Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP bền vững
Thanh Hóa luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể sản xuất từ khâu tuyên truyền, quảng bá, đào tạo tập huấn, nâng cao chất lượng sản phẩm đến mở rộng vùng nguyên liệu... để các sản phẩm OCOP phát triển bền vững. Với sự trợ lực kịp thời, tích cực của các cấp, ngành, địa phương, đã có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao.
Được sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, địa phương, Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham (Quảng Xương) có điều kiện mở rộng nhà xưởng để sản xuất quy mô lớn.
Quảng Xương là một trong những địa phương tiên phong xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, với những sản phẩm OCOP “đầu lòng” của tỉnh, như: ngâm chân Mộc Việt, lá xông cảm lạnh của cơ sở đông y Quang Anh, xã Quảng Khê... Đến nay, huyện có 26 sản phẩm OCOP; trong đó, có 5 sản phẩm 4 sao và 21 sản phẩm 3 sao. Để đạt được những thành tựu bước đầu trong xây dựng sản phẩm OCOP, Quảng Xương đã không ngừng nỗ lực phát huy thế mạnh địa phương. Đồng thời, tích cực thực hiện hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình, như: hỗ trợ 50 triệu đồng cho sản phẩm OCOP 3 sao và 100 triệu đồng đối với sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Ông Lê Đại Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, cho biết: "Trong thực hiện Chương trình OCOP, Quảng Xương chú trọng ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền; hỗ trợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP. Đồng thời, tập trung hỗ trợ kết nối thương mại để từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm OCOP. Theo đó, các sản phẩm đều định hướng phát triển theo chiều sâu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất và chế biến để tạo ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp.
Tại xã Quảng Nham, ông Thạch Văn Hiểu phát triển được 3 sản phẩm OCOP là nước mắm đặc biệt, moi khô và mắm tôm mang thương hiệu Cự Nham. Sau hơn 3 năm tham gia chương trình, nhãn hiệu Cự Nham đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Ông Thạch Văn Hiểu, Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham, cho biết: "Khi tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, chúng tôi được huyện hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, quy trình sản xuất để hoàn thiện sản phẩm. Đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng để tích tụ, tập trung đất xây dựng nhà xưởng quy mô lớn, phù hợp với nhu cầu phát triển. Với 3 sản phẩm OCOP đã phát triển được, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã cũng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để tiếp tục đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham đã có 2 khu nhà xưởng rộng hàng nghìn m2, mở rộng thị trường ra 40 tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 400 đại lý tiêu thụ. Mỗi tháng, công ty xuất bán khoảng 2.000 lít mắm các loại, doanh thu bình quân đạt khoảng 800 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 485 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, đa phần sản phẩm OCOP của tỉnh đều được phát triển ở quy mô nhỏ lẻ. Do đó, trên cơ sở định hướng, hỗ trợ của tỉnh và sự chủ động đầu tư của các thành phần kinh tế, các sở, ngành đã tích cực tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP; tạo điều kiện, hỗ trợ chủ thể tham gia gian hàng tại hội chợ, gian hàng trên sàn thương mại posmart.vn và voso.vn... Các sở, ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh đã tổ chức hội nghị đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhập trên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tổ chức, tạo điều kiện để các chủ thể tham gia nhiều hội chợ, thương mại và quảng bá sản phẩm... Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường và dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã và đang chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; hỗ trợ chủ thể về nguồn lực và cơ chế chính sách để đầu tư mở rộng sản xuất, quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các chủ thể xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm OCOP... góp phần phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-12-23 12:35:00
Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết
-
2024-12-23 10:37:00
Thị trường giỏ quà Tết 2025: Hàng Việt chiếm ưu thế
-
2024-06-08 13:50:00
Thành Lộc: Nhiều giải pháp phát triển kinh tế
Phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía
Hơn 325 tỷ đồng đầu tư trạm dừng nghỉ tuyến Cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn
Bản tin Tài chính ngày 8/6: Vàng “lao dốc”, người dân cẩn trọng trước thông tin thất thiệt
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp vào ngày 1/7/2025
Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Sydney
Tháo “điểm nghẽn”, thúc tiến độ Dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống
Triệu Sơn: Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh
Nhìn thẳng hạn chế để đưa Chỉ số PCI bứt phá
Bản tin Tài chính ngày 7/6: Giá vàng tuột dốc không phanh; USD đồng loạt tăng