“Hô biến” đồi bưởi thành trại cam trăm tỉ
Trên mỗi gốc bưởi Diễn nhiều năm tuổi, hàng trăm... trái cam đường canh trĩu cành đang được thu hái thưa dần. Trồng bưởi để thu hoạch cam - công nghệ chiết ghép đã đem lại thành quả không ngờ ở trại cam trải dài trên triền đồi rộng lớn tại thôn Đồng Trung, xã Yên Lạc, huyện miền núi Như Thanh.
Một góc đồi cam của ông Đặng Quang Du ở thôn Đồng Trung, xã Yên Lạc (Như Thanh).
Những ngày cuối năm khi những đợt gió hanh heo ùa tới, chính là thời điểm trái cam, trái quýt cô đường, cho vị ngọt nhất. Tại khu đồi thoai thoải ở thôn Đồng Trung, gần 30 công nhân được thuê thời vụ để hái cam, kịp giao cho khách. Mỗi đợt hái, nhiều xe tải của các thương lái ở các tỉnh phía Bắc về tận trại cam chuyên chở đi tiêu thụ. Theo chủ trại cam Đặng Quang Du: “Cam đường canh và quýt Thái siêu ngọt ở đây được canh tác theo hướng hữu cơ nên chất lượng tốt. Trang trại có các hợp đồng liên kết với các đại lý và chuỗi cung ứng hoa quả thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Trước mỗi vụ thu hoạch, chúng tôi đều thông tin cho các đầu mối tiêu thụ vào tận đồi để kiểm tra sản phầm. Tạo được uy tín nên sản phẩm tại đây được khách hàng ưa thích, lượng thu hoạch lớn nhưng đầu ra luôn ổn định”.
Nói về quá trình “bắt” cây bưởi ra trái cam và quýt, chủ trang trại cho rằng, gia đình ông có triền đồi trồng bưởi Diễn từ nhiều năm trước, nhưng giá bưởi này ngày càng thấp do tình trạng khủng hoảng thừa. Thấy cần phải thay đổi cơ cấu cây trồng để cho hiệu quả cao hơn, nhưng tiếc vườn cây 4 ha với hàng nghìn gốc tốn bao năm chăm sóc. Thế rồi ông cưa thử thân một số cây, dùng mắt cam ghép vào hệ thống cành bưởi. Cành cam trên thân bưởi nhiều năm tuổi sau đó phát triển khỏe hơn bình thường, cho quả và sức đề kháng rất tốt. Thấy khả thi, ông thuê hàng chục chuyên gia và công nhân kỹ thuật ở tỉnh Hải Dương, Hưng Yên về ghép toàn bộ đồi bưởi với cành cam và quýt trưởng thành.
“Cam đường canh và quýt Thái siêu ngọt ra trên thân bưởi vừa có quả ngay, không mất 2 - 3 năm kiến thiết, cành phát triển lại khỏe. Trái cam và quýt chất lượng như ở chính gốc của nó chứ không “lai” bưởi như nhiều người vẫn nghĩ. Với 4 ha cây ghép đã cho thu hoạch trong các năm 2021 và 2022, vùng cây đều cho năng suất 42 tấn quả/ha, tương đương sản lượng 168 tấn quả. Doanh thu mang về mỗi năm khoảng 4,2 tỷ đồng, lợi nhuận trên dưới 2 tỷ đồng”, ông Du cho biết.
Thấy hiệu quả không ngờ, năm 2020 gia đình ông Du tiếp tục mua đất trồng thêm 7 ha cây trồng tương tự, năm qua đã tiến hành ghép cành, dự kiến trong năm 2024 sẽ cho thu hoạch. Cũng theo chủ trại cam, sau khi toàn bộ diện tích 11 ha cây cho quả, chỉ cần tính theo thời giá hiện tại, doanh thu hàng năm cũng hơn chục tỷ đồng. Tính cả đời cây 30 đến 40 năm, trang trại đem về hàng trăm tỷ đồng là điều bình thường.
