Hội nghị thượng đỉnh BRICS: Thảo luận nhiều vấn đề “nóng”
Từ ngày 22-24/10, tại Kazan (Nga) sẽ diễn ra một sự kiện được cộng đồng quốc tế quan tâm - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS). Chương trình nghị sự của hội nghị sự kiến sẽ thảo luận nhiều vấn đề “nóng” của khu vực và thế giới.
Chương trình nghị sự: Tập trung giải quyết các “điểm nóng”
Với chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu một cách công bằng”, Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ tập trung thảo luận các vấn đề hiện tại trong chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực, thực trạng hợp tác chung trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược BRICS trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và nhân đạo.
Lãnh đạo các nước thành viên BRICS cũng sẽ thảo luận các cuộc xung đột quân sự, đặc biệt vấn đề Ukraine có thể được đề cập, mặc dù theo chương trình không có phiên họp riêng giành cho chủ đề này. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, “vấn đề Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh, nhưng mỗi quốc gia thành viên có thể nêu chủ đề mà họ thấy cần thiết và quan trọng”.
Phái đoàn cấp cao của Trung Quốc, Brazil, 2 quốc gia thể hiện sự tích cực trong thúc đẩy giải pháp ngoại giao chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ tập trung tại Kazan. Mặc dù, những sáng kiến hòa bình mà 2 nước này đưa ra vào tháng 5/2024, theo một số chuyên gia, chưa phải là công thức phù hợp để giải quyết vấn đề Ukraine hiện nay, nhưng ít nhiều có giá trị khi kêu gọi các bên xung đột ngồi vào bàn đàm phán và bắt đầu đối thoại.
Dự kiến nhóm “Những người bạn của hòa bình”, nền tảng nhằm giải quyết xung đột Ukraine do Trung Quốc và Brazil khởi xướng, cũng sẽ có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này. Hiện nay, nhóm bao gồm hơn 100 quốc gia và có thể nhờ cuộc họp ở Kazan, số lượng “Những người bạn của hòa bình” sẽ gia tăng, góp phần thúc đẩy một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, một thành viên trong phái đoàn châu Phi đã đến Kiev và St. Petersburg vào năm 2023 để thúc đẩy hòa bình Nga-Ukraine, cũng sẽ đến Kazan. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ tới Nga, quốc gia thường xuyên đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Chính tại Istanbul, Moscow và Kiev gần như đã ký một thỏa thuận hòa bình vào năm 2022, mà theo Nga, thỏa thuận này nên được lấy làm cơ sở cho các thỏa thuận trong tương lai.
Ngoài vấn đề Ukraine, các cuộc xung đột ở Trung Đông nhiều khả năng sẽ nằm trong chương trình nghị sự, nhất là sau khi Iran thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel nhằm đáp trả vụ sát hai người đứng đầu Bộ Chính trị của phong trào Hamas Ismail Haniyeh, Tổng Thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah và chỉ huy cấp cao của Lực lượng Quds, đơn vị hoạt động ở nước ngoài của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Abbas Nilfroushan. Hiện nay, các hoạt động quân sự mở rộng của Israel ở Lebanon và Dải Gaza vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian dự kiến có các cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Không loại trừ khả năng chủ đề của các cuộc gặp là nhằm ngăn chặn sự leo thang xung đột với Israel, mở ra cánh cửa đàm phán với phương Tây.
Ngoài ra, giải pháp cho vấn đề Palestine cũng sẽ được thảo luận tại Kazan vì Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh. Trước đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện thông tin ông Erdogan có thể gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Kazan lần đầu tiên sau 13 năm. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có xác nhận chính thức nào về việc ông Assad đến Nga và khả năng diễn ra một cuộc gặp như vậy.
Chính sách cô lập Nga của phương Tây thất bại?
Dự kiến, các phái đoàn từ 32 quốc gia sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng, 24 trong số đó sẽ có đại diện của các nguyên thủ quốc gia. Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ quy tụ các đại diện từ hầu hết các châu lục và khu vực trên thế giới. Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, đại diện châu Á sẽ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hay Tổng Bí thư Lào Thongloun Sisoulith. Từ Mỹ Latinh, ngoài Brazil, sẽ có các phái đoàn cấp cao từ Cuba, Nicaraqua và Bolivia. Trung Đông sẽ có đại diện từ Iran, Saudi Arabia, Bahrain... Từ châu Âu, Phó Thủ tướng Alexander Vulin sẽ đại diện cho phái đoàn Serbia tham dự hội nghị.
Ngoài ra, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), đặc biệt là Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, cũng sẽ có mặt tại hội nghị.
