Hoa rơi trong gió
Trời hửng nắng, những cơn gió heo hắt xuống giàn hoa hồng leo trước ngôi nhà nhỏ, mùi hương dịu nhẹ đưa đẩy. Giáp tết, không khí thoáng đãng, những hạt mưa xuân lất phất xuống đất trời. Căn nhà nhỏ vang lên bản tình ca bolero du dương. Như một hẹn ước của gia đình, cứ chiều ba mươi tết, căn nhà nhỏ nơi góc phố thanh bình lại rộn ràng tiếng nói cười của những đứa con trở về ăn tết. Mùi trầm hương, tiếng lạch cạch dao thớt dưới căn bếp vang lên nhịp nhàng.
Minh họa của Bùi Thị Ngoan
Đặt chiếc ba lô nặng trịch xuống đất, cô rón rén đi sâu vào phía sau căn nhà. Bố đang ngồi cặm cụi bên con gà trống chắc mẩy, chiếc mào đỏ rực. Vừa làm bố vừa huýt sáo, chiếc đầu khẽ lắc lư khiến mẹ cười giòn tan.
- Lên chức ông rồi mà như trẻ con, lũ nhỏ thấy chúng lại cười cho.
- Không có tôi, bà lại chả buồn hết nước mắt ấy à.
- Thôi... thôi... ông nhanh tay lên cho tôi nhờ, không biết chừng nào cái Minh nó mới về đến nhà. Năm nào nó cũng mải mê với công việc, chả chịu tính chuyện chồng con...
Nghe thấy mẹ nhắc đến mình, cô vội vã cất tiếng:
- Mẹ lại thế rồi! Con mới 30 lo gì ế đâu mà sợ bố nhỉ?
Người mẹ với gương mặt phúc hậu khẽ giật mình, ngoảnh mặt lại nhìn đứa con gái yêu đang cười duyên dáng phía sau. Cô vòng tay ôm lấy mẹ. Mùi thức ăn ngầy ngậy ập vào đầu mũi. Cô thích nhất mỗi lần trở về, bỏ lại bộn bề của cuộc sống xô bồ nơi phố thị để được ôm lấy mẹ, hít hà mùi bồ kết ở mái tóc đã nhuộm màu thời gian, tối đến gối đầu lên cánh tay tròn lẳn, hít hà làn da mát lịm của mẹ. Khi đó mọi vướng bận của cuộc sống dường như tan biến hết, cô nằm gọn gẽ trong lòng mẹ để tận hưởng tất cả tình yêu thương và ấm áp. Nhà cô có bốn anh em, anh trai đầu, kế sau là ba cô em gái. Các anh chị cô đều đã lập gia đình và lóc nhóc đàn con. Cô là con út, theo đuổi niềm đam mê từ tấm bé với văn chương, để chất chồng cho bố mẹ nỗi lo lẻ bóng của mình.
- Anh và các chị về chưa hả mẹ?
- Đông đủ cả con ạ. Mấy anh chị đang ở quảng trường. Con ra đó chơi đi, ở nhà mọi việc cũng xong xuôi hết rồi.
Cô lí lắt vâng dạ. Đường ầm ào những âm thanh của tết, nhinh nhích người qua lại. Sắc xuân, khí xuân ngập tràn. Mỗi lần tết đến, nơi này lại trở nên tấp nập, sầm uất hơn bao giờ hết. Từ mọi nơi, người người đổ về bày buôn bán đủ mặt hàng. Cô thích nhất lang thang ra quảng trường để sà vào quán cóc ven hè, hít hà cốc trà nóng hổi, đưa tầm mắt để bao quát phố xá. Từng sự biến đổi của góc phố nhỏ cũng khiến tâm hồn cô lớn dần lên trong tình yêu dành cho thành phố của mình.
Cô đưa mắt kiếm tìm bóng người thân thuộc. Hàng nối hàng, những cành đào vồng lên, đan xen màu đỏ, hồng rực rỡ trong nắng, những cánh mai e ấp như nụ cười thiếu nữ, tiếng chào mời, tiếng trò chuyện hòa vào nhau, lan vào một vùng không gian rộng lớn. Bóng anh trai cùng chị gái cô đang lấp ló trong gian hàng bày bán đào rộ sắc áo. Gương mặt ai cũng rạng rỡ. Nếp xưa của nhà cô vẫn thế, cành đào bao giờ cũng do người đàn ông trong gia đình tự tay chọn lựa. Những thân đào khỏe khoắn, xù xì nhưng chắc mập, vươn những cành hứng trọn lấy chồi lá xanh mơn mởn điểm tô cùng màu phơn phớt hồng của những cánh hoa, lấp ló quả non khiến người xem ưng mắt.
