Hấp dẫn các điểm du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Thanh
Khu vực miền Tây xứ Thanh là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Chính vì vậy, ở đây còn lưu giữ được khá nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống từ phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... Đây cũng là điểm nhấn để các địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tạo sức hấp dẫn đối với du khách.
Điểm du lịch cộng đồng Lê Niên Glamping.
Khi trời dần tối, cũng là lúc anh Lê Văn Niên, người xây dựng điểm du lịch cộng đồng Lê Niên Glamping ở thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái (Như Thanh) cùng một số nhân viên bắt đầu chuẩn bị các món ẩm thực để phục vụ khách du lịch. Vừa làm, anh vừa tâm sự: “Tận dụng lợi thế của địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống nên còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống như khua luống, nhảy sạp... Hơn nữa, phong cảnh thiên nhiên ở thôn cũng khá đẹp, mát mẻ rất thích hợp cho việc phát triển du lịch cộng đồng. Do đó, tôi đã quyết định đầu tư mua sắm lều, bạt, loa đài, máy phát điện, bàn ghế... để xây dựng điểm du lịch cộng đồng Lê Niên Glamping".
Mặc dù đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng lượng khách du lịch đến Lê Niên Glamping khá đông. Đến đây, du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động như giao lưu văn hóa - văn nghệ với bà con dân tộc Thái, Mường; chèo thuyền, đánh bắt cá trên sông Mực; ngắm cảnh thiên nhiên, ruộng bậc thang, thưởng thức ẩm thực của miền núi như các loại thịt nướng, ốc, cua, cá sông...
Là khách du lịch đến Lê Niên Glamping, chị Trương Thị Hà ở TP Hà Nội, cho biết: "Tôi rất thích đến những điểm du lịch cộng đồng như Lê Niên Glamping. Đến đây, tôi được khám phá nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, được trải nghiệm nhiều hoạt động cắm trại, ngắm cảnh thiên nhiên... Tối đến, đội văn nghệ của làng sẽ phục vụ du khách những tiết mục hát múa đặc sắc của dân tộc mình. Du khách cũng có thể cùng nhảy múa, ca hát với bà con. Không khí trong lành, thơ mộng, người dân hiền hòa mến khách nên tôi rất ấn tượng và chắc chắn sẽ quay lại đây".
Bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) cũng là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách. Đa số du khách đến đây đều có ấn tượng với những nét văn hóa độc đáo, lối sống thân thiện của người dân địa phương. Chị Nguyễn Mai Anh, du khách đến từ TP Thanh Hóa, chia sẻ: "Bản Đôn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, nhiều trải nghiệm thú vị, chi phí cho chuyến đi cũng tương đối thấp, nên vào dịp nghỉ lễ, tết, hay cuối tuần tôi cùng gia đình, nhóm bạn bè thường hay đến đây để tham quan, ngắm cảnh. Điều tuyệt vời nhất khi đến đây là được trải nghiệm văn hóa ngủ nhà sàn, thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân tộc, được khám phá thiên nhiên, tham gia các hoạt động đi bộ xuyên rừng, leo núi...".
Ông Hà Văn Thược, người làm homestay tại bản Đôn cho biết: Trong những năm qua, du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Đôn khá đông, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài. Sở dĩ, bản Đôn tạo sức hút du khách là nhờ sự kết hợp hài hòa giữa du lịch và văn hóa, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân địa phương. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động như tham quan nhà sàn truyền thống, tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng, thưởng thức các món ăn đặc sản, cùng người dân đánh bắt cá trên sông.
"Để đáp ứng nhu cầu của du khách, gia đình tôi đã xây dựng homestay nhà sàn truyền thống. Đồng thời, tập trung mở rộng, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ nhưng vẫn mang đậm tính truyền thống để du khách trải nghiệm. Đặc biệt, chú trọng giới thiệu nền ẩm thực phong phú và độc đáo của dân tộc Thái. Nhờ đó, homestay thu hút được khá đông du khách đến tham quan, lưu trú" - ông Thược nói.
Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Bút (Quan Hoá).
Khu vực miền Tây xứ Thanh vốn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thảm thực vật và quần thể động vật phong phú. Tận dụng lợi thế đó, nhiều địa phương đã đầu tư phát triển du lịch, mang lại hiệu quả cao như: Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), Khu du lịch cộng đồng bản Mạ (Thường Xuân), điểm du lịch sinh thái cộng đồng bản Bút (Quan Hóa)... Mỗi điểm du lịch cộng đồng mang đặc trưng bản sắc của mỗi dân tộc, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, được tận hưởng sự bình yên của làng quê, phong cảnh thiên nhiên, khám phá không gian văn hóa, sự mến khách của người dân địa phương. Bên cạnh đó, ngoài việc khai thác, phát huy yếu tố văn hóa bản địa vào phát triển du lịch cộng đồng, thì việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch và chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ cũng dần được các điểm du lịch cộng đồng quan tâm thực hiện. Từ đó góp phần tạo thêm sức hấp dẫn, đưa các điểm du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, trở thành “điểm hẹn” cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-01-17 10:19:00
Đền thờ Lê Lâm trên đất Phùng Giáo
-
2025-01-16 21:07:00
Du xuân trên đất kinh xưa
-
2024-11-02 14:27:00
Cư dân miền biển thờ Tứ vị Thánh nương
Miền tiên cảnh Từ Thức
Chốn thiêng nơi vùng đất biển
Nem chua Đức Anh: Từ Thanh Hóa vươn xa khắp mọi miền
Đến hang Quăn
Cần “điểm tựa” cho du lịch cộng đồng
Về đình Ngô Xá Hạ, nhớ ngày khởi nghĩa xưa
Nhiều điểm check-in cực chill ở Thanh Hoá cho giới trẻ dịp lễ Quốc khánh 2/9
Thị trấn Nưa gìn giữ và phát huy giá trị di tích
Không gian văn hóa đặc sắc dưới chân Pù Luông