn nhật ký đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ
Thanh Hóa chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát”
Liên kết vùng để phát triển du lịch
Huy động nguồn lực, linh hoạt, sáng tạo thu hút khách du lịch
Khám phá những hang cá “thần” trên quê hương xứ Thanh
Non nước Cửa Bạng
Bác Hồ sống mãi
“Tình Bác như ngàn hoa tỏa ngát”
Sầm Sơn “...sẽ thu được nhiều của cải từ đây”