Hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm
Chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là hoạt động tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng đã và đang được hệ thống ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả; giúp hàng nghìn hộ dân có việc làm, nâng cao mức thu nhập, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Mô hình trang trại chăn nuôi quy mô trên 1 vạn con gà của gia đình anh Nguyễn Văn Giang, ở xã Định Hải (Yên Định).
Thành lập từ năm 1992, Quỹ quốc gia về việc làm là nguồn tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, hộ gia đình. Từ năm 2016 đến cuối năm 2019, hoạt động cho vay từ quỹ được thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn. Đến ngày 23/9/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 61, nâng mức vay ưu đãi với doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, hộ kinh doanh và người lao động. Theo đó, mức vay được nâng lên tối đa 100 triệu đồng đối với người lao động (trước đây là 50 triệu đồng); đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án (trước đây là 1 tỷ đồng/dự án). Thời hạn cho vay nâng lên tối đa 120 tháng (trước đây là 60 tháng). Lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Sự điều chỉnh này góp phần tăng cơ hội tiếp cận và hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay của người dân.
Được ủy thác qua kênh đoàn thanh niên, gia đình anh Nguyễn Văn Giang, ở xã Định Hải (Yên Định) được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Yên Định mà không cần thế chấp tài sản. Cùng với nguồn vốn của gia đình, anh Giang đã xây dựng được trang trại với quy mô hơn 1 vạn con gà, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. "Trước đây gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng gà không vượt quá trăm con. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình tôi được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để lập nghiệp; giờ đây điều kiện kinh tế của gia đình đã được cải thiện đáng kể. Thời gian tới, tôi mong muốn ngân hàng CSXH nâng hạn mức cho vay và gia hạn thêm thời gian vay để chúng tôi có điều kiện tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất" - anh Giang cho biết.
Năm 2022, gia đình anh Lê Văn Đức, xã Thạch Định (Thạch Thành) được vay vốn 70 triệu đồng từ nguồn vốn theo Nghị định 74 của Chính phủ từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thành. Từ nguồn vốn vay, gia đình anh Đức đầu tư phát triển chăn nuôi bò đem lại thu nhập cao. Hiện nay, trang trại của anh có gần chục con bò đang trong thời kỳ sinh sản. Nhờ chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi qua sách báo và mạng internet nên đến nay đàn bò của gia đình anh sinh sản, phát triển tốt. Anh Đức chia sẻ: “Tôi muốn xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt trên diện tích đất sẵn có của gia đình. Nhờ có nguồn vốn vay tạo việc làm, tôi đã làm trang trại, cộng với số tiền dành dụm tôi đã mua con giống để nuôi. Hiện tại, 2 vợ chồng tôi đã có được việc làm ổn định, tôi mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô trang trại trong thời gian tới để cải thiện thu nhập cho gia đình”.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã phối hợp thực hiện hỗ trợ đối với trên 5.700 dự án vay vốn giải quyết việc làm giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 6.000 lao động. Để quản lý chặt chẽ và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, các tổ chức, đoàn thể, các địa phương đã chủ động trong công tác điều hành, quản lý nguồn vốn cho vay theo phân cấp, đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, cho vay giải quyết việc làm hộ, nhóm hộ... Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn nghiệp vụ xây dựng, thẩm định và quản lý nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm cho cán bộ các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sử dụng nhiều lao động và kinh tế trang trại nhằm kích cầu vay vốn. Đồng thời, hướng dẫn xây dựng dự án, thẩm định, quản lý và điều hành cho vay vốn của Quỹ quốc gia về việc làm tại các huyện, thành phố để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn... Nhờ đó, cơ chế quản lý, điều hành vốn tín dụng của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được thực hiện chặt chẽ ngay từ cơ sở. Các thôn, xóm, tổ dân phố tổ chức họp dân bình xét đối tượng vay vốn. Trong suốt quá trình quản lý vốn vay, đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp tại địa phương. Việc thu hồi vốn và lãi tín dụng được thực hiện tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho người vay vốn tiết kiệm chi phí đi lại. Định kỳ hằng tháng, hằng quý các huyện, thành phố kiểm tra tình hình vốn cho vay, từ đó có phương án đẩy mạnh lập dự án, giải ngân cho vay vốn, hạn chế tình trạng ứ đọng vốn trong thời gian dài, đồng thời, tăng cường công tác thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn vay để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm.
Cùng với việc tạo điều kiện vay vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, các huyện, thành phố triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, giáo dục định hướng, xuất khẩu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, mở các phiên giao dịch việc làm, tạo cơ hội việc làm, cung cấp kiến thức, thông tin về thị trường, tư vấn chọn nghề, cách làm ăn giúp người lao động sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Qua kiểm tra, đánh giá, 100% số hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Việc thu nợ, thu lãi đều được thực hiện đầy đủ vào những ngày cố định trong tháng.
Nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần tạo nhiều việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến công tác an sinh xã hội. Để tiếp tục phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn, Ngân hàng CSXH sẽ đẩy mạnh công tác cho vay vốn, thu hồi nợ; đồng thời phối hợp với ngành LĐ-TB&XH tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các dự án đang thực hiện và đối với công tác cho vay vốn mới bảo đảm đúng đối tượng và bảo đảm cho việc các cơ sở sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cao, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động.
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2025-01-12 11:21:00
Mang Tết sớm đến với công nhân, người lao động
-
2025-01-12 11:05:00
Thiết thực ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025
-
2024-05-13 10:03:00
Học nghề để lập nghiệp
Ngày châu Âu 2024 chọn Hạ Long là điểm đến
Hạnh phúc của “hai vầng trăng khuyết”
Thăm chợ hải sản lớn nhất thành phố biển Sầm Sơn
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Sự ám ảnh ở thời điểm tưởng như an toàn nhất
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Thạch Thành
Hội thảo khoa học “Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn”
Có thực sự “chữa lành” được không?
Đảm bảo an toàn bến khách ngang sông mùa mưa bão