- Cô út đây rồi, chúng tôi chờ cô mãi. Giờ đến phần cô đi chọn hoa về trưng tết chứ nhỉ.
Nói rồi anh hớn hở đưa mắt về phía chàng trai đứng bên cạnh, giới thiệu:
- Đây là Hùng, bạn học của anh từ hồi cấp ba, cái thằng mà cô suốt ngày èo ẹo đòi hắn làm diều để thả, nhớ không? Hắn làm ăn trong Nam vẫn chưa chịu lấy vợ, nay hắn về ăn tết, cô đưa hắn đi cùng cho có bạn nhé!
Ánh mắt tinh quái của anh hướng về phía Hùng, khiến cô đỏ mặt. Những kỷ niệm xưa cũ ập về như một cuốn phim đầy cảm xúc. Ngày ấy cô còn là đứa trẻ nít, suốt ngày thập thững theo lũ bạn của anh chơi đủ trò con trai. Trong trí nhớ, Hùng là người anh điềm đạn, hay làm mọi thứ trò chơi mà cô yêu cầu, người luôn cốc lên đầu cô mỗi lần cô lành chanh hay làm điều gì đó dại dột khiến anh phiền lòng. Ấy vậy mà giờ đây, trước mắt cô, anh chàng thư sinh ngày ấy giờ chỉ còn lại dáng phong trần với nước da đen xạm, ánh mắt vẫn sáng và ấm áp. Đi bên Hùng cao lớn, khiến cô thấy nhỏ bé và ngượng ngùng.
Buổi chiều tan nhanh, Hùng đưa cô về nhà với lời hẹn gặp lại rồi hai người tạm chia tay. Sau buổi cơm tất niên, bố mẹ lại sửa soạn đồ để đến thăm những gia đình trong họ. Đồ biếu chẳng gì nhiều nhặn, chỉ dăm ba gói mứt xanh đỏ, vài chiếc bánh chưng và ít kẹo lạc do chính tay mẹ cô làm cũng khiến mắt bố lúc nào cũng nhìn mẹ đầy yêu thương và cảm kích. Bố bảo cái cốt là tình cảm dành cho nhau, sự quan tâm dù nhỏ nhưng sẽ luôn là sức mạnh bền nhất để vượt qua mọi sóng gió. Những điều bố mẹ làm, đã ăn dần vào nếp nghĩ của mỗi anh em cô.
Nhìn bố mẹ dẫn lít nhít lũ cháu đi khỏi nhà, sự yên lặng lại trở về với không gian nhỏ, cô thấy ấm lòng.
- Hợp quân nào!
Nghe tiếng “hiệu lệnh” quen thuộc của anh trai, cô vội vàng rảo nhanh chân vào nhà. Chiếc giường rộng chỉ chừng mét rưỡi, đặt ngay ngắn trong căn buồng giữa là nơi đêm ba mươi nào anh em cô cũng tụ tập hàn huyên đủ mọi thứ chuyện. Anh trai cô gọi đùa là bản kiểm điểm của bốn anh em để báo cáo với bố mẹ sau một năm miệt mài làm việc.
- Năm nay đến lượt cô út báo cáo. Từ chuyện văn chương nghề nghiệp đến việc chồng con, cô dự định thế nào?
- Văn chương thì được, chứ chồng con thì cho em khất.
- Đam mê công việc là tốt nhưng giờ cô ổn định hạnh phúc cho mình còn tốt hơn. Con gái tuổi xuân có hạn.
- Vì có hạn nên em mới tận dụng để lo cho sự nghiệp trước. Lấy chồng, đẻ con, thời gian đâu sống với đam mê riêng mình nữa anh.
- Lại nói đam mê. Tôi nhớ hồi cô tập tọe viết những dòng đầu tiên cô bị một trận đòn oan cho khởi nghiệp viết văn của mình, cô nhớ không?
Làm sao cô quên được, những năm tháng bỡ ngỡ ấy, cô chỉ là con bé học lớp sáu, với sự góp nhặt mọi chuyện xung quanh mình để nắn nót viết những mẩu chuyện con con rồi gửi đến tòa soạn. Câu chuyện của cô được in, nhìn tên mình trên trang báo, lòng cô hân hoan, cảm giác bay bổng. Khi nhận được tiền nhuận bút gửi về, cô lặng lẽ cất thật kỹ dưới quần áo. Mẹ vô tình phát hiện ra, sự chất vấn, nghi ngờ và dò hỏi của cả bố và mẹ khiến cô ấm ức lẫn tủi hờn. Vết roi lăn vào đôi bắp đùi, cứ mãi hằn sâu vào tâm thức của cô lúc đó. Mãi đến khi chị gái mang tờ báo có tên cô cho mẹ xem, cô mới được vỗ về, được xoa dịu. Gió vẫn cứ trải dài trên giàn hoa hồng leo trước nhà, năm tháng vượt dần trong sự khôn lớn của cô.