Để đưa các vị khách đi thăm nông trại, ông Du đi xe máy dẫn đường để ô tô chúng tôi theo con đường mòn lên đồi. Nhìn từ triền cao, những hàng cây xanh trải dài tít tắp trên khu đất dốc. Nửa kia ngọn đồi là những vạt cam đã cho thu hoạch. Điều đáng khâm phục là khắp vùng đồi bao la, nhưng hệ thống tưới nhỏ giọt được lắp đặt đến từng gốc cây. Giới thiệu về hệ thống cung cấp nước tưới hiện đại, ông Du tiếp tục dẫn chúng tôi xuống khu ao cuối khu đồi - là nơi dự trữ nước tưới quanh năm cho cây. Ngay cạnh bờ ao là hệ thống bơm điện hiện đại. Ông chỉ cần ấn nút, hệ thống tưới thông minh thông qua các biến tần đã khởi động các máy bơm điện công suất lớn, đưa dòng nước mát đến các béc ở từng gốc cây cách đó gần cây số. Theo ông Du, trồng cây trên đồi khó khăn nhất là có nguồn nước tưới chủ động. Công trình này đã được gia đình mạnh dạn đầu tư với tổng số tiền 3 tỷ đồng để giải quyết điều đó.
Với chất giọng nhẹ nhàng gốc Bắc, chủ trại cam 61 tuổi không ngại chia sẻ bí quyết chăm sóc cây để có năng suất và chất lượng cao nhất. 80% phân bón cho cây là phân chuồng hoai mục, được ủ bằng chế phẩm EM phủ kín. 20% phân vô cơ đa lượng sẽ dùng kích thích quả nhanh lớn, được bón theo thời điểm cách ly cho phép. Các loại thuốc bảo vệ thực vật ở đây đều được dùng các chế phẩm vi sinh, bảo đảm an toàn về vệ sinh thực phẩm. Theo ông, “phải chú trọng bón phân hữu cơ, nếu lạm dụng quá nhiều phân vô cơ để tiết kiệm thời gian và chi phí thì sẽ nhanh làm chai và hỏng đất, vắt kiệt sức của cây. Làm ăn không uy tín, khách hàng quay lưng khiến sản phẩm không bán được thì coi như tự giết mình”.
Được biết, chủ trại cam Đặng Quang Du là người gốc Cẩm Phả (Quảng Ninh), lớn lên lập nghiệp tại vùng chuyên canh cây ăn quả tỉnh Hải Dương. Nhiều lần đi tìm hiểu tại Thanh Hóa, nhận thấy vùng vườn đồi Như Thanh đất đai màu mỡ nhưng người dân chủ yếu trồng keo, không phát huy hết giá trị quỹ đất, ông đã quyết định đến đây lập nghiệp. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng cây cảnh và cây ăn quả ở tỉnh Hải Dương, năm 2016 vợ chồng ông quyết tâm đến vùng đất mới thuê 4 ha vườn đồi trồng bưởi Diễn. Năm 2020, ông tiếp tục mua thêm 7 ha vườn đồi kế bên để mở rộng trại cam lên 11 ha như ngày hôm nay. Toàn bộ vốn liếng, tài sản của gia đình ông đã được đầu tư gây dựng vùng chuyên canh cây có múi hiện đại này.
Phía cuối chân đồi, căn nhà nhỏ cùng các công trình phụ trợ đã trở thành tổ ấm, biến Thanh Hóa thành quê hương thứ 2 để vợ chồng ông Du gắn bó. Việc một cá nhân tỉnh ngoài có vốn liếng, có kỹ thuật vào đầu tư khu trồng trọt áp dụng tiến bộ kỹ thuật đã giúp người dân địa phương thay đổi tư duy phát triển kinh tế, khơi dậy tiềm năng quỹ đất quê hương. Những khoảng đồi hoang hoặc trồng keo kém hiệu quả gần đó đang được cải tạo trồng cam với sự giúp đỡ kỹ thuật của người con gốc Bắc. Chính ông đã liên kết với 5 hộ dân có đồi cam lớn trong vùng hình thành nên HTX cây có múi Yên Lạc để tương trợ nhau về kỹ thuật, giúp nhau tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Bài và ảnh: Lê Đồng
- 2024-11-18 18:35:00
Hành động cho tăng trưởng xanh
- 2024-11-18 17:13:00
Đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa làm việc với các nhà đầu tư Nhật Bản
- 2023-12-27 09:41:00
Kết nối hội viên, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập
Dấu ấn trong giải phóng mặt bằng tại Lang Chánh
Người kỹ sư mong muốn nâng tầm nông sản Việt
Sản phẩm công nghiệp xứ Thanh tiếp tục “định vị” trên thị trường quốc tế
Còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 294 của HĐND tỉnh
Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn
Sức bật từ hạ tầng giao thông nông thôn
Ai sẽ là người đặt tên cho “Siêu Dự án”?
Góp phần quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ của Agribank
Phát huy thế mạnh phát triển dịch vụ logistics