Theo cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ordzhonikidze, việc Nga tổ chức một sự kiện có quy mô như Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng như một tín hiệu cho thấy BRICS đang nổi lên như một nền tảng quốc tế quan trọng. Việc nhiều quốc gia tham gia hội nghị đồng nghĩa với sự công nhận của các nước này và coi Nga như là một đối tác quan trọng của họ. Ông Sergei Ordzhonikidze cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh BRICS đối với Nga là một trong những sự kiện quốc tế lớn, có ý nghĩa địa chính trị sâu sắc. Quy mô của hội nghị cho thấy uy tín quốc tế của Nga, đồng thời như một thông điệp khẳng định chính sách cô lập Nga của các nước phương Tây đã thất bại.
Vấn đề mở rộng BRICS
Vấn đề mở rộng BRICS có thể được coi là điểm mấu chốt của hội nghị thượng đỉnh sắp tới. BRICS hiện đang nhận được sự chú ý ngày càng tăng từ phía Nam toàn cầu. Trước đó, Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira cho biết, số quốc gia mong muốn gia nhập BRICS đã tăng lên 40 quốc gia.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, bản thân việc mở rộng cho thấy sức hút của BRICS, nhưng ngược lại quá trình này sẽ mang lại nhiều tiềm ẩn rủi ro. Nếu quá trình này không được kiểm soát thì BRICS sẽ có quá nhiều quốc gia có vị thế và trình độ phát triển khác nhau. Điều này cuối cùng có thể làm phức tạp việc thông qua các quyết định chung và khiến BRICS kém linh hoạt hơn.
Rõ ràng, sức hấp dẫn của BRICS là không thể phủ nhận. Hiện tổng GDP của các BRICS là hơn 60 nghìn tỷ USD, vượt qua GDP của các nước G7. Đáng chú ý là ở phương Tây cũng có nhu cầu hợp tác với BRICS ngày càng tăng. Năm 2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ mong muốn tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi. Năm nay, đến lượt Hungary tỏ ra quan tâm đến việc hợp tác chặt chẽ với BRICS, nỗ lực duy trì đối thoại tích cực với Nga và Trung Quốc.
Đối với vấn đề này, Phó Giáo sư Alexey Martynov, Chuyên gia tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga nhận định, BRICS đang cho thấy sự tăng trưởng kinh tế ổn định và nhiều nước muốn tham gia hợp tác với nhóm. Nhiều doanh nghiệp từ những quốc gia được coi là “không thân thiện” hiện đang tìm cách thông qua hòa giải để tham gia vào một số dự án nhất định liên quan đến BRICS.
Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan sẽ thảo luận về sự chuyển đổi của hệ thống tài chính quốc tế, phát triển hợp tác liên ngân hàng và mở rộng thanh toán lẫn nhau bằng đồng nội tệ. Vào ngày 19/10, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới Dilma Rousseff đã đến Kazan để tham gia đàm phán. Hiện tại, tỷ trọng tiền tệ quốc gia trong thanh toán ở các quốc gia BRICS là 65%, trong khi tỷ trọng của đồng USD và đồng Euro giảm xuống còn 30% hoặc ít hơn. Mặc dù vấn đề thống nhất một loại tiền tệ duy nhất cho BRICS vẫn chưa nằm trong chương trình nghị sự nhưng các thành viên của khối này đang nỗ lực tăng cường quyền tự chủ và chủ quyền tài chính của mình. Ngoài ra, nhóm đang phát triển các cơ chế thanh toán có khả năng chống lại rủi ro bên ngoài và có thể đảm bảo hoạt động bình thường và phát triển thương mại giữa các nước BRICS. Đây có thể được coi là một nỗ lực của Nga nhằm vô hiệu hóa cấm vận từ phương Tây.
HÙNG ANH
{name} - {time}
-
2025-01-21 08:11:00
“Thời đại hoàng kim” của nước Mỹ bắt đầu
-
2025-01-21 06:47:00
Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng: Ổn định hay biến động?
-
2024-10-19 11:19:00
Cơ hội cho hòa bình ở Dải Gaza sau khi thủ lĩnh Hamas bị sát hại
Liên hợp quốc cảnh báo hơn 1,1 tỷ người trên thế giới sống ở mức nghèo cùng cực
Giải mã quyết định tổ chức bầu cử Hạ viện sớm của tân Thủ tướng Shigeru Ishiba
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran
Hội nghị thượng đỉnh Ramstein bị hoãn: Phương Tây thay đổi quan điểm về Ukraine?
Giới chuyên gia cảnh báo hậu quả kinh tế từ xung đột Trung Đông
Hàn Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á
Nguy cơ với nền kinh tế Anh khi mức nợ công sắp chạm ngưỡng 3.000 tỷ bảng
Từ màn tranh luận giữa hai phó tướng đến nền tảng của hệ thống chính trị Mỹ
Căng thẳng Nga - NATO sẽ hạ nhiệt dưới thời tân Tổng thư ký Mark Rutte?