- Chị nhớ cô viết văn điều cấm kỵ nhất đó là có người đọc lén tác phẩm của mình khi nó chưa hoàn thiện đúng không?
Cô bẽn lẽn cười, vì biết chị gái nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ giữa hai chị em. Lần ấy cô đang học cuối cấp ba. Dù đã được mẹ dặn dò là dành toàn bộ thời gian vào việc học, ôn thi, nhưng trong đầu cô suốt ngày quanh quẩn với những câu chữ văn chương. Cô lén bố mẹ, ngồi hàng giờ để viết cho thỏa đam mê của mình. Có lần chị gái cô được nghỉ học về thăm nhà, tình cờ thấy bản thảo của cô để dở dang trên bàn, đã lướt qua và rồi bị cuốn hút bởi những câu chữ và câu chuyện trong đó. Khi thấy bản thảo mình đang viết bị xem, cô lặng lẽ lau nước mắt đốt hết tập bản thảo dang dở ấy trước sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của chị gái. Bố vẫn cứ ngay ngáy lo tâm hồn quá nhạy cảm của đứa con gái út của mình, sợ cái bay bổng của văn chương sẽ cướp đi những giá trị hạnh phúc đơn thuần của gia đình, sợ sự đa đoan đã đeo bám bao số phận bất hạnh của những người đàn bà viết văn. Nhưng rồi khi cô học năm thứ ba, chuẩn bị trở thành một cô giáo như bố mong muốn, cô lại lén thi vào trường viết văn, ngôi trường mà mỗi lần đi ngang qua cô lại thấy hồi hộp, ao ước. Giấy trúng tuyển đến tay bố vào một ngày đầu thu. Cô nhớ gió hôm ấy xao xác trên suốt chặng đường cô trở về nhà, những cánh hoa hồng leo rơi rụng xuống khoảng sân vắng lặng. Bố cô ngồi đó, nhìn đứa con gái út, khẽ thở dài nói:
- Thôi thì bố mẹ cũng không ngăn cản nữa. Nhưng bố mẹ chỉ có một điều kiện. Con đã chuẩn bị học xong rồi, nếu muốn theo đuổi đam mê của mình thì hãy dùng nó để trang trải cho việc học sau này của con.
Cô vui mừng. Suốt năm tháng là sinh viên trường viết văn, cô bươn bả lao vào cuộc sống, những truyện ngắn của cô không chỉ còn là những câu chuyện mơ hồ về tình yêu mơ mộng, tất cả đã được thở với chất liệu đời thực, nỗi đau, cảm xúc bằng trái tim. Cô dần khẳng định niềm tin với bố bằng chính những nỗ lực, cố gắng của bản thân. Bố mỉm cười và đón nhận đam mê của đứa con gái bằng sự hãnh diện với mọi người.
Chiếc đồng hồ đều đặn nhúc nhắc chạm đến thời khắc giao thừa, đêm dậm vào gió những tiếng vi vu. Ai trong nhà cũng sửa soạn cho thời khắc quan trọng đầu năm mới. Lũ trẻ con xúng xính trong những chiếc áo thơm mùi hương dịu nhẹ. Cô mặc áo dài, tô hồng thêm đôi môi rồi bước ra phòng khách. Tiếng trò chuyện sôi nổi, tiếng chúc mừng tràn ngập căn nhà nhỏ của cô. Lời anh trai vang lanh lảnh bên cạnh:
- Cô út hôm nay nom điệu đàng, ra dáng thục nữ ấy Hùng nhỉ?
Ánh mắt người con trai nhìn cô đầy ấm áp. Hùng đến theo lời hẹn, cô cúi đầu ngượng ngùng. Xuân về, những cánh hoa nhẹ rơi trong gió như đang điểm tô thêm sắc màu tình yêu rực rỡ khắp đất trời.
Truyện ngắn của Ngân Hằng
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-02-08 17:06:00
Hòa vào linh khí rồng thiêng
Tự hào 995 năm Danh xưng Thanh Hóa
Chuyện bà đỡ
Tết nhảy của người Dao Thanh Hóa
Sức sống trường tồn của Văn hóa Đông Sơn
Mùa xuân về nhớ Bác khôn nguôi!
TS Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế: Phát triển nguồn nhân lực y tế - đã đến lúc phải đổi mới quyết liệt từ nhận thức đến hành động
Phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế
Tiếng trống Xuân Phả
Trường Sa kì vĩ