Hỗ trợ người dân phát triển mô hình sản xuất hiệu quả
Bên cạnh việc củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức hội cơ sở, Hội Làm vườn và Trang trại (LV&TT) huyện Quảng Xương đã dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương khuyến khích hội viên, người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học - kỹ thuật phù hợp với điều kiện sản xuất.
Hội LV&TT huyện Quảng Xương thăm mô hình nuôi gà đẻ trứng tại xã Quảng Ninh.
Theo chân ông Mai Đình Thịnh, Phó Chủ tịch Hội LV&TT huyện Quảng Xương, chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của ông Nguyễn Chí Lợi, ở xã Quảng Ninh. Đây là trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, đã được huyện Hội tuyên truyền, hỗ trợ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học. Ông Lợi chia sẻ: “Ngay khi bắt đầu xây dựng trang trại, tôi đã được cán bộ hội tuyên truyền, sử dụng chế phẩm sinh học trên nền đệm lót sinh học và phối trộn vào thức ăn để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Nguyên liệu làm đệm lót dễ tìm như trấu, mùn cưa, men vi sinh Balasa N01... Từ đó, sẽ tạo ra vi sinh vật có ích, cấu tạo thành sợi men giúp phân hủy chất thải trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, chi phí làm đệm lót có giá thành thấp, 1kg men có thể làm đệm cho chuồng nuôi từ 30 - 50m2 với giá thành từ 50 đến 60 nghìn đồng và dễ dàng tìm mua trên thị trường”. Sau thời gian áp dụng, ông Lợi nhận thấy, xung quanh trang trại đã không còn mùi hôi do chất thải chăn nuôi, đàn gia cầm phát triển khỏe mạnh và đồng đều, tỷ lệ đẻ trứng cao. Hiện nay, trang trại của ông Lợi là một trong những địa chỉ tin cậy cung cấp trứng sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Để hỗ trợ hội viên, người dân phát triển các mô hình sản xuất, đáng chú ý trong thời gian qua, hội đã tổ chức hội nghị chuyên đề sản xuất, chế biến tiêu thụ ốc nhồi, kết hợp với tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Từ đó, đã nhân rộng diện tích nuôi ốc toàn huyện lên 80ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho 175 hộ nuôi. Bên cạnh đó, hội đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, người dân các xã Quảng Ngọc, Tiên Trang nhân rộng mô hình trồng đào Quảng Chính tại 11 hộ, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao vào dịp Tết Giáp Thìn.
Để hội viên, người dân có thêm kinh nghiệm trong quá trình sản xuất cũng như thêm động lực để mạnh dạn đầu tư nhân rộng các mô hình, hội đã tổ chức các đợt tham quan tại một số mô hình điểm trong và ngoài huyện, như: Mô hình trồng cây cảnh, nuôi lươn không bùn tại huyện Đông Sơn, mô hình nuôi hươu tại huyện Yên Định, vùng trồng đào Quảng Chính, nuôi tôm thẻ chân trắng trên nước ngọt tại thị trấn Tân Phong... Từ đó, hội viên và người dân đã vận dụng vào điều kiện sản xuất của địa phương để phát triển một cách có hiệu quả. Một số mô hình mới được hình thành, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện, như: Mô hình trồng hoa thiên lý tại xã Quảng Bình, trồng sâm báo, nuôi cá lóc tại xã Tiên Trang, nuôi giun quế tại thị trấn Tân Phong, trồng bí xanh tại xã Quảng Định... Ngoài ra, huyện Hội đã chủ động phối hợp cùng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trồng thử nghiệm lúa chất lượng cao ST25 trên địa bàn thị trấn Tân Phong, bước đầu cho thấy mô hình thử nghiệm đạt kết quả khả quan, lúa ST25 cho năng suất khá và chất lượng gạo ngon. Song song với việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, Hội LV&TT huyện Quảng Xương còn khuyến khích chủ trang trại mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, trang bị hệ thống điện, cống xả thải, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin...
Để hỗ trợ hội viên, người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Hội cũng đã hỗ trợ hội viên, người dân xây dựng các mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, định hướng cho hội viên lựa chọn con giống vật nuôi, mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, trang bị hệ thống điện, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi...
Chủ tịch Hội LV&TT huyện Quảng Xương Đoàn Thế Vương cho biết: Công tác hỗ trợ hội viên và người dân xây dựng các mô hình sản xuất của hội thời gian qua đã mang lại kết quả tích cực, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương. Thời gian tới, hội tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, định hướng cho hội viên, người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó, ưu tiên các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, không chất thải; các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh... gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm... Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho người dân; đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng người dân trong quá trình phát triển các mô hình để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
- 2024-11-04 22:11:00
VinFast và Công đoàn Tài xế Durango ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi xanh giao thông công cộng tại Mexico
- 2024-11-04 22:02:00
Nhà đầu tư háo hức tìm cơ hội sở hữu nhà phố đẳng cấp của Sun Group tại Hà Nam
- 2024-02-05 09:34:00
Bảo tồn, phát triển làng nghề thích ứng với thị trường
Giá vàng hôm nay (5/2): Giá giảm, vàng chưa hết rủi ro
Ứng dụng cơ giới hóa rộng rãi trong trồng trọt
Tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Mở hướng phát triển con nuôi siêu lợi nhuận
Hạt Kiểm lâm Nghi Sơn tăng cường bảo vệ rừng
Nuôi lợn rừng dưới tán cây cho thu nhập cao
Bản tin tài chính sáng 4/2: Giá vàng chốt tuần giảm, cơ hội mua vào
Công ty TNHH MTV Sông Chu chủ động phục vụ nước cho sản xuất vụ chiêm - xuân 2024
Thỏa sức sắm tết tại không gian quảng bá, trưng bày sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP