(Baothanhhoa.vn) - Mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)” và “Điểm chữa cháy công cộng” đã được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, triển khai có hiệu quả với những kết quả đáng khích lệ.

Hiệu quả từ mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”

Mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)” và “Điểm chữa cháy công cộng” đã được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, triển khai có hiệu quả với những kết quả đáng khích lệ.

Hiệu quả từ mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”Diễn tập công tác chữa cháy và CHCN tại “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” số 1, phố Long Quang, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.

Đông Thọ là một trong những địa bàn trọng điểm của TP Thanh Hóa về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Đây là phường có dân cư đông, nhiều hộ kinh doanh nên nguy cơ về cháy nổ luôn ở mức cao. Ngay từ quý I-2023, phường đã sớm triển khai thực hiện mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” (gọi tắt là mô hình). Căn cứ vào quá trình kiểm tra, khảo sát thực tế, phường đã phân loại từng khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ để ưu tiên xây dựng mô hình. Qua công tác tuyên truyền, vận động và các cuộc họp dân tại các tổ dân phố, người dân đều nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và ủng hộ kế hoạch của phường. Điều này đã phát huy được sức mạnh toàn dân, sự chủ động trong công tác PCCC tại chỗ.

Tính đến ngày 15-6, phường Đông Thọ đã ra mắt 50 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 25 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Chủ tịch UBND phường Đông Thọ Đỗ Văn Trung cho biết: “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” ra mắt và đi vào hoạt động đều đã được tập huấn, thực hành diễn tập về công tác chữa cháy, CHCN và sơ cấp cứu ngay tại chỗ, mỗi gia đình đều có ít nhất 1 thành viên tham gia. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp dân. Bên cạnh đó, phường cũng đang tiến hành vận động các hộ dân trên địa bàn tháo dỡ, điều chỉnh “chuồng cọp” nhằm bảo đảm an toàn PCCC, thuận lợi cho công tác chữa cháy nếu xảy ra hỏa hoạn.

Từ điểm sáng này, TP Thanh Hóa đã nhân rộng ở nhiều địa phương khác. Tính đến ngày 15-6, toàn thành phố đã ra mắt 510 “Tổ liên gia an toàn PCCC” (số mô hình đăng ký là 470) và 412 “Điểm chữa cháy công cộng” (số mô hình đăng ký là 323). Việc các phường, xã trên địa bàn đăng ký ra mắt bổ sung thêm các mô hình đã khẳng định tầm quan trọng của công tác PCCC trong tình hình mới hiện nay. TP Thanh Hóa cũng là địa phương có số lượng "Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” nhiều nhất trong tỉnh. Về cơ bản, đến ngày 30-6, TP Thanh Hóa sẽ hoàn thành việc ra mắt và đi vào hoạt động mô hình này.

Nhiều địa phương trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh như TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn cũng có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và ra mắt mô hình. Điển hình như TP Sầm Sơn đăng ký 18 và đã ra mắt 22 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Trên địa bàn thành phố từ đầu mùa du lịch đến nay chưa xảy ra vụ hỏa hoạn nào, góp phần xây dựng hình ảnh đô thị du lịch an toàn, văn minh. Căn cứ tình hình và yêu cầu thực tế, thành phố sẽ tiếp tục cho đăng ký bổ sung và ra mắt thêm các mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trong 6 tháng cuối năm 2023.

Trong khi đó, thị xã Bỉm Sơn có 32 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 8 “Điểm chữa cháy công cộng”; thị xã Nghi Sơn có 31 "Tổ liên gia an toàn PCCC” và 69 “Điểm chữa cháy công cộng”. Một số huyện miền núi cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc xây dựng và ra mắt mô hình như Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thường Xuân. Các địa phương tiêu biểu khác sớm hoàn thành chỉ tiêu như Thiệu Hóa, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Thọ Xuân...

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh, đến ngày 15-6, toàn tỉnh đã ra mắt và đi vào hoạt động 1.321 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 1.116 “Điểm chữa cháy công cộng”, vượt chỉ tiêu đề ra. Các "Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đều được quan tâm đầu tư, trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình bọt, bình khí CO2, mặt nạ phòng độc. Người dân tham gia các mô hình được tập huấn kỹ năng cơ bản về PCCC, CNCH và được hướng dẫn, cài đặt sử dụng các tính năng của ứng dụng “Báo cháy 114” nhằm đảm bảo xử lý nhanh, hiệu quả các sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu.

Thượng tá Lê Như Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: Để cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC và CNCH, Bộ Công an và UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư, đặc biệt là các khu vực có nhà ở kết hợp kinh doanh liền kề. Qua triển khai và thực hiện đã có nhiều “Tổ liên gia” phát huy được vai trò trong bảo đảm an toàn PCCC và CNCH, vừa giảm thiểu các vụ cháy xảy ra, kỹ năng tham gia ứng cứu chữa cháy ngay tại khu dân cư cũng nâng lên, qua đó khẳng định việc xây dựng các mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trong giai đoạn hiện nay là rất phù hợp, phát huy được sức mạnh trong Nhân dân